Của hồi môn

Thế là Đào đã có cái quần sa tanh đen ao ước trong đời cho riêng mình vào trước ngày cưới. Cũng ở hiệu may ông Phát, nhưng lần này không phải đi thuê mà là đi may. Hai tiếng đi may vang lên đầy kiêu hãnh, chảnh chọe...

Vải sa tanh nói không ngoa mềm mượt như mái tóc thôn nữ mười sáu trăng tròn, đen nhánh như nét cười của bà lão tám mươi ngọn đèn trước gió. Chạm tay vào mái tóc, vào nét cười ấy thấy mái tóc trôi trên tay, thấy nét cười in trong mắt một lâng lâng, một rưng rưng mơ hồ.

Không lâng lâng sao được khi sa tanh mềm mượt trên tay, không rưng rưng sao được khi sa tanh đen nhánh trong mắt. Và bầu má Đào chợt thắm hoa đào, bờ môi Đào bỗng hường hàm tiếu khi nghĩ đến cái quần sa tanh nhưng nhức, nhúng nhiếng trong ngày rước dâu. Chao ôi là rạo rực, là mong ngóng, là bõ công sinh thành, dưỡng dục của thầy mẹ.

Đào xúc động sắp khóc. Đào muốn lạy thầy, lạy mẹ bảy vái, chín vái. Áp tấm vải sa tanh lên má, lên ngực, má Đào nóng bừng, ngực Đào tim đập. Vải sa tanh mát như nước ao trong tiết thu thơ Yên Đổ mà chẳng làm má Đào bớt nực. Vải sa tanh vuốt ve như gió nồm mà chẳng làm tim Đào bớt rộn. Máu đỏ rần rật chảy trong huyết quản, trong người Đào cũng muốn hóa thành vải sa tanh đen nhánh. Ngày mai vu quy, Đào về làm dâu nhà cậu giáo Tiến.

Trong giấc mơ đêm qua, Đào thấy đoàn rước dâu đi trên cầu Đò Quan bắc qua sông Đào dềnh dàng phù sa châu thổ. Đào mặc áo phin nõn trắng muốt, đội khăn voan trắng tinh, tay ôm bó hoa lay ơn cũng trắng nõn như mây nở, mặc quần sa tanh đen nhánh xập xòa chấm gót hồng bước thẹn thùng bên cạnh chú rể mặt búng ra sữa. Chú rể mặc bộ comple mượn của ông Nhang Biều rộng thùng thình, hơi sờn vai, nhưng vẫn còn oai chán.

*

Ông nội đặt tên cho Đào cùng với tên con sông chảy dưới chân cầu Đò Quan trầm mặc như một chứng nhân lịch sử, ngang qua nhà Đào tường vôi, mái ngói cổ kính ở ngoại thành Thành Nam, đổ vào sông Đáy hiền hòa như một điệu chầu văn tứ phủ trước khi trườn mình ra biển lớn. Mắt Đào biếc như cỏ trên bờ sông mùa xuân. Má Đào ửng như mặt trời tắm dưới lòng sông mùa hạ. Da Đào trắng như mây trong thơ Lý Bạch bay về từ tiền kiếp ngang triền sông mùa thu. Tóc Đào dài như mưa đổ xuống mặt sông mùa đông.

Ông nội Đào là thầy đồ bút nghiên, mực Tàu hay chữ nho nức tiếng trấn Sơn Nam Hạ một thời, lại là người đức cao vọng trọng. Các môn sinh từ đầu chỏm trái đào đến áo the khăn đóng ở khắp nơi nô nức tìm về chắp tay, cúi đầu xin thụ giáo.

