Cụm công trình về Sản phụ khoa cho phụ nữ khó khăn đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh

Cụm công trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng khó khăn của nhóm tác giả tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho GