Cử tri đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, có rất ít địa phương triển khai thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng, hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo ngành Sư phạm dù Nghị định 116/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực được gần 3 năm.

Đóng góp ý kiến tại buổi thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, diễn ra ngày 26/5 trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho biết, hiện nay, cử tri đặc biệt quan tâm và mong muốn được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tình trạng thiếu giáo viên và triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu nêu thực tế, tính đến thời điểm hiện tại, có rất ít địa phương trên cả nước triển khai thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu với cơ sở đào tạo ngành Sư phạm dù Nghị định 116/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực được gần 3 năm.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu 3 nguyên nhân, vướng mắc dẫn đến tình trạng trên, cụ thể:

Thứ nhất, việc đấu thầu này đang coi giáo viên như một mặt hàng và các cơ sở đào tạo là đơn vị cung cấp mặt hàng đó. Trong khi chất lượng, uy tín, bề dày kinh nghiệm giữa các cơ sở là không giống nhau.

"Khi đấu thầu sẽ ra sao nếu những cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng, có bề dày kinh nghiệm và thành tích đào tạo giáo viên lại trượt thầu và ngược lại?", nữ đại biểu băn khoăn.

Thứ hai, sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng nhưng khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, muốn trở thành giáo viên và phục vụ trong ngành giáo dục thì vẫn phải vượt qua kỳ thi tuyển viên chức.

"Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, sinh viên tốt nghiệp mà không công tác trong ngành thì sẽ phải bồi hoàn chi phí đào tạo. Nhưng nếu sinh viên không trúng tuyển kỳ thi viên chức không phải do ý muốn chủ quan từ người học thì có phải bồi hoàn chi phí hay không? Nếu không phải bồi hoàn thì cũng dễ dẫn đến tình trạng người thi cố tình thi trượt để tránh việc phải bồi hoàn", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.

Thứ ba, có những địa phương có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên nhưng chưa bố trí được kinh phí, nhưng cũng có địa phương không có nhu cầu đặt hàng.

Đại biểu cho biết: "Chính sách đã có nhưng đi vào thực hiện gặp nhiều khó khăn, trong khi tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương chưa được cải thiện. Hiện nay, nhiều sinh viên vẫn chưa nhận được trợ cấp, hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP do ngân sách địa phương chưa thực hiện được".

Do đó, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ rà soát, tháo gỡ ngay những khó khăn, bất cập để Nghị định 116/2020/NĐ-CP được thực hiện thông suốt và hiệu quả.

Thiên Ân

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cu-tri-dac-biet-quan-tam-den-viec-thao-go-vuong-mac-trong-qua-trinh-trien-khai-nghi-dinh-116-2020-nd-cp-179230526223321107.htm