Ông nội Đào ăn cơm tôm tép, dạy chữ thánh hiền. Nhiều học trò của ông lều chõng đỗ đạt, ô lọng mũ chuồn mang hiển vinh về cho xóm làng, dòng tộc. Đào mê văn chương và trời ban cho Đào chút tài thơ phú. Thuở nhỏ, ông nội vuốt tóc Đào bảo "Con bé này lại theo nghiệp chữ nghĩa của dòng họ Vũ ta văn chương, học hành, khoa bảng đây. Hay, hay lắm!".

Lớn lên mẹ biết, khẽ chép miệng thở dài như heo may thổi trên đồng vắng "Con gái thơ phú, chẳng xanh lá, cũng bạc vôi con ạ". Đào vẫn lén lút làm thơ, đọc thơ và bình thơ mỗi khi rảnh rỗi chuyện sách vở, nhà cửa. Thỉnh thoảng Đào có bài thơ in trên báo nhật trình của tỉnh, họ gửi nhuận bút qua nhà dây thép. Tiền ấy Đào tiết kiệm cất vào ống tre không dám tiêu pha gì, nâng niu như một báu vật. Đào biết gỡ làm sao khi nghiệp chữ của đạo nhà như sợi vải, sợi tơ vương vấn, giằng níu, cứ toan gỡ lại buộc vào như chơi.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Bà nội Đào ngày xưa là một cô hàng tấm, tức là người buôn vải từ mãi tận Nam Định phồn hoa xa xôi về chợ Hoành Nha, chợ Hoành Nhị, chợ Bể, chợ Bến giáp biển Quất Lâm ngồi bán. Bà nội là con gái nhà địa chủ Hào Khanh lá ngọc cành vàng, kiêu sa đài các. Vì trót phải lòng anh giáo nghèo là ông nội Đào mà bỏ cả giàu sang phú quý để suốt đời nâng khăn sửa túi, hầu hạ dạ thưa với nhà chồng.

Trong gánh hàng của bà nội, Đào nhớ vải sa tanh đen luôn là thứ hàng bán đắt nhất, chạy nhất cùng với vải lụa, the đắt tiền dành cho người giàu có, quyền quý như các bà vợ thầy Thừa, thầy Lục. Chứ đàn bà ở làng đều nghèo, họa hoằn mới mua thứ vải sồi, bâu rẻ tiền chứ không hơn. Rồi sau này, phải thời thóc cao gạo kém, bà nội vỡ nợ phải bỏ gánh hàng ở nhà lợn gà, vườn ruộng. Vải sa tanh đen với Đào giờ chỉ còn là một vùng đen nhánh bay phấp phới, chập chờn trong đêm tối.

Bà nội Đào kể rằng, có cô Tơ nhà ở thôn Chính, bằng tuổi với bà cùng đi buôn hàng tấm. Buôn có bạn, bán có phường là vậy. Một hôm lấy hàng muộn, bà và cô Tơ nghỉ trọ lại ở phố Hàng Nâu. Hàng Nâu là con phố nhỏ chuyên bán vải, và củ nâu nhuộm vải nên có tên như vậy.

Nghe nói, trước đây nhà của thi sĩ Tú Xương ở trên con phố này. Nhà trọ là một dãy tranh tre nứa lá tạm bợ, bên trong kê những tấm phản gỗ dài cho người thuê trọ chợp mắt qua đêm sau một ngày chạy chợ mệt mỏi.

Khách trọ thường là các bà, các cô hàng tấm, hàng chĩnh, hàng xáo, hàng xén. Nhà trọ không có nhà tắm. Muốn tắm phải mượn gáo, mượn chậu của chủ trọ ra nhà tắm công cộng ở ngay đầu phố. Cô Tơ đi tắm trước, còn bà nội ở nhà trọ trông mấy bao tải đựng vải, làm mất thì chỉ có nước tay bị, tay gậy đi ăn mày thôi, xong thì đổi người trông.

