Cụ thể hóa các hệ giá trị phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, nghiên cứu, xác định, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.. Phiên khai mạc: Hội thảo quốc gia 'Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới'

Tiếp tục chương trình Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” (Hội thảo), chiều 29/11 đã diễn ra phiên thảo luận thứ hai với chủ đề “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Hội thảo.

Điều hành phiên thảo luận thứ hai tại đầu cầu Hà Nội có các đồng chí: GS. TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Chủ tịch Đoàn Chủ tọa phiên thứ hai; GS. TS. Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS. TS. Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

GS. TS. Đinh Xuân Dũng phát biểu Đề dẫn tại phiên thảo luận buổi chiều. (Ảnh: Thế Hoàng)

Tham luận và phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận buổi chiều, các nhà khoa học, chuyên gia văn hóa, nhà quản lý đã tập trung phân tích, làm rõ những yêu cầu đặt ra đối với các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới; xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung của các hệ giá trị; phân tích mối quan hệ biện chứng và những nội dung, đặc điểm cũng như những ảnh hưởng trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế đến việc xây dựng các hệ giá trị. Đồng thời luận giải và đề xuất các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa gắn với hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

SỰ ĐA DẠNG CỦA VĂN HÓA CŨNG CHÍNH LÀ SỰ ĐA DẠNG CỦA HỆ GIÁ TRỊ VĂN HÓA

PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện Nghiên cứu Văn hóa khẳng định, giá trị văn hóa là vấn đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ mà luôn được đề cập tới trong các văn bản nghị quyết, trong các diễn đàn thảo luận về các vấn đề văn hóa xã hội, trong các công trình nghiên cứu văn hóa và trên truyền thông.

Giá trị, hệ giá trị văn hóa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mà Đảng ta đã đề ra.

PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm phát biểu tham luận. (Ảnh: Thế Hoàng)

Theo PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm, hệ giá trị văn hóa qua từng chặng đường lịch sử cũng có thể khác nhau. Ví dụ giá trị yêu nước ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể lại được định hình ở những khuôn mẫu, chuẩn mực khác nhau, yêu nước thời chiến tranh là ra trận, là “đấu tranh giành độc lập dân tộc”, yêu nước thời bình là ra sức xây dựng đất nước, làm giàu cho đất nước hay giá trị cần cù, đề cao kinh nghiệm trong xã hội tiểu nông đã thay đổi, xã hội đương đại đề cao giá trị sáng tạo; giá trị/triết lý về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên một thời là chinh phục tự nhiên, chiến thắng tự nhiên nhưng hiện nay giá trị/triết lý trong mối quan hệ này là hài hòa với tự nhiên, nương theo tự nhiên, thuận thiên,…

Hệ giá trị văn hóa luôn mang tính riêng của từng cộng đồng, tộc người, nhóm người và phụ thuộc vào từng bối cảnh cụ thể và những sự lựa chọn của chủ thể văn hóa. Vì vậy, sự đa dạng của văn hóa cũng chính là sự đa dạng của hệ giá trị văn hóa.

“Hệ giá trị văn hóa là một phương diện quan trọng của một nền văn hóa và thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa. Hệ giá trị văn hóa đã và đang được thực hành đa dạng, sống động trong đời sống xã hội, việc gọi tên, đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa là vô cùng quan trọng, giúp cho chúng ta có những nhìn nhận bao quát hơn, đầy đủ hơn và phát huy được hiệu quả hơn chức năng định hướng, đánh giá, điều chỉnh của hệ giá trị văn hóa”, PGS. TS. Nguyễn Thị Phương Châm khái quát.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh)

