Cửa nào cho Gojek Việt Nam trong thị trường gọi xe qua ứng dụng?

Tập trung vào mảng đồ ăn, hoàn thiện thêm dịch vụ xe máy chở người có thể là những hướng đi nhiều tiềm năng cho GoJek Việt Nam trong cuộc chiến gọi xe qua ứng dụng.

Việt Nam là thị trường nước ngoài trọng điểm

Trong 5 quốc gia Đông Nam Á Gojek đang kinh doanh, Việt Nam là nước đông dân thứ hai, đồng thời có nhiều nét tương đồng với Indonesia như dân số đông, lực lượng tài xế xe máy đông đảo, nhu cầu di chuyển và ăn uống cao. Do đó, đây sẽ là thị trường trọng điểm của Gojek ở nước ngoài.

Gojek là công ty khởi nghiệp kỳ lân đầu tiên của Indonesia, mới nhận được đầu tư của Google, Facebook, Paypal, Tencent và trước đó là một số công ty công nghệ lớn khác, để nâng giá trị lên hơn 10 tỷ USD. Công ty bắt đầu bằng dịch vụ gọi xe, sau đó mở rộng các hoạt động khác nhằm trở thành một siêu ứng dụng cho mọi người, mọi nhà.

Năm 2018, Gojek chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để “bành trướng” ra khu vực, lấy tên thương hiệu GoViet, sau đó tiến sang Singapore và Thái Lan. GoViet do một đội ngũ người Việt lãnh đạo, tự phát triển app riêng và sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường Việt Nam.

Theo Nikkei, vào thời điểm GoJek tấn công thị trường Việt Nam, ông Nadiem Makarim – nhà sáng lập Gojek, hiện là Bộ trưởng Giáo dục Indonesia cho biết, muốn địa phương hóa thương hiệu để "xác định được bản sắc riêng". Song việc tiếp cận này gây ra sự tương tác thấp giữa các nền tảng của GoJek. Cụ thể, người dùng phải tải ứng dụng riêng khi du lịch hoặc công tác ở những quốc gia khác khi sử dụng Gojek (ở Việt Nam là GoViet, ở Thái Lan là Get).

Ngoài ra, mỗi nước có một nền tảng riêng chắc chắn không tận dụng tối ưu được nguồn lực công nghệ từ công ty mẹ Gojek. Trong khi đó, đối thủ hàng đầu của Gojek ở Đông Nam Á là Grab giữ nguyên một ứng dụng và tên thương hiệu trên khắp khu vực. Người cài ứng dụng Grab ở Việt Nam có thể dùng các dịch vụ (có giới hạn) ở mọi quốc gia có Grab hoạt động. Uber cũng chỉ dùng một tên thương hiệu và ứng dụng duy nhất của họ trên toàn cầu.

Hợp nhất các ứng dụng và thương hiệu để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng

Trước xu thế chung, cuối tuần trước, Gojek tuyên bố hợp nhất tất cả ứng dụng tại 5 thị trường thành một nền tảng duy nhất. Tại Việt Nam, GoViet sẽ trở thành Gojek Việt Nam. Đồng thời, ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập và nguyên Giám đốc vận hành của GoViet được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Gojek Việt Nam. Động thái này gây sự chú ý lớn bởi thị trường gọi xe qua ứng dụng đang cạnh tranh khá gay gắt.

Gojek tuyên bố hợp nhất tất cả ứng dụng tại 5 thị trường thành một nền tảng duy nhất. Tại Việt Nam, GoViet sẽ trở thành Gojek Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Ông Andrew Lee, Giám đốc các thị trường quốc tế của Gojek, cho biết việc hợp nhất các ứng dụng và thương hiệu tại các thị trường nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn nữa cho người dùng.

Hợp nhất các ứng dụng còn giúp Gojek triển khai nhanh hơn sản phẩm mới ra các quốc gia mà Gojek có mặt, qua đó tiếp tục mở rộng thị trường. Hiện nay, Gojek Indonesia có khoảng 20 dịch vụ khác nhau, trong khi đó tại Việt Nam mới chỉ có 3 dịch vụ cơ bản gồm gọi xe máy, giao hàng, giao thức ăn. Gojek hiện còn thiếu hai dịch vụ cơ bản rất tiềm năng tại Việt Nam gồm ví điện tử và gọi xe 4-7 chỗ.

Ứng dụng Gojek mới áp dụng cho cả 5 thị trường trong khu vực. Bên cạnh thay đổi giao diện để sử dụng tốt hơn, ứng dụng sẽ có thêm tính năng mới như cuộc gọi khẩn cấp, chat giữa khách hàng với tài xế.

Việc trở thành Gojek Việt Nam cũng hứa hẹn gia tăng doanh thu cho đối tác tài xế và các nhà hàng. Ông Đức khẳng định sẽ tăng cường các chương trình khuyến mại, đồng thời ra mắt dịch vụ mới, tiếp cận nhiều khách hàng hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Sau hợp nhất, các tài xế GoViet vốn mặc màu áo đỏ, đội mũ bảo hiểm đỏ sẽ chuyển sang các trang phục màu xanh đen cho giống với hình ảnh nhận diện chung của Gojek. Tuy nhiên, trang phục này vẫn có các điểm được địa phương hóa cho khác với những thị trường khác.

Tập trung vào mảng đồ ăn, hoàn thiện thêm dịch vụ xe máy chở người có thể là những hướng đi nhiều tiềm năng cho GoJek Việt Nam trong cuộc chiến gọi xe qua ứng dụng.

Bởi khi không có mảng ô tô thì tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ ở mảng xe máy sẽ là lựa chọn khôn ngoan. Mặt khác, mảng giao đồ ăn cũng là mảnh đất khá màu mỡ vì có tới 3 nguồn thu: từ khách hàng đi xe, đối tác lái xe và các nhà hàng. Đây cũng là tiền để giúp GoJek Việt Nam có thể mở ra mảng siêu thị với các mặt hàng thực phẩm, nông sản, quà tặng đang phát triển rất mạnh sau đồ ăn.

Trí Tâm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/chuyen-doi-so/cua-nao-cho-gojek-viet-nam-trong-thi-truong-goi-xe-qua-ung-dung/20200707111425530