Tháng Củ Mật cuối Chạp thế này, kẻ gian người ngay trà trộn vào nhau khó mà phân biệt được. Cô Tơ nới dải yếm sồi, cởi cái quần sa tanh đang mặc nhét vào cửa ô thoáng nhà tắm. Cô Tơ bắt đầu dội từng gáo nước mát rượi lên tấm thân nõn nà trong lúc miệng khẽ hát một làn điệu chèo cổ. Bỗng cái quần sa tanh trên cửa ô thoáng như con rắn trườn bò từ từ, lẹ làng rồi mất hút ra phía ngoài. Thôi chết, có quân ăn cắp lấy mất cái quần sa tanh rồi.

Cô Tơ chẳng kịp nghĩ gì nhiều, cứ thế chạy ào ra trong tình trạng lõa thể như công chúa Tiên Dung. Công chúa Tiên Dung thì gặp chàng Chử Đồng Tử trên bến sông, còn cô Tơ thì gặp quân ăn cắp trong hoàn cảnh trớ trêu này. Cũng là đi tắm cả thôi. Trong lúc hốt hoảng cuống cuồng, cô Tơ vẫn kịp mang theo cái chậu đồng để che... tòa thiên nhiên.

Thằng mặt giặc lấm lét đang vo tròn cái quần sa tanh để nhét vào tay nải. Thấy cô Tơ nồng nỗng chạy ra, đôi mắt nó tối sầm lại như lỗ đáo rồi chợt sáng bừng lên như có lửa. Nó chỉ lên ngực cô Tơ đang nhô cao rồi bảo: “Hở rồi kìa”. Cô Tơ vội kéo cái chậu lên che ngực. Nó lại chỉ xuống chân cô Tơ đang cố khép rồi nói to: “Lại hở rồi kìa”.

Cô Tơ lại vội kéo cái chậu xuống che... Cái chậu đồng chết tiệt bé quá che được cái nọ thì lại hở cái kia. Thằng khốn nạn cứ chỉ lên, chỉ xuống một hồi cho bổ hai con mắt rồi cút thẳng về cuối phố. Nó biết thừa có các vàng, các bạc cô Tơ cũng chẳng dám đuổi theo mà giằng lại cái quần sa tanh. Cái quần sa tanh cô Tơ mới may ở hiệu may Cẩm Sa nổi tiếng nhất nhì chợ Rồng. Cái quần sa tanh mà cô Tơ nhịn đói, nhịn khát dành dụm sau bao ngày buôn thúng bán bưng. Cô Tơ cứ thế mà ngồi khóc tu tu, khóc tấm tức, khóc tiếc nuối, khóc tủi nhục trong nhà tắm công cộng. Cô Tơ phải nhờ người tắm cùng nhắn để bà nội Đào lấy cái quần lụa khác đem ra thay.

*

Bà nội Đào cũng kể rằng, có cô Ngọ nhà ở phố Hàng Cót, là một phố cổ ở phía Đông trên bờ sông Vị. Trước đây dân thôn Thi Thượng, làng Vị Hoàng lập ra dãy phố này ở ven sông cho người buôn bè như luồng, nứa, tre, đan cót, bồ, sọt, thúng từ mạn ngược xuống đây giao thương. Cô Ngọ có chồng là chú Điền, người chuyên mua lại các bè của thương lái rồi bán lẻ cho các chủ hàng cót trên phố. Chú Điền cũng chăm chỉ, chịu khó dậy sớm để đón bè.

Phải cái chú có tật hay rượu chè, lại mê tổ tôm xóc đĩa với đám người khách ở Phố Khách Hoa kiều có khi đến thâu đêm, đến sáng lại chạy ra sông đón bè, bỏ vợ chỏng chơ nằm ở nhà một mình là thường. Chú Điền mắt xếch ngược, mặt vuông cành cạnh chữ điền nên bố mẹ chú đặt tên chú là Điền chăng, chú chẳng cần cười thì đã để lộ hàm răng vàng như cải mả.

