Cử tạ Việt Nam tiếp tục gặp khó tại Olympic

Sau khi đối diện nguy cơ bị cấm dự Olympic Tokyo, cử tạ Việt Nam gặp nhiều thách thức bởi những thay đổi tại Olympic Paris 2024.

Đầu năm 2020, cử tạ Việt Nam khai xuân với 10 HCV cúp thế giới, gồm hat-trick HCV của Thạch Kim Tuấn và Hoàng Thị Duyên, những đô cử đang nằm trong nhóm đủ điều kiện tham dự Olympic Tokyo.

Tuy vậy, cử tạ Việt Nam đứng trước nguy cơ bị cấm tham dự Olympic khi có tới 4 VĐV dương tính với doping trong 3 năm qua. Khó khăn càng thêm chồng chất khi mới đây Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thông báo cắt 4 nội dung môn cử tạ tại Olympic Paris 2024.

Những điều chỉnh này có thể khiến cơ hội cạnh tranh của cử tạ Việt Nam tại sân chơi danh giá thế giới bị giảm đi. Trong mỗi kỳ Olympic, cử tạ luôn nằm trong nhóm có khả năng tranh chấp huy chương của đoàn Thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi tại Paris năm 2024.

 Thạch Kim Tuấn là niềm hy vọng hàng đầu của cử tạ Việt Nam ở hạng cân 61 kg nam. Ảnh: Minh Chiến.

Thạch Kim Tuấn là niềm hy vọng hàng đầu của cử tạ Việt Nam ở hạng cân 61 kg nam. Ảnh: Minh Chiến.

Cắt bớt 4 nội dung môn cử tạ tại Olympic Paris

Theo thông báo từ IOC, Olympic Paris sẽ cắt giảm 10 nội dung ở một số môn. Cử tạ bị cắt giảm nhiều nhất với 4 nội dung của nam và nữ. So với 190 đô cử giành vé tới Tokyo, tại Paris 2024, cử tạ chỉ còn 120 suất.

IOC sẽ làm việc với Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) trước khi công bố các nội dung bị cắt giảm ở môn cử tạ vào quý IV năm 2021. IOC muốn siết chặt các quy định đối với cử tạ khi có quá nhiều vận động viên ở môn này vi phạm doping. Trong trường hợp xấu nhất, cử tạ sẽ bị loại bỏ tại Paris 2024.

Những thay đổi trong môn cử tạ ở Olympic bắt đầu tại Tokyo, khi các hạng cân được điều chỉnh lại, đồng thời bỏ bớt một hạng cân nam, để cân bằng số nội dung thi đấu giữa nam và nữ (7-7). Tại Rio 2016, cử tạ có 260 vận động viên tham dự, nhưng đến Tokyo, số suất này giảm còn 190 và tiếp tục giảm khi tới Paris.

Tại Olympic Tokyo, các hạng cân của nam và nữ được đôn lên, không còn hạng 56 kg nam thay vào đó bắt đầu từ hạng 61 kg. Nội dung của nữ, hạng cân thấp nhất là 49 kg. Không loại trừ khả năng IOC và IWF sẽ loại bỏ các hạng cân nhỏ tại Paris 2024.

Đây sẽ là thách thức không nhỏ của cử tạ Việt Nam, bởi các đô cử Việt Nam thường mạnh ở những hạng cân nhỏ. Trong các kỳ Olympic, cử tạ Việt Nam từng giành 1 HCB và 1 HCĐ ở hạng 56 kg nam của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (Olympic Bắc Kinh 2008) và Trần Lê Quốc Toàn (Olympic London 2012).

Cử tạ Việt Nam từng giành 4 HCV tại SEA Games 2019. Ảnh: Minh Chiến.

Vẫn đợi phán quyết dự Olympic Tokyo

Không chỉ gặp khó trong việc hướng tới Olympic Paris 2024, cử tạ Việt Nam còn đang chờ quyết định từ IWF, sau khi có thêm 2 đô cử dương tính doping được công bố cuối tháng 11 là Nguyễn Thị Thu Trang và Bùi Đình Sáng.

"Cử tạ Việt Nam trong 3 năm qua có đến 4 VĐV dương tính với doping, nên hiện chúng tôi vẫn phải chờ văn bản chính thức của Liên đoàn Cử tạ Quốc tế (IWF) xem cử tạ Việt Nam có bị cấm tham dự Olympic Tokyo hay không", ông Đỗ Đình Kháng, Tổng thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam, chia sẻ với Zing.

"Theo quy định, có thể cử tạ Việt Nam sẽ bị cắt giảm số suất hoặc cấm tham dự. Vấn đề này sẽ có ủy ban xem xét và ra quyết định cuối cùng. Nhiều khả sẽ chỉ giảm số suất tham dự, ví dụ có 4 vé thì chỉ còn 1-2 suất".

Cử tạ Việt Nam hiện có 2 vận động viên nằm trong nhóm đủ điều kiện tham dự Olympic Tokyo là Thạch Kim Tuấn (hạng 5 nội dung 61 kg nam), Hoàng Thị Duyên (hạng 7 nội dung 59 kg nữ) . Ngoài ra, Vương Thị Huyền (49 kg nữ) cũng có cơ hội tham dự. Tuy vậy, các vận động viên sẽ phải chờ đợi quyết định từ IWF.

Theo Cơ quan chống Doping quốc tế (WADA), những bê bối doping trong môn cử tạ ngày càng tinh vi và không có dấu hiệu giảm bớt, dù nhiều vận động viên và các quốc gia đã bị cấm thi đấu. WADA tiết lộ vấn nạn doping trong môn cử tạ vượt ra ngoài phạm vi của các vận động viên, có sự hỗ trợ từ những nhân viên, huấn luyện viên và quan chức.

IOC đánh giá IWF rất chậm chạp trong việc quản lý và chống doping. Điều này có thể khiến môn cử tạ bị loại khỏi Olympic Paris 2024.

Ở Olympic Tokyo, gần 20 quốc gia bị giới hạn thi đấu khi có các trường hợp vi phạm doping. Tính riêng tại Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia bị IWF cấm tham dự Olympic Tokyo khi có quá nhiều trường hợp vi phạm.

Tiến Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cu-ta-viet-nam-tiep-tuc-gap-kho-tai-olympic-post1163334.html