Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng

Đó là vấn đề được nhấn mạnh tại báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIV

Hơn 1.900 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới Quốc hội

Báo cáo cho biết, từ sau kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 1.915 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 80 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 1.835 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân được phản ánh qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Theo đó, Cử tri và Nhân dân vui mừng phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế xã hội của đất nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần; an sinh xã hội được bảo đảm, việc chăm lo Tết Nguyên đán cho Nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ (Hà Nội) ngày 8/10/2018 (Ảnh: Đăng Khoa)

Cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, cải cách hành chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát chuyên đề, giám sát các bộ, ngành, địa phương về thực hiện ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, giải quyết vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tinh gọn bộ máy, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Nhân dân nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Cử tri và Nhân dân lo lắng trước tình trạng “chạy chức chạy quyền”

Báo cáo của Đoàn chủ tịch Ủy ban nhân dân Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho biết, cử tri và Nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như: tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp so với các nước trong khu vực. Tình hình mất an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện; xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong xã hội; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng tiếp tục xảy ra; việc điều chỉnh giá điện, giá xăng tăng mạnh trong thời gian ngắn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình khiếu nại, tố cáo còn bức xúc ở nhiều địa phương…

Đặc biệt, cử tri và Nhân dân tiếp tục quan tâm, theo dõi việc xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La; hoan nghênh việc các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý sai phạm. Cử tri và Nhân dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm xử lý nghiêm và công khai các đối tượng có liên quan đến vi phạm, nhất là đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý, gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; thống nhất cách xử lý đối với các thí sinh gian lận điểm thi, bảo đảm công bằng xã hội. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, khắc phục triệt để những hạn chế trong tổ chức thi của các năm trước, trước hết là những “lỗ hổng” trong quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, ngăn chặn kịp thời gian lận trong thi cử của năm học 2019 - 2020.

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân vẫn phản ánh và cho rằng tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy” thi tuyển dụng, thi chuyển ngạch công chức, viên chức… vẫn tồn tại mà rất ít được phát hiện và xử lý. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, các cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên rà soát, tăng cường công khai, minh bạch công tác tuyển dụng, thi tuyển và thi chuyển ngạch đối với công chức, viên chức; kịp thời sửa đổi các thủ tục, quy trình chưa hợp lý; quy định rõ việc phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, bổ nhiệm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương; xử lý nghiêm các vi phạm”, báo cáo viết.

“Cử tri và Nhân dân hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ Đảng, Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn; xử lý, kỷ luật nghiêm một số cán bộ lãnh đạo có vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thể hiện đúng chủ trương “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng. Tuy nhiên, công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm; việc thu hồi tài sản bị tham nhũng còn rất hạn chế; tình trạng “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức trong các cơ quan công quyền chưa được khắc phục. Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.”, báo cáo nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cu-tri-de-nghi-dang-nha-nuoc-tiep-tuc-day-manh-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-d97669.html