Vì vậy, người ta gọi chú là chú Điền vẩu. Nhưng chú Điền lấy được cô Ngọ là phúc tổ bảy mươi đời nhà chú. Cô Ngọ mặt tròn trăng rằm, da trắng bánh trôi, hai bầu ngực to như hai cái ấm tích, đôi mắt lá răm liếc ngang liếc dọc, mỗi tội cô Ngọ lùn tịt, chắc cao chưa nổi mét rưỡi và béo ị như lợn tạ vỗ cám chờ Tết, cứ núng na núng nính trông thích mắt.

Không thế, chắc gì cô Ngọ đã lấy chú Điền. Người ta bảo cô Ngọ là loài giống "bồ cu chân nhện", mắn phải biết. Vậy mà, cô chú mong mãi vẫn chưa có con, thành ra cưới sắp tròn hai năm mà vợ chồng hãy còn son rỗi. Mỗi khi uống rượu say về, chú Điền thường nằm võng đay mắc ở ngoài cửa hóng gió hát nghêu ngao:

Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống chè mạn hảo xem nôm Thúy Kiều

Trong lúc cô Ngọ đang đan cót, ném cái lườm sắc như dao cau về phía chú Điền chỏng lỏn:

Cờ bạc là bác thằng bần

Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm

Chú Điền cười hềnh hệch với những cái răng màu bã chè thiu rồi lầm bầm trong cổ họng "Mất dạy không nào".

Một sớm tinh mơ, mặt trời còn chưa dậy trên nóc nhà thờ Khoái Đồng và sương chưa tan trên mặt hồ Vị Xuyên, cô Ngọ trở dậy quẩy thùng ra sông Vị gánh nước. Cô mặc mỗi cái yếm sồi hở trần vai với cái quần sa tanh đen. Hai bầu ngực nẩy lên tách tách theo bước chân thoăn thoắt và đòn gánh kĩu kịt. Cô đang bực tức ậm ạch trong người vì chú Điền đi suốt đêm qua chưa về.

Lúc cô Ngọ xuống bến kín nước xong bước lên bậc đá thì một người không biết nấp ở đâu bất ngờ lao ra ôm chầm lấy cô, khiến hai thùng nước tuột khỏi vai đổ ào ra cỏ ướt. Cô Ngọ nhận ra đó là chú Phách, một người buôn bè vẫn hay bán hàng cho nhà cô.

Sáng nay bè về sớm. Cô Ngọ thấy người hầm hập như sốt, máu dồn phừng phừng lên mặt, chảy hừng hực qua thân thể rồi đổ rào rạt xuống hai chân cô. Sẵn cơn hờn giận chồng như lửa trong người, cô Ngọ nằm ngửa tơ hơ trên cỏ, kệ chú Phách đè nghiến cô ra muốn làm gì thì làm. Chú Phách đi bè xa vợ lâu ngày, hai cánh tay cơ bắp của chú nhanh chóng lôi tuột cả cái quần sa tanh và quần lót của cô Ngọ rồi đổ ập lên người cô. Cái quần sa tanh và quần lót vẫn lộn trái và lồng vào nhau vứt chỏng chơ trên bãi cỏ mặc gió lùa căng phồng.

Trong cơn địa đàng, cô Ngọ vẫn ngửi thấy mùi tre nứa ngâm thum thủm từ tấm áo chú Phách mặc trên người. Sau khi vụng trộm xong, trời hãy còn tối, cô Ngọ vội vàng mặc thốc luôn cả quần lót lẫn quần sa tanh trong lúc chú Phách kín đầy hai thùng nước rồi đặt đòn gánh lên vai đẩy khẽ vào lưng cô "Ngọ về nhé".