Theo PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhìn chung, hệ giá trị văn hóa Việt Nam được thể hiện ở: 1) Giá trị dân tộc, phản ánh qua cả nội dung và hình thức của nền văn hóa, thể hiện sự phong phú, độc đáo, sức sống của văn hóa dân tộc. Giá trị dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện truyền thống văn hiến của dân tộc, được nuôi dưỡng từ mạch nguồn dân tộc. Đó cũng là nền văn hóa độc lập, tự chủ, không bị nô dịch, bị lấn át trước văn hóa ngoại lai, nhưng đồng thời có khả năng tiếp thu, “dân tộc hóa”, “Việt Nam hóa” những ảnh hưởng tốt đẹp của văn hóa bên ngoài, làm giàu và nâng tầm văn hóa dân tộc ngang tầm thế giới và thời đại; 2) Giá trị dân chủ - một giá trị tiến bộ của thời đại, đề cao các quyền tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do sáng tạo văn hóa, mọi công dân đều bình đẳng và được tôn trọng. Người dân vừa là chủ thể vừa là khách thể của văn hóa, vừa là người sáng tạo vừa là người hưởng thụ các giá trị văn hóa; 3) Giá trị nhân văn đề cao tình nghĩa, nhân ái, yêu thương con người, tôn trọng nhân phẩm, đặc trưng cho văn hóa Việt Nam vốn trọng tình cảm, thương yêu con người, đề cao tình nghĩa; Trong khi đó, giá trị khoa học là hướng các hoạt động xây dựng con người có thế giới quan khoa học, nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập.

HỆ GIÁ TRỊ QUỐC GIA LÀ SỰ “TÍCH HỢP” CÁC GIÁ TRỊ CON NGƯỜI, GIA ĐÌNH, VĂN HÓA, XÃ HỘI

Theo GS. TS. Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giá trị quốc gia vừa mang những nét riêng có của dân tộc, vừa mang những nét chung phổ biến của nhân loại. Nét chung phổ biến của nhân loại là những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, tích cực, tiến bộ thể hiện những nhận thức của nhân loại cũng như khát vọng hướng tới của nhân loại. Từ đây có thể hiểu khi nói tới giá trị quốc gia là nói tới giá trị tích cực, tiến bộ thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại.

GS. TS. Từ Thị Loan phát biểu tại Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn. (Ảnh: Tuấn Anh)

GS. TS. Từ Thị Loan phát biểu tại Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn. (Ảnh: Tuấn Anh)

Còn theo GS. TS. Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, giá trị quốc gia là những giá trị cốt lõi, phản ánh những khát vọng, mong cầu, mục tiêu chung của cả quốc gia. Đó những giá trị được kết tinh từ quá khứ, phát huy vai trò trong hiện tại và có định hướng tới tương lai, làm nền tảng để điều tiết, dẫn đường cho sự phát triển của đất nước...

Giá trị quốc gia được hình thành và củng cố trong lịch sử phát triển dài lâu, đôi khi thấm máu và nước mắt của các dân tộc. Mặc dù có nền tảng từ truyền thống, hệ giá trị quốc gia luôn luôn vận động, biến đổi, được bồi đắp, bổ sung trong quá trình phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại.

“Thực tiễn cho thấy các quốc gia phát triển thành công, trở thành các dân tộc tiên phong trong nền văn minh nhân loại thường có một hệ giá trị quốc gia phù hợp, chuẩn xác, giúp huy động được các nguồn lực xã hội hướng đến sự hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển”, GS. TS. Từ Thị Loan nhấn mạnh.

GS. TS. Trần Văn Phòng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh)

Để từng bước nghiên cứu, xây dựng được hệ giá trị quốc gia, một trong những giải pháp được GS. TS. Trần Văn Phòng nêu ra tại Hội thảo là, phải dựa vào nhân dân xây dựng hệ giá trị quốc gia gắn với xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình Việt Nam. Bởi lẽ, bốn hệ giá trị này tự thân đã gắn bó chặt chẽ với nhau. Trong đó, hệ giá trị con người là trung tâm, hệ giá trị văn hóa là cơ sở, nền tảng; hệ giá trị gia đình là bệ đỡ. Hơn nữa, những con người trong xã hội XHCN là nhân dân, là chủ thể sáng tạo văn hóa cũng là chủ thể sáng tạo hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, đồng thời là chủ thể được hưởng thụ và hướng tới xây dựng, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị xã đình. Do vậy, các thành tố trong hệ giá trị quốc gia không mâu thuẫn, không loại trừ mà bổ sung cho nhau, cùng nhau đòi hỏi, nương tựa vào nhau để tạo nên những giá trị tinh thần cao quý của dân tộc.

