Cửa ngõ giao thương quốc tế của Đại Việt

Mùa xuân này là đúng 870 năm Thương cảng Vân Đồn được thành lập (1149-2019) sau quyết định mang tính lịch sử của vua Lý Anh Tông. Trong vài thế kỷ tồn tại và phát triển, Thương cảng Vân Đồn khẳng định vị trí, vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế của các triều đại Lý - Trần - Lê sơ, Mạc.

Di tích có... hai lần cấp bằng

Trong hơn 600 di tích lịch sử, văn hóa của Quảng Ninh, không có di tích nào lại thu hút sự quan tâm sớm nhất, nhiều nhất của các nhà khoa học nước ngoài bằng Thương cảng Vân Đồn. Gần 1 thế kỷ qua đã có rất nhiều nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đến tìm hiểu về Thương cảng Vân Đồn.

“Mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn bán nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông, xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quý, dâng tiến sản vật địa phương” - Đại Việt Sử ký toàn thư (Nhà Xuất bản Khoa học - Xã hội, 1993, tập 1, trang 317).

Theo các nhà nghiên cứu, trong quá trình phát triển, Thương cảng Vân Đồn đã trở thành một thực thể phát triển tương đối hoàn chỉnh, dành được sự quan tâm đặc biệt của các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Mạc và Lê Trung hưng - tức từ thế kỷ XII khi thành lập đến thế kỷ XVIII. Với các hoạt động kinh tế và mối giao thương rộng lớn, Vân Đồn là một thương cảng trọng yếu, có vai trò kinh tế, chính trị quan trọng của quốc gia Đại Việt.

Một cuộc khảo sát di tích Thương cảng Vân Đồn tại Quan Lạn (Vân Đồn) do các nhà khảo cổ quốc tế thực hiện, tháng 5/2018.

Có một chuyện vui và có lẽ cũng là hy hữu trong lịch sử cấp bằng di tích ở Việt Nam mà người viết bài này chứng kiến, đó là năm 2003, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia (Quyết định số 59/2003/QĐ-BVHTT ngày 29/10/2003) cho địa điểm Cống Đông (xã Thắng Lợi, Vân Đồn). Ngay sau khi bằng được trao, người dân xã Quan Lạn đã phản đối và có đơn kiến nghị lên trên. Bộ Văn hóa - Thông tin đã sửa sai bằng cách cấp thêm một bằng (cùng số quyết định, ngày cấp) cho địa điểm Cái Làng (xã Quan Lạn, Vân Đồn).

Sự hy hữu ấy có lẽ cũng không thừa bởi Cái Làng và Cống Đông được xác định là hai trung tâm của Thương cảng Vân Đồn. Cụ thể, thời Lý, trung tâm Thương cảng Vân Đồn là ở Cái Làng, đến thời Trần đã dịch chuyển về Cống Đông. Các dấu tích khảo cổ nền nhà, bến cổ với dày đặc mảnh vỡ gốm, sành các triều đại phong kiến Việt Nam và Trung Quốc ở Quan Lạn; các di tích chùa, tháp, bến cảng ở Cống Đông đã chứng minh điều đó.

Điểm nối của "Con đường tơ lụa"

Để duy trì các hoạt động của một trung tâm kinh tế đối ngoại lớn, Thương cảng Vân Đồn luôn có sự kết nối chặt chẽ với các bến, cảng đảo ven bờ, các cảng vùng cửa sông Vạn Ninh (Móng Cái), Bạch Đằng (Quảng Yên), Cát Bà (Hải Phòng) cùng nhiều làng nghề thủ công dệt, gốm sứ vùng châu thổ sông Hồng. Hiện nay, tại Bảo tàng cung điện Tokapi của Thổ Nhĩ Kỳ còn lưu giữ một bình gốm được sản xuất ở làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, Hải Dương) năm 1450. Các nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ nó đã được xuất qua Thương cảng Vân Đồn, theo “con đường tơ lụa” tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Con đường tơ lụa là một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng đã từ hàng nghìn năm nối châu Á với châu Âu. Con đường tơ lụa bắt đầu từ Phúc Châu (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu, có chiều dài khoảng 4.000 dặm, hay 6.437km.