Cô Ngọ vừa gánh nước đi trên đường vừa khóc rấm rứt hối lỗi như mưa vì đã phản bội chồng. Bao nhiêu nỗi bực tức khi nãy giờ hóa thành niềm ân hận. Cô Ngọ mong bước chân càng lâu đến nhà càng tốt. Nhưng càng mong lại càng chóng. Ngôi nhà gạch bé tẹo sơn màu mỡ gà loang lổ, có cột điện con sứ dây dợ chằng chịt và cây bàng bốn mùa hết lá xanh rồi lá đỏ chẳng lẫn vào đâu được đang hiện ra hiên ngang, thách thức trước mắt cô Ngọ.

Ôi trời đất ơi, chú Điền không có chìa khóa cửa đã ngồi lù lù trên bậc tam cấp từ bao giờ. Cô Ngọ hạ gánh, dịu giọng cố làm ra vẻ tự nhiên nhưng vẫn không giấu được lo lắng trên khuôn mặt, trống ngực đập thùm thụp trong yếm sồi:

- Nhà chờ em lâu chưa?

Chú Điền đang ngủ gục trên tay vội ngẩng lên, mặt chú lộ rõ vẻ ngỡ ngàng, từng tiếng một đanh lại rơi ra khỏi miệng:

- Nhà vừa đi đâu về?

- Em đi gánh nước mà, nhà không thấy ư? - Cô Ngọ len lén nhìn chú Điền, mặt râm ran như bị kiến đốt.

- Đi gánh nước mà nhà mặc quần lót bên ngoài quần sa tanh à? - Chú Điền gào lên như hươu bị cưa sừng.

Cô Ngọ nhìn xuống cái quần đang mặc, trong lúc vội vã cô đã mặc thốc cả quần lót và quần sa tanh cùng một lúc. Nhưng oái oăm thay do trời tối mờ đất, cô Ngọ không kịp lộn quần nên thành ra cô mặc quần lót bên ngoài quần sa tanh. Cô nhìn xuống quần rồi nhìn lên mặt chú Điền, chỉ trong một tích tắc thôi, đôi mắt chú Điền cháy lên như hai hòn than đượm trong bễ lò rèn. Chú Điền vớ luôn cái đòn gánh cô Ngọ vừa quăng xuống vỉa hè đuổi theo sầm sập như bão đổ bộ. Cô Ngọ rẽ tóc chạy thừa sống thiếu chết.

Năm sau, cô Ngọ có thai. Được cái thằng bé đẻ ra giống hệt chú Điền, cũng mắt xếch, mặt vuông, vì nó chưa mọc răng nên chưa biết có bị vẩu như chú Điền không. Mà không vẩu thì hơi khó. Từ đấy, người ta thấy chú Điền chí thú bán bè, không rượu chè, tổ tôm xóc đĩa thâu đêm suốt sáng và cô Ngọ ở nhà trông con, đan cót không bao giờ đi gánh nước sông Vị mỗi sớm mai. Chú Điền thuê người gánh nước ăn vào tận nhà đổ xuống bể. Cứ hai chinh một gánh. Mười gánh thì đầy phè cái bể xây đắp nổi hai chữ "thanh thủy". Đầy rồi thì chú Điền đánh phèn cho nước sông Vị từ đục thành trong. Ca dao có câu:

Đừng chê em xấu em đen

Em như nước đục đánh phèn lại trong

Nước đục nào mà đánh phèn chẳng trong, chẳng riêng gì nước sông Vị, người ta có muốn đánh phèn hay không thôi, bà nội Đào bảo vậy khi đưa hai tay lên quết trầu đỏ lòm rồi nở một nét cười đen nhánh như vải sa tanh.

Cô Ngọ là khách quen mua vải sa tanh của bà nội Đào. Cơ mà cô lại hay mua chịu, nợ dai, đòi năm lần, bảy lượt mới chịu trả tiền. Cái quần sa tanh cô Ngọ mặc lúc sớm mai gánh nước vụng trộm ấy được may bằng vải sa tanh mua của bà nội Đào, chắc thế.

