Cư xử thời dịch họa

Để bắt đầu, tôi xin phép kể một chút việc riêng trong gia đình như cách dẫn chuyện. Bố tôi chưa bao giờ trong quân ngũ, nhưng ông lại có một tấm huy chương chiến công chống Mỹ hạng 3 được cất kỹ trong hòm đồ cá nhân. Tôi đã từng thắc mắc về nó với ông 30 năm trước.

Dịch họa đi liền nhân họa

Đó là một "phần thưởng", đi cùng với sự kiện là cái chết của người đồng nghiệp của bố xảy ra năm 1972. Bố tôi và bác ấy khi ấy cùng công tác tại Xí nghiệp đóng tàu pha sông biển, rất thạo việc tàu bè, sông nước. Họ là những tình nguyện viên tăng cường cho công tác rà phá thủy lôi do quân đội Mỹ thả xuống cửa biển miền Bắc.

Hôm đó bố tôi mệt, người đồng nghiệp bắt ông nghỉ ngơi mà giành việc đi làm thay. Và trong buổi tối nhập nhoạng cùng ngày, con tàu rà phá bị trúng thủy lôi, nổ tung ngay phần mũi tàu cũng là nơi bác ấy đứng hoa tiêu...

Tôi có mặt trên đời hôm nay trước hết bắt nguồn bởi sự hi sinh và tốt bụng của một con người nằm trong vùng của ký ức. Bố tôi ân hận rất nhiều về cái chết đó, đó cũng là lý do ông cất kỹ tấm bằng tri ân trong thùng gỗ. Đến khi bố mất, tôi mới lấy ra đóng vào khung kính, để bên cạnh ảnh thờ.

Và chúng ta đang an yên ngồi nhà, đọc mạng thì còn lại hàng vạn con người đang ngày đêm chung tay trực tiếp làm công việc chống dịch, công tác nhân đạo. Bác sĩ, bộ đội, lái xe trung chuyển, cảnh sát, lực lượng hậu cần, tiếp viên hàng không... đều có nguy cơ cao sẽ nhiễm bệnh, thứ mà con người đang vô cùng sợ hãi.

Loài người cơ bản luôn lạc quan về thời gian, chúng ta luôn cho rằng mình còn đủ thời gian để hành động vì người khác và lần lữa để dành điều đó.

Không phải lúc nào người ta cũng giải thích được tại sao trong xã hội, có những con người lại đột ngột phải làm điều cần làm, không phải vì đồng lương. Họ có lẽ ngay từ đầu đã biết điều mình phải làm, người mình phải giúp trước những nguy cơ có khi phải chết đi chăng nữa.

Báo chí tôn vinh những người tham gia đẩy lùi dịch, nhóm tiếp viên hàng không đồng thời cũng nhận không ít những lời dè bỉu, miệt thị hoặc lời lẽ không đúng mực. Họ góp phần làm ấm áp cho nhiều gia đình bằng việc tạo ra những cơ hội đoàn tụ, người Việt xa xứ trở về nơi an toàn hơn bên người thân. Nếu có chuyện không lành, như đã xảy ra, những cô gái xinh đẹp ấy cũng chỉ là những bệnh nhân mang số, vô danh như người bạn của cha tôi. Đừng kỳ thị hay buông lời nặng nề với họ, như vậy thật không hề công bằng.

Trong cuốn tiểu thuyết Người đàn ông mang tên Ove, có một đoạn nói về nỗi sợ hãi mà tôi rất thích. Xin phép được trích:

“Ai chả sợ chết, nhưng cái sợ ấy tạo ra những kỳ thị không đáng có trong cơn hoạn nạn dịch bệnh. Đẩy con người xa con người, giành giật hàng hóa, giễu cợt nhau trên mạng.

Cái chết là một thứ lạ lùng. Người ta sống cả đời như thể nó không tồn tại, thế nhưng nó là một trong những lý do quan trọng nhất để sống. Một số người trong chúng ta nhận thức rõ về cái chết đến nỗi sống mạnh mẽ hơn, bướng bỉnh hơn, điên cuồng hơn. Một số cần sự hiện diện thường xuyên của nó để cảm thấy mình đang sống.

Số khác bị ám ảnh bởi cái chết đến nỗi họ ngồi đợi nó rất lâu trước khi nó tới. Chúng ta sợ chết, nhưng đa phần chúng ta sợ nhất là khi nó đem một ai đó đi mất chứ không phải chính chúng ta. Bởi lẽ nỗi sợ hãi lớn lao nhất khi đối mặt với cái chết là việc nó sượt qua mình.

Thay đổi góc nhìn có thể làm thay đổi cách ứng xử rất nhiều”.

Cùng nhau vượt khó lúc này, yêu thương đồng cảm, thay vì kỳ thị hoặc chửi bới.

PV

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/cu-xu-thoi-dich-hoa-589390/