Cuba thay đổi Hiến pháp, lần đầu tiên cho phép quyền sở hữu tư nhân

Hãng tin NBC cho biết, các cấp lãnh đạo Cuba mới đây đã thông qua một dự thảo Hiến pháp mới vào ngày 22/7, có nội dung mang lại sự thay đổi lớn nhất về chính trị, kinh tế và xã hội kể từ năm 1959 tới nay.

Cụ thể, dự thảo Hiến pháp mới sẽ cho phép người dân có quyền sở hữu tư nhân, đồng thời thành lập chức vụ Thủ tướng, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và không còn theo đuổi mục tiêu xây dựng Chủ nghĩa cộng sản mà xây dựng một đất nước Chủ nghĩa xã hội.

Cuba mới đây đã thông qua dự luật hiến pháp mới, trong đó bao gồm những thay đổi lớn nhất kể từ năm 1959 tới nay.

Hiến pháp mới này sẽ thay thế Hiến pháp cũ được lập vào năm 1976, có nội dung chịu ảnh hưởng rất lớn từ Liên Xô. Các quan chức Cuba cho biết Hiến pháp này đã không còn phù hợp với những thay đổi đã và đang diễn ra tại Cuba nữa.

Theo Hiến pháp mới, vai trò người đứng đầu chính phủ và người đứng đầu quốc gia sẽ được tách ra, mặc dù Đảng Cộng sản vẫn sẽ là chính đảng lớn nhất tại Cuba.

Tuy nhiên đáng chú ý nhất đó là Hiến pháp công nhận quyền tư hữu, điều mà chính phủ Cuba từ lâu coi là một vết tích của Chủ nghĩa tư bản. Hiến pháp hiện tại chỉ công nhận các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp cá nhân nhỏ và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài.

Những thay đổi trong Hiến pháp sẽ là lần đầu tiên Cuba hợp pháp hóa sự thay đổi nền kinh tế sang mô hình thị trường, vốn đã diễn ra từ vài năm trước. Trước đây, Chủ tịch Cuba Raul Castro đã tiến hành cải cách kinh tế kể từ khi ông thay thế anh trai Fidel vào năm 2006. Dù vậy, tốc độ thay đổi được cho là khá chậm chạp do lo ngại người dân Cuba sẽ tích lũy tài sản và gây ra sự bất bình đẳng xã hội.

Ông Arturo Lopez-Levy, một nhà phân tích trước đây từng làm việc cho Bộ Nội vụ Cuba và nay là giảng viên Trường Đại học Texas cho biết, “sự thay đổi của Hiến pháp đối với lĩnh vực kinh tế là rất quan trọng”.

Theo một số thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế Cuba là 1,1% trong nửa đầu năm 2018 và chính phủ Cuba cho biết họ sẽ cần con số này tăng lên 7% mỗi năm để có thể vượt qua những khó khăn sau khi Liên Xô tan rã cũng như trước tình hình khủng hoảng Venezuela hiện tại. Đây là hai nguồn tài chính và tài nguyên chính của Cuba trong những thập niên trước đây.

“Hiến pháp mới sẽ mở ra cơ hội để đất nước có thể thực hiện chính sách mới, giúp Cuba có thể thu hút đầu tư từ nước ngoài”, ông Lopez-Levy nói.

Một thay đổi nữa được nêu ra trong dự thảo Hiến pháp đó là nó sẽ cho phép hôn nhân đồng giới, một thông tin khiến cộng đồng LGBT trên khắp thế giới hoan nghênh.

Về mặt chính trị, dự thảo này cũng bao gồm giới hạn tuổi tác và nhiệm kỳ đối với các Chủ tịch. Hiến pháp cho biết người lãnh đạo phải dưới 60 tuổi khi được bầu làm Chủ tịch và không được phép tại vị quá hai nhiệm kỳ 5 năm. Ngoài ra, dự thảo cũng công nhận nguyên tắc giả định vô tội, tức là mọi nghi can đều vô tội trước khi được chứng minh là có tội.

Dự thảo Hiến pháp sẽ được trình bày trước công chúng, và nội dung của nó sẽ được thảo luận trong nhiều cuộc họp chính phủ sẽ diễn ra trong vài tháng tới trước khi tiến hành trưng cầu dân ý để được quyết định thông qua hay không.

Trước đó vào ngày 21/7, các đại biểu quốc hội Cuba cũng đã chấp thuận danh sách các Bộ trưởng do tân Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đề xuất, trong đó phần lớn những người đã giữ chức dưới thời Chủ tịch Raul Castro, đặc biệt là các vị trí Bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao, thương mại và nội vụ vẫn được giữ nguyên.

Trong số các Bộ trưởng trong nội các của ông Diaz-Canel có cả những người đã giữ chức Phó Chủ tịch trong quá khứ, bao gồm hai Tư lệnh Ramiro Valdes và Ricardo Cabrisas, nay đã trên 80 tuổi, cũng như Tướng Ulises Rosales del Toro 76 tuổi.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cuba-thay-doi-hien-phap-lan-dau-tien-cho-phep-quyen-so-huu-tu-nhan-post269297.info