Cử tri quan tâm vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn

Từ nhiều năm nay, vấn đề ô nhiễm môi trường được đại đa số cử tri xã Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) quan tâm bởi vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân trên địa bàn.

Ao làng được ví như lá phổi xanh, đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày nhưng thay vì giữ gìn, bảo vệ không ít người dân đang xâm hại ao làng bằng cách xả thải trực tiếp ra môi trường. Cụ thể, hiện tại xã Đông Sơn có tổng diện tích ao làng ở 6/9 thôn, với tổng diện tích 30ha, do nhiều năm không được nạo vét, cải tạo, mặt khác nước thải chăn nuôi và sinh hoạt trong khu dân cư chảy xuống do chưa có hệ thống rãnh thoát nước xuống ao do vậy nước ao có nguy cơ ô nhiễm.

Từ sự ô nhiễm đó, lâu nay người dân trên địa bàn xã không dám ngồi hóng mát bên ao làng. Do đó với người dân nơi đây việc “giải cứu” hồi sinh ao hồ bị ô nhiễm đang là vấn đề cấp bách.

Bà Bùi Thị Nguyệt, cử tri thôn Quyết Thượng đề nghị HĐND TP tăng cường ngân sách cho cho hoạt động điều tra, khảo sát về môi trường, đầu tư hỗ trợ công nghệ xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt trong khu dân cư (Ảnh:P.N)

Mặt khác, hiện nay việc gia tăng sản lượng thực phẩm từ chăn nuôi gia súc, gia cầm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp. Tuy nhiên việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm một cách tự phát tràn lan trong điều kiện người nông dân còn thiếu vốn để xây dựng, vận hành các công trình xử lý chất thải.

Do đó việc xử lý chất thải chưa đảm bảo quy định, làm tăng tình trạng ô nhiễm môi trường, gia tăng dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe sản xuất và sức khỏe cộng đồng,...

Trước những vấn đề cấp bách trên, các cử tri xã Đông Sơn mong muốn các ban ngành, chức năng quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, công nghệ xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt, nước thải chăn nuôi trong khu dân cư cho các điểm gom tập trung ở mỗi làng và hộ gia đình trước khi thải ra môi trường. Đồng thời đầu tư xây dựng, kè rãnh thoát nước, nạo vét để tái tạo cảnh quan, môi trường nông thôn cho người dân.

Mặt khác, người dân nơi đây cũng kiến nghị các ban ngành hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở theo các vùng đã được quy hoạch; nghiên cứu chuyển giao quy trình công nghệ tiên tiến về xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với từng quy mô chăn nuôi, chế biến chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ để phục vụ phát triển nông nghiệp sạch.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cu-tri-quan-tam-van-de-o-nhiem-moi-truong-nong-thon-83095.html