Cực nam của Mặt Trăng có thể tồn tại sự sống

Ông Mitchal Saxena, nhà nghiên cứu hành tinh tại Trung tâm Chuyến bay Không gian Goddard của NASA, cho biết sự sống dưới dạng vi sinh vật có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt ở cực nam của Mặt Trăng - nơi cực lạnh và thiếu ôxy.

Nguyệt thực toàn phần. Ảnh: Sputnik

“Dựa trên nghiên cứu gần đây về phạm vi mà một số vi sinh vật nhất định có khả năng tồn tại, một trong những điều nổi bật nhất mà nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã phát hiện ra là có những hốc sinh thái tiềm năng mà một số vi sinh vật có thể tồn tại”, đài Sputnik dẫn lời ông Saxena cho biết.

Theo nhà nghiên cứu này, cực nam của Mặt Trăng có thể là một nơi như vậy. Tuy nhiên, dạng sự sống nào có thể tồn tại ở đó vẫn chưa rõ ràng.

“Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu để tìm hiểu những sinh vật cụ thể nào phù hợp nhất để tồn tại ở những nơi như vậy, và những khu vực nào của vùng cực của Mặt Trăng phù hợp nhất để hỗ trợ sự sống”, ông Saxena nói.

Tại hội thảo khoa học gần đây về các địa điểm hạ cánh tiềm năng cho Artemis 3, ông Saxena và các đồng nghiệp đã báo cáo về sự phổ biến của các hốc bề mặt có thể là nơi sinh sống của nhiều loại vi sinh vật.

Artemis 3 là sứ mệnh không gian của Mỹ được lên kế hoạch vào năm 2025, đánh dấu nỗ lực đầu tiên đưa con người lên Mặt Trăng sau hơn 50 năm. Dự kiến đây sẽ là nhiệm vụ đầu tiên trong số các nhiệm vụ của con người đến Khu vực thám hiểm vùng cực của Artemis.

Bà Heather Graham, thành viên khác của nhóm nghiên cứu tại trung tâm Goddard của NASA, cho biết các nhà khoa học tin rằng con người là nguồn gốc khả dĩ nhất của bất kỳ sự sống vi sinh vật nào được phát hiện trên Mặt Trăng.

Trước đó, thậm chí đã có các nghiên cứu nghi ngờ rằng tàu vũ trụ của con người từ Trái Đất cũng có thể mang theo các vi sinh vật chịu được môi trường không gian lên Mặt Trăng.

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/cuc-nam-cua-mat-trang-co-the-ton-tai-su-song-20230613170110406.htm