*

Hồi Đào học lớp 10 trường tỉnh thì cái Nhiễu ngồi cùng bàn với Đào cứ hay nôn khan. Đào nghĩ chắc nó bị phải gió. Có lần, giờ ra chơi, Đào nhìn thấy cái Nhiễu ra cây khế sau trường nhặt khế chín rụng. Nó chẳng kịp lau chùi gì, đưa quả khế lên miệng nhai ngấu nghiến. Nước khế chín tứa ròng hai khóe mép rớt xuống ngực áo mỏng. Mẹ cái Nhiễu sinh nghi khi thấy gân xanh trên cổ nó nổi rõ giần giật. Tức thì mẹ cái Nhiễu vạch áo nó lên rồi than trời: "Thâm đông thì mưa, thâm dưa thì khú, thâm vú thì chửa rồi, con ơi là con ơi. Mày ăn nằm với thằng nào hả Nhiễu. Nói ra để tao còn bắt vạ nhà người ta".

Cái Nhiễu khai cậu Trọng là con trai chủ tiệm kim hoàn Vương Gia to nhất ở ngõ Văn Nhân thường rủ nó vào ăn kẹo mút mỗi khi cậu mợ cậu Trọng lấy hàng vắng nhà. Vào ăn kẹo mút có vài lần thì nó nôn ọe như say sóng trong lúc cái bụng mỗi ngày một lùm lên như bánh bao hấp cho nhiều bột nở.

Biết chuyện, cậu mợ cậu Trọng nhận ngay vì "cậu Trọng cũng mải chơi, có vợ để nó quản, mà chúng tôi cũng sớm có cháu bế". Cái Nhiễu bỏ học ở nhà lấy chồng. Đám cưới to nhất phố. Hôm cưới nó, Đào phải xin tem phiếu của bố mua một cái phích nước Rạng Đông ở cửa hàng mậu dịch để làm quà mừng đám cưới.

Mất cả buổi sáng mới mua được, vì ở cửa hàng mậu dịch thì "cái đinh phải đăng kí, quả bí phải xếp hàng". Tiền dành dụm được Đào ra hiệu may ông Phát thuê cái quần sa tanh đen để mặc cùng cái áo phin hoa cũ mà chị Lành mặc cộc cho Đào. Tiền thuê quần một ngày là hai hào bạc chẵn. Áo phin hoa mà mặc cùng quần sa tanh đen, đi đôi xuồng cao gót thì diện nhất rồi. Đào còn đánh lên mặt tí phấn hiệu Cô Ba, bôi lên môi chút son trang điểm cô dâu của cái Nhiễu. Đào mím mấy cái cho "chất đỏ" thấm đều lên môi rồi mỉm cười thấy mình lạ lẫm trong gương với đôi môi đỏ rực như hoa râm bụt. Làm phù dâu cũng phải tươm tất, sang trọng một tí.

*

Thế là Đào đã có cái quần sa tanh đen ao ước trong đời cho riêng mình vào trước ngày cưới. Cũng ở hiệu may ông Phát, nhưng lần này không phải đi thuê mà là đi may. Hai tiếng đi may vang lên đầy kiêu hãnh, chảnh chọe. Tiền may quần sa tanh do cậu giáo Tiến, chồng Đào rút hầu bao ra trả. Những đồng tiền mới cứng đếm xoèn xoẹt trên tay cậu giáo mảnh dẻ cũng làm cho Đào xót ruột một chút. Nhưng niềm háo hức của cái quần sa tanh mới nhanh chóng lấn át tâm trí Đào.

Đào thấy vui như trong lòng mở hội giêng hai. Đào quen cậu giáo Tiến trong một lần đi xem vải sa tanh ở chợ Năng Tĩnh. Đào xem vải thôi chứ làm gì đã có tiền mà mua, chắc đến Tết thì may ra mới đủ. Đào mê mải xem vải chẳng để ý đến xung quanh, lúc ngẩng lên thấy cậu giáo nhìn Đào chằm chằm, không chớp mắt, miệng nuốt nước bọt khiến yết hầu trên cổ cậu giáo Tiến lên rồi tụt xuống. Cậu giáo Tiến thoáng chút ngỡ ngàng bắt gặp đôi mắt của Đào thì cúi xuống hơi ngượng, nói lắp bắp:

- Cô Đào chọn vải đi, rồi tôi... tôi trả tiền.