Tại các di tích bến, bãi cổ phân bố dọc ven bờ, hải đảo Quảng Ninh, gồm: Vạn Ninh, Thoi Sành (Móng Cái), Cái Làng (xã Quan Lạn), Cống Đông (xã Thắng Lợi), Cống Yên (xã Ngọc Vừng, Vân Đồn), bến Bang, bến Đâm Gạo (xã Thống Nhất, Hoành Bồ), đượng Hạc (xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên)… qua các cuộc khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều mảnh vỡ bằng gốm sứ, sành vốn là đồ dùng gia dụng là vò, liễn, bát, bình, lọ, âu đủ các kích cỡ, có loại cao cấp chuyên dùng trong cung đình, lại có loại bình dân.

Một số đồ gia dụng gốm sứ tìm thấy tại Cái Làng, Cống Đông thuộc Thương cảng Vân Đồn (lưu giữ tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vân Đồn).

Niên đại, xuất xứ của các di vật gốm sứ có cả của các triều Tống, Nguyên (Trung Quốc) đến Lý, Trần, Lê sơ, Mạc kèm theo tiền đồng rất nhiều triều đại. Điều này phù hợp với các ghi chép trong các cuốn sách sử của các học giả Đại Việt và nước ngoài về sự buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa Đại Việt với các nước Trảo Oa, Xiêm La (Java), Tam Phật Tề (Palembang)... thuộc khu vực Đông Nam Á, ngược lên phía Bắc các vùng Khâm Châu, Quảng Châu, Hải Nam (Trung Quốc). Trên “Con đường tơ lụa”, Thương cảng Vân Đồn được xác định là điểm trung chuyển hàng hóa giữa vùng Bắc Á với Nam Á, Ấn Độ và Địa Trung Hải. Đó chính là một trong các lý do Vân Đồn thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của rất nhiều nhà khoa học quốc tế gần một thế kỷ qua.

Các nhà khảo cổ học Việt Nam khảo sát một địa điểm bến bãi gốm sứ cổ tại xã Vạn Yên (Vân Đồn). Trên mặt đất la liệt mảnh vỡ đồ sành thời Mạc.

Bên cạnh các mặt hàng gốm sứ, dệt, các tư liệu lịch sử cũng chỉ ra có rất nhiều sản phẩm của Hải Đông (Quảng Ninh ngày nay) như ngọc trai, đồi mồi, hương liệu... đã được xuất cho các thương nhân nước ngoài qua Thương cảng Vân Đồn. Từ nhu cầu của các thương lái, hàng hóa xuất khẩu qua Vân Đồn đã kích thích sự ra đời, phát triển của các làng nghề thủ công gốm sứ Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Chu Đậu (Hải Dương), các làng dệt La Khê, La Cả (Hà Nội)... sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao để cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài.

Tại Quảng Ninh, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện ở Móng Cái, đảo Cống Đông (Vân Đồn), xã Thống Nhất (Hoành Bồ) một số dấu tích lò nung, các phế phẩm gốm sứ, sành. Điều đó cho thấy có thể người dân Hải Đông (Quảng Ninh) cũng đã sản xuất các mặt hàng gốm sứ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Do những biến động của thị trường thế giới nói chung, châu Á nói riêng, vào thế kỷ XVII vị thế của Thương cảng Vân Đồn dần suy giảm, giao thương của quốc gia Đại Việt có sự dịch chuyển vào Hội An, miền Trung. Tuy nhiên, vị trí, vai trò của Thương cảng Vân Đồn đã được khẳng định, ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử giao thương quốc tế của Việt Nam. Đó cũng chính là tiền đề cho sự hình thành, phát triển và cất cánh của một Vân Đồn hôm nay.

Đại Dương

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201902/870-nam-thanh-lap-thuong-cang-van-don-1149-2019-cua-ngo-giao-thuong-quoc-te-cua-dai-viet-2421466/