Cụm công nghiệp - Động lực quan trọng để phát triển kinh tế Hậu Giang

Việc phát triển các cụm công nghiệp dã giúp Hậu Giang hạn chế tình trạng sản xuất phân tán không theo quy hoạch, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.

Hậu Giang nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Tây Sông Hậu và bán đảo Cà Mau, có điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp, từ đó tạo đà phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Hậu Giang xác định, chiến lược phát triển các ngành lĩnh vực công nghiệp có lợi thế được xây dựng dựa trên định hướng không gian phát triển, lợi thế về nguồn nhân lực, tài nguyên, trong đó có phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn.

Với việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, ngành công nghiệp Hậu Giang đã đạt được những kết quả tích cực trong những năm gần đây. Giai đoạn 2011 - 2020, đã có sự chuyển dịch từ gia công, sản xuất hàng hóa thô sang chế biến sâu trong một số lĩnh vực chế biến thủy sản, nông sản. Chuyển dịch nội ngành công nghiệp diễn ra mạnh mẽ và tích cực theo đúng định hướng tái cơ cấu ngành Công Thương. Ngày 22/3/2022, tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt Phương án phát triển CCN tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Hòa ký.

Thực tế, thời gian qua với 10 CCN được quy hoạch đã thu hút được 51 dự án đầu tư, giải quyết việc làm cho 8.807 lao động; giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 6,85 tỷ đồng/năm/ha; tỷ lệ lắp đầy bình quân đạt 51,11%.

Việc phát triển các CCN đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giúp hạn chế tình trạng sản xuất phân tán không theo quy hoạch và tình trạng ô nhiễm môi trường, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, đóng góp vào ngân sách và làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng công nghiệp hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp, những mặt được thì công tác phát triển các cụm công nghiệp vẫn còn một số hạn chế như: một số CCN đầu tư dàn trải, hạ tầng CCN khiêm tốn, thiếu tính cạnh tranh thu hút đầu tư... Cùng với đó, một số quy hoạch liên quan thay đổi điều chỉnh làm ảnh hưởng đến công tác quy hoạch, phát triển CCN, đồng thời quy hoạch phát triển CCN tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 đã đến thời hạn, cần thiết phải xây dựng phương án phát triển CCN cho giai đoạn mới.

Việc xây dựng Phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở, định hướng quan trọng cho xây dựng các mục tiêu kinh tế - xã hội của từng địa phương và của ngành công thương đến năm 2050.

Phát triển CCN địa bàn Hậu Giang Giai đoạn tới nhằm mục tiêu xây dựng phương án phát triển CCN trên cơ sở huy động nội lực và tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài với nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia, phát triển các ngành nghề mang tính tích hợp, bổ sung cho các KCN tập trung; tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư hạ tầng để phát triển CCN có tiềm lực, kêu gọi các dự án đầu tư có thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, ít gây tác động đến môi trường. Đến năm 2050, xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động, hiệu quả sử dụng đất của các CCN.

Nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45% vào năm 2030; cơ cấu lao động trong khu vực công nghiệp đến năm 2025 chiếm 15,93% trong tổng số lao động trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70% vào năm 2030.

Thăng Long

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cum-cong-nghiep-dong-luc-quan-trong-de-phat-trien-kinh-te-hau-giang-90013.htm