- Cậu giáo nói thật hay nói chơi đấy - Đào thấy cậu giáo ngậm hột thị được thể trêu ghẹo rồi che miệng cười rũ rượi.

- Tôi nói thật đấy, cô Đào ạ - Cậu giáo Tiến nói chắc nịch như cọc trâu đóng trên nền đất cứng.

- Cậu giáo lấy đâu ra nhiều tiền mà mua cho tôi thế - Đào tinh quái vẫn chưa chịu buông tha.

- Tôi đi dạy học mà. Nếu Đào không chê tôi...- Cậu giáo Tiến bỏ lửng.

Đào sợ ai nghe thấy vội đứng lên bỏ đi, mặc kệ cậu giáo Tiến ngồi tẽn tò ra ở đấy, trong lúc bà hàng tấm hối thúc cậu giáo kèm theo nụ cười viên mãn:

- Kìa cậu, cậu đuổi theo cô ấy đi chứ! Sao lại đứng trơ ra ở đấy.

- Vâng, vâng - Cậu giáo Tiến như Thuần Vu chợt tỉnh giấc hòe.

Đào nghe thấy tiếng guốc mộc lộc cộc của cậu giáo Tiến đuổi theo Đào, nhưng Đào đã luồn lách qua các dãy hàng, rảo nhanh ra tận cổng chợ. Má Đào đã lừ lừ chín đỏ như người say rượu sáng. Cậu giáo Tiến xinh trai, hào hoa quá. Mắt sáng sao băng, miệng tươi hoa đào, và nốt ruồi khóe mép có phải là giọt sương mai trên cánh hoa Tết. Áo lương chùng, cậu giáo mặc đã cũ và bắt đầu bạc màu. Chắc cậu giáo cũng thanh bần. Khéo Đào phải lòng cậu giáo Tiến rồi. Đêm ấy, Đào mơ thấy cậu giáo Tiến nắm tay Đào đi chợ Năng Tĩnh chọn vải sa tanh cho ngày cưới. Đào ngủ cùng với mẹ, không biết trong chiêm bao Đào có gọi tên cậu giáo không. Mẹ nghe thấy thì xấu hổ chết. Con gái con đứa gì mà lại như thế.

Tháng ba, hoa gạo đốt đuốc, trống hội Phủ Giầy vang rền như sấm dậy. Nhà cậu giáo Tiến nhờ bà mối Nhương đến hỏi cưới Đào. Mẹ hỏi ý thầy xem thế nào. Thầy nhẩn nha: "Bà thế nào thì tôi thế ấy. Con gái có thì, mình giữ làm gì" rồi thủng thẳng cắp ô sang nhà cụ đồ Tụng đánh cờ tướng. Như vậy là thầy đã đồng ý. Cậu giáo Tiến và Đào nên duyên chồng vợ bằng một đám cưới pháo nổ rợp đường hoa gạo đỏ mà ai cũng hết lời trầm trồ thán phục "Đúng là trai tài, gái sắc".

Vải thừa từ cái quần sa tanh mới may. Đào khâu được cái túi rút đựng tiền và lõi khăn vấn đầu cho bà nội. Bà nội thích lắm, cả mắt, cả lợi và những nếp nhăn cùng cười. Vải thừa mà nhất là vải sa tanh thời người khôn của khó chẳng ai vứt đi bao giờ, phí của giời. Làm lõi gối thì êm ái đẩy đưa giấc ngủ, mà làm miếng vá thì bền đẹp bất chấp nắng mưa.

