Cử tri đề nghị xử lý nghiêm tiêu cực, 'lót tay' để giải quyết công việc

Sáng nay (16/11), trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Qua 1.570 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, 63 Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tổng hợp được 2.458 kiến nghị (KN) có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của xã hội. Các KN đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, toàn bộ các KN đã được trả lời (đạt 100%).

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải

Cụ thể, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp nhận 2.284 KN, chiếm 92,9% tổng số KN; trong đó có 1.695 KN (chiếm 74,2%) được trả lời dưới hình thức cung cấp thông tin cho cử tri thuộc lĩnh vực: lao động, việc làm, an sinh xã hội, giao thông vận tải, nông nghiệp, nông thôn, giáo dục và đào tạo...

Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Nguyễn Thanh Hải cho biết, nhìn chung, qua giám sát cho thấy, các bộ, ngành đều nghiêm túc, trách nhiệm trong giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri, có tới 21/24 Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ đạo và trực tiếp ký các văn bản trả lời gửi tới cử tri, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 206 văn bản trả lời; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội 193 văn bản trả lời; Bộ Giáo dục đào tạo 145 văn bản trả lời...

Chính vì vậy, số lượng và chất lượng các KN được giải quyết có sự chuyển biến khá rõ rệt, có vấn đề cử tri nêu rất khó giải quyết nhưng Chính phủ đã rất nỗ lực để tìm giải pháp, tạo đột phá đáp ứng kỳ vọng của cử tri; chẳng hạn vấn đề cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đã được triển khai từ lâu nhưng kết quả còn hạn chế, trong thời gian qua đã được chú trọng giải quyết nên cử tri rất đồng tình. Cụ thể, Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt kiểm tra việc cắt giảm các thủ tục hành chính, chấn chỉnh tình trạng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành chồng chéo; đề ra mục tiêu phải cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục trước 30/6/2018, các bộ, ngành đều tích cực triển khai, điển hình như Bộ Công Thương đã cắt giảm 675/1.216 điều kiện kinh doanh thuộc 27 nhóm ngành (chiếm 55,5%) và được các chuyên gia đánh giá là bước tiến dài trong cải cách môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, cử tri đề nghị Quốc hội cần tiếp tục nâng cao chất lượng tổng hợp KN cử tri đảm bảo rõ ràng, không trùng lặp; quan tâm giám sát việc ban hành văn bản, đặc biệt là các văn bản về quy định việc thực hiện các thủ tục hành chính, văn bản liên quan đến quyền con người ban hành trước Hiến pháp năm 2013.

Trong hoạt động giám sát tích cực sử dụng kết quả Kiểm toán nhà nước để nâng cao hiệu quả của hoạt động này; Khi xây dựng kế hoạch kiểm toán, đề nghị Tổng kiểm toán quan tâm tới chương trình giám sát của Quốc hội, ý kiến cử tri và các chất vấn của đại biểu; Các đại biểu Quốc hội quan tâm có nhận xét đánh giá về kết quả giải quyết KN cử tri đối với từng Bộ trưởng, Trưởng ngành, làm căn cứ phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Đối với Chính phủ, chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế, trong đó đặc biệt quan tâm, chỉ đạo:

Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch trong hoạt động của các bộ, ngành và chính quyền địa phương, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đảm bảo điều kiện người dân được thực hiện quyền giám sát theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Các bộ, ngành, địa phương chú trọng bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức hàng ngày tiếp xúc với dân để giải quyết các thủ tục hành chính; Tìm giải pháp khả thi phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nạn “lót tay”, “phong bì” để giải quyết công việc.

“Thủ tướng thực hiện đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu bộ, ngành, chính quyền địa phương trong giải quyết, trả lời KN cử tri theo Quyết định số 33, công khai cho cử tri và ĐBQH được biết để làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm.” – báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị.

Đức Nghiêm

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/cu-tri-de-nghi-xu-ly-nghiem-tieu-cuc-lot-tay-de-giai-quyet-cong-viec-69976.html