Cục Hàng không khó đánh giá chất lượng phi công Vietnam Airlines?

Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo giải trình về những 'lùm xùm' tại tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) theo những nội dung của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị.

Phi công là nghề có thu nhập cao, mức lương lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng và họ phải trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao cùng việc đào tạo, rèn luyện khắc nghiệt kéo dài nhiều năm liền. Chi phí đào tạo vô cùng tốn kém, lên tới nhiều tỷ đồng. Chính vì thế những ngày này, dư luận xã hội xôn xao với chuyện lần đầu tiên những góc khuất về việc đào tạo phi công được một đại biểu Quốc hội gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Ngay khi nhận được thư kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Vietnam Airlines giải trình về bất cập trong việc đào tạo, phỏng vấn, kiểm tra phi công theo nội dung phản ánh của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương.

Vietnam Airlines chưa lên tiếng về việc đào tạo phi công. Ảnh minh họa

Trong một diễn biến liên quan, mới đây, cục Hàng không Việt Nam cũng đã lên tiếng về sự việc này. Theo Cục này, chất lượng phi công được xem xét từ đầu ra của các ứng viên dựa trên hồ sơ bằng cấp, huấn luyện trong quá trình học ở nước ngoài. Cùng với đó là các bằng cấp, chứng chỉ được nhà chức trách nơi các học viên làm cơ sở để công nhận bằng lái tàu bay.

Trước những kiến nghị của ĐBQH Cương về các trường đào tạo phi công đa số là trường nhỏ lẻ, chất lượng đào tạo thấp, cục Hàng không cho rằng, các tổ chức đánh giá, công nhận trường đào tạo người lái tàu bay đã được cục Hàng không của các quốc gia phê chuẩn (hiện nay chủ yếu các trường tại Hoa Kỳ, New Zealand, Úc và châu Âu).

Cục Hàng không tập trung vào phê chuẩn chất lượng đào tạo của phi công và trên cơ sở phê chuẩn đầu ra của các nhà chức trách quốc gia trên công nhận bằng chứng chỉ đào tạo. Bất kể đầu vào huấn luyện như thế nào, đầu ra huấn luyện của phi công dựa trên hai điều kiện chính.

Thứ nhất, tổ chức huấn luyện được phê chuẩn bởi quốc gia thành viên ICAO và được cục Hàng không đánh giá tuân thủ các quy định của Việt Nam về tổ chức huấn luyện phi công.

Thứ hai, cá nhân người lái tàu bay phải được cục Hàng không của quốc gia tổ chức huấn luyện tổ chức kiểm tra, đánh giá để cấp bằng người lái tàu bay (PPL, CPL/IR). Sau khi được đào tạo, có bằng lái tàu bay (CPL, IR), các phi công cơ bản được huấn luyện chuyển loại tàu bay (ví dụ A320).

Đối với chất lượng phi công, báo cáo của cục Hàng không cho biết, để đảm bảo chất lượng, các tổ chức huấn luyện loại tàu bay đều được cục Hàng không phê chuẩn theo tiêu chuẩn của ICAO, các nhà sản xuất tàu bay và bộ Quy chuẩn an toàn hàng không. Việc hoàn thành các nội dung huấn luyện là bắt buộc và do đó tùy vào nỗ lực của các học viên có thể có thời gian huấn luyện khác nhau. Cục Hàng không có các tiêu chuẩn và đánh giá để đảm bảo đầu ra của các phi công đáp ứng theo yêu cầu của ICAO, bộ Quy chuẩn an toàn hàng không.

Cục Hàng không cho rằng, để làm rõ những tồn tại khi đào tạo phi công cần có thời gian để xác minh, đánh giá do đây là hoạt động của các hãng hàng không. Đơn vị có hệ thống quy trình đánh giá hoàn toàn độc lập và khách quan, đảm bảo tất cả các phi công được cấp bằng phải chịu đánh giá của cục Hàng không. Các tồn tại do ĐBQH nêu ra không ảnh hưởng đến quá trình đánh giá độc lập, khách quan và chất lượng của Cục đối với các phi công trước khi được cấp bằng và cho phép hoạt động khai thác.

Chiều 1/8, trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Vietnam Airlines chưa báo cáo đúng hạn về tiêu cực trong đào tạo phi công. Phía Bộ đang đôn đốc Vietnam Airlines báo cáo.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, trước đó, khi có ý kiến của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu cục Hàng không báo cáo lên Bộ về quy trình quy định chức năng các đơn vị liên quan trong tổ chức đào tạo tuyển dụng, kiểm soát chất lượng đội ngũ phi công.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc tuyển chọn phi công, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu cục Hàng không, Vietnam Airlines làm rõ, cần có thời gian. Việc tuyển chọn hay xem xét có tiêu cực thế nào cần xem xét thận trọng vì đây là quá trình chặt chẽ từ đào tạo, các trường nằm trong danh mục, chấp nhận chứng chỉ được sử dụng... sau đó, các hãng tuyển dụng phải chịu trách nhiệm chất lượng phi công.

“Nếu có tiêu cực, phải xem xét cẩn thận để cung cấp cho cơ quan công luận sau” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Minh Hiếu

Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 93

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/cuc-hang-khong-kho-danh-gia-chat-luong-phi-cong-vietnam-airlines-a238778.html