Cửa hàng tiện lợi ở phía bên kia ngọn đồi

Xung quanh tòa nhà tôi ở có bốn, năm cửa hàng tiện lợi, bán đủ thứ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày kể cả thực phẩm tươi sống, rau xanh. Cái đầu tiên mở cách đây chừng hai năm, ở tầng trệt tòa nhà đối diện. Vì đầu tiên và duy nhất của cả khu, nó bán được nhiều, doanh số tới cả tỉ đồng/tháng.

Các kênh phân phối truyền thống vẫn đang cạnh tranh quyết liệt với sự phát triển của các kênh phân phối hiện đại, trong đó có cửa hàng tiện lợi. Ảnh: CORMAC O’NEILL

Đến khi những cửa hàng khác mọc lên ở những tòa nhà xa hơn, cứ tưởng khách hàng của cái đầu tiên bị san sẻ, hóa ra không phải. Hỏi chuyện cô gái phụ trách cửa hàng đầu tiên, cô bảo “doanh số của em có tháng bây giờ gần hai tỉ đồng”, khiến tôi buột miệng “hả?”. Còn cô chỉ cười.

Tôi bỏ ra một ngày lẩn thẩn dạo quanh và quan sát bốn, năm cửa hàng. Người ta vẫn vào cái đầu tiên mua đồ có lẽ vì nó gần. Mấy bà đứng tuổi, chắc có thói quen đi chợ sớm, lựa từng gói giá đỗ, miếng thịt ba rọi, bó rau ngót... ngắm nghía, cẩn thận trước khi mang ra chỗ tính tiền. Một bà nói với bà kia: “Rau với thịt heo ở những cửa hàng mới mở nhiều hơn, tha hồ chọn”. Bà kia đáp: “Tôi mua đây quen rồi, cần đổi cũng dễ”. Hóa ra không phải người ta không biết thực trạng hàng hóa ở các cửa hàng khác thế nào. Người ta đã đến rồi. Người ta biết cả. Nhưng người ta vẫn mua ở cửa hàng đầu tiên vì quen.

Thói quen tiêu dùng đang thay đổi nhanh không chỉ ở ăn gì, uống gì, mặc gì, mà cả chơi gì, ở đâu... nhưng thói quen mua sắm ở một vài nơi nhất định dường như không quay nhanh như thế. Người ta thậm chí sẵn sàng mua món đồ mắc hơn 1-3% ở địa điểm gần nhà thay vì đi xa đến siêu thị hay ra chợ. Thay vì tiết kiệm tiền, họ tiết kiệm được thời gian. Thời gian mới là thứ hàng hóa xa xỉ nhất trên đời!

Tôi đem chuyện quan sát tỉ mẩn trên trao đổi với một nhà quản lý quỹ đầu tư. Quỹ của ông đang sở hữu một tỷ trọng không nhỏ cổ phiếu của Thế giới Di động (MWG), Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) và Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Ông giải thích lĩnh vực bán lẻ ở Việt Nam rất có triển vọng, các hãng bán lẻ nước ngoài kỳ vọng ở thị trường 90 triệu dân chưa được khai thác hết. Ông bật mí sẽ đến lúc MWG, FRT, PNJ được chuyển nhượng cho nhà đầu tư ngoại và việc M&A tầm cỡ sẽ mang lại khoản lợi nhuận lớn.

Cả ba doanh nghiệp nói trên đều đang ra sức mở rộng mạng lưới, các điểm bán hàng mới mọc lên với tốc lực cao, trải rộng, nhất là ở TPHCM. Nhưng phía sau mỗi doanh nghiệp, câu chuyện lợi nhuận và mối quan tâm của các hãng bán lẻ ngoại quốc lại không toàn màu hồng như thế. PNJ là doanh nghiệp chế tác và bán buôn, bán lẻ nữ trang, liên quan đến vàng, đá quý. Chưa có đối tác ngoại nào được phép tham gia vào kênh chế tác, phân phối, bán lẻ đồ trang sức vàng, bạc. Kinh doanh vàng vẫn là lĩnh vực do Ngân hàng Nhà nước quản lý. Hơn nữa nữ trang không phải là đồ dùng thiết yếu hàng ngày. Mỗi khi mua sắm nữ trang, thông thường người ta không ngại đường xa, di chuyển nhiều, đến hết cửa hàng này, tiệm nọ để tìm được thứ vừa ý. Cho nên mở nhiều cửa hàng nữ trang để mang nữ trang đến mọi người, mọi nhà e rằng không phải ý tưởng hợp thời.

MWG sau thành công với chuỗi cửa hàng bán điện thoại di động, máy tính, hàng điện tử, giờ chuyển sang mở chuỗi bách hóa xanh - một dạng cửa hàng tiện lợi và “tấn công” cả chuỗi nhà thuốc. Thời của cửa hàng bán điện thoại di động khác với thời của cửa hàng tiện lợi. Giờ đây gần như không có con phố nào của Sài Gòn mà không có ít nhất một cái cửa hàng tiện lợi. Chúng khiến mọi người liên tưởng đến trào lưu mở phòng giao dịch, chi nhánh của các ngân hàng thương mại trước đây. Đến nay, đứng ở một con đường tại Hà Nội hay TPHCM, người ta có thể đếm được vài phòng giao dịch của các ngân hàng khác nhau. Ngân hàng Nhà nước sớm mường tượng ra cảnh này 5-7 năm trước và đã siết lại điều kiện mở chi nhánh, phòng giao dịch. Hiện tại công ty FinTech, giao dịch trực tuyến bùng nổ đang làm giảm dần giá trị của những điểm giao dịch trực tiếp của ngân hàng. Mạng lưới rộng vẫn còn là một điểm nhấn của dịch vụ bán lẻ ngân hàng, chỉ là độ sâu và rộng của điểm nhấn đã không còn thật sự giá trị như trước.

Cửa hàng tiện lợi đang phủ khắp các đô thị Việt Nam trong khi ở nước ngoài, ngay cả các quốc gia gần Việt Nam, một số thương hiệu cửa hàng tiện lợi đang dần biến mất. Giới trẻ Việt Nam tiến bộ chóng mặt trong việc bắt nhịp với sự thay đổi của hành vi mua sắm và tiêu dùng, đặc biệt mua hàng qua mạng.

Hải Lý

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282205/cua-hang-tien-loi-o-phia-ben-kia-ngon-doi.html