Nghe đâu để sắm tấm vải sa tanh may quần cho Đào, cậu giáo Tiến phải bán đi năm thùng thóc Tám xoan từ vụ trước chứ ít gì.

*

Đêm động phòng hoa chúc. Đào rút cây trâm cài tóc để ở dưới gối đôi thêu hình hai con chim bồ câu ngậm mỏ nhau chung một cành hoa bay vào miền ân ái. Mẹ bí mật đưa cho Đào cây trâm mà bà ngoại từng đưa cho mẹ và thì thầm dặn dò vào tai Đào. Các cụ đã dạy: “Thứ nhất phạm phòng, thứ nhì lòng lợn" thì cấm có sai, con nhớ nhé".

Đào khẽ "vâng" mà trong lòng thẹn thò khôn tả. Đào mải nghĩ đến lời dặn của mẹ thì thấy đèn dầu bị thổi tắt phụt tối om. Cái quần sa tanh Đào đang mặc bỗng trơn như đổ mỡ tuột qua chân trôi xuống cuối giường. Đào thấy mùi mồ hôi nồng nã và hơi thở gấp gáp của chồng đang dâng lên tràn ngập khắp căn buồng. Nhưng Đào không nghĩ được lâu, Đào suýt kêu lên nhưng kịp lấy tay tự bịt miệng ngăn lại. Ai mà nghe thấy thì ngày mai dậy sớm quét sân, nấu nước có mà chui xuống lỗ nẻ cho đỡ xấu hổ. Cậu giáo Tiến thư sinh, nho nhã gì mà...

Đào ngủ say mê mệt bên cạnh chồng đang ngáy đều đều, nhè nhẹ cho đến lúc gà gáy sang canh thì mặc quần sa tanh, vấn tóc khẽ khàng trở dậy. Ngó qua cửa sổ, Đào thấy trăng non chênh chếch góc trời, hương hoa hồng bạch theo sương thoảng vào ngòn ngọt. Đào lấy chăn con công đắp lên người chồng rồi cười tủm tỉm: "Như này có mà cảm lạnh thì toi" trước khi bước ra ngoài. Trời đã bắt đầu tang tảng sáng.

*

Trước lễ cưới cô Mận, họ hàng, quan khách gần xa của nhà ông bà giáo đã tề tựu đông đủ. Bà Đào gọi cô Mận con gái lớn vào buồng, nhìn con gái âu yếm rồi sẽ sàng nói:

- Đây là quà riêng của mẹ dành cho con.

Rồi khi cô Mận đã ngồi xuống mép giường rẻ quạt, bà Đào mới ghé tai cô Mận thì thầm như sẻ hương rót mật. Chẳng biết bà giáo nói gì nhưng đôi mắt hạt nhãn của cô Mận bỗng long lanh, cùng lúc cặp môi hồng của cô nở ra đóa cười cánh thắm để lộ hàm răng trắng bóng như hạt ngô non đồng bãi phù sa. Cô Mận gật đầu tỏ ý vâng lời, mái tóc mượt mà chợt đổ tràn trên bờ vai thon nhỏ. Cô Mận thật giống bà giáo hồi trẻ, một vẻ đẹp trâm anh thế phiệt.

Và khi bà giáo bước ra khỏi buồng, cô Mận mở chiếc hộp gỗ xinh xắn sơn son thiếp vàng vẽ hình rồng phượng vờn mây. Bên trong chiếc hộp gỗ là cái quần sa tanh Nam Định đen nhánh, trên đấy đặt ngay ngắn một cây trâm bạc sáng lấp lánh. Cô thầm cảm tạ mẹ rồi đóng nắp hộp, khóa chốt lại cẩn thận. Ngoài sân rạp cưới hoa kết, đèn treo đung đưa trong gió lộng sông Đào...

Truyện ngắn của Hoàng Anh Tuấn

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/cua-hoi-mon-546120/