PGS. TS. Trần Quốc Toản phát biểu tham luận. (Ảnh: Tuấn Anh)

PGS. TS. Trần Quốc Toản, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, hệ giá trị quốc gia - dân tộc là sự “kết tinh”, “tích hợp” (không phải là phép cộng) các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị xã hội thành các giá trị phát triển đặc trưng của một nước trong những giai đoạn nhất định. Không có giá trị quốc gia - dân tộc nào nằm ngoài các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị chính tri - xã hội của quốc gia - dân tộc đó. Mặt khác, hệ giá trị quốc gia - dân tộc không thể không chứa đựng những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại (ở những mức độ khác nhau, hình thức khác nhau). Nhưng, giá trị quốc gia - dân tộc sẽ là định hướng chủ đạo, điều tiết sự phát triển của các giá trị con người, giá trị gia đình, giá trị văn hóa, giá trị chính tri - xã hội của quốc gia - dân tộc.

Các đại biểu tham gia Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: Tuấn Anh)

Cũng trong chương trình buổi chiều đã diễn ra Thảo luận - Tọa đàm bàn tròn với sự tham gia của các đại biểu: GS. TS. Đinh Xuân Dũng; PGS. TS. Tạ Quang Đông; GS. TS. Từ Thị Loan; GS. TSKH. Trần Ngọc Thêm (tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh)... Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận xung quanh những vấn đề như: Việc xác định các hệ giá trị trong thời kỳ mới có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay; đâu là hệ giá trị quốc gia cốt lõi trong thời kỳ mới; kinh nghiệm của một số quốc gia trong xây dựng hệ giá trị quốc gia; một số vấn đề bất cập cần khắc phục; những giải pháp trọng tâm để xây dựng và triển khai các hệ giá trị trong thời gian tới...

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo và quản lý đã trao đổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay; kinh nghiệm, bài học của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các ban, bộ, ngành, địa phương sau một năm triển khai thực hiện các chỉ đạo, định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, góp phần truyền cảm hứng và hành động vì một đất nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.

Các ý kiến trao đổi tại Hội thảo đều thống nhất nhận định: Việc nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị đã trải qua một chặng đường dài trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Đây là kết quả của công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của Đảng, của Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như sự trăn trở, suy nghĩ của đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, đội ngũ văn nghệ sĩ, của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.

NĂM NHÓM GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM THỰC HIỆN TRONG THỜI GIAN TỚI

Phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Hội thảo khẳng định: Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” có ý nghĩa quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phát huy trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các cơ quan tham mưu, chỉ đạo, quản lý văn hóa trong cả nước cùng nhau trao đổi kết quả nghiên cứu, thảo luận, hướng đến làm rõ và thống nhất trong việc xác định các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, Hội thảo đã thống nhất được những vấn đề cơ bản, cốt lõi trong xây dựng các hệ giá trị và làm cơ sở cho quá trình tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tổng kết và bế mạc Hội thảo. (Ảnh: Tuấn Anh)

Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao công tác chuẩn bị của các cơ quan chức năng, đặc biệt là tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý đã được thể hiện sâu sắc và rõ nét qua các tham luận và kết quả thảo luận tại Hội thảo. Đồng thời nhấn mạnh 5 nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo phát biểu định hướng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương nhằm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, góp phần xây dựng nhân cách, con người, xây dựng gia đình, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực hiện mục tiêu cao cả phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thứ ba, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương trong việc sáng tạo, xây dựng, hiện thực hóa các hệ giá trị vào trong đời sống xã hội; khẳng định những mặt tích cực, lên án, phê phán cái xấu, cái ác, cái giả, khẳng định cái đúng, cái tốt, cái đẹp, lan tỏa các tấm gương tích cực trong đời sống xã hội để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, truyền cảm hứng tích cực cho xã hội, đặc biệt là với thanh thiếu niên.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Thứ tư, cấp ủy và chính quyền các cấp cần lồng ghép thực hiện các hệ giá trị trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, của mỗi lĩnh vực, nhất là gắn kết việc hiện thực hóa các giá trị này với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại.

Thứ năm, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị đã được đề cập tại Hội thảo này. Đồng thời, đề nghị các cơ quan và đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, cần thiết để tạo nên những đột phá mới trong việc triển khai, thực hiện các hệ giá trị trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc./.

Thế Hoàng

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/ban-tuyen-giao-tw/cu-the-hoa-cac-he-gia-tri-phu-hop-voi-dieu-kien-hoan-canh-thuc-te-cua-tung-linh-vuc-tung-dia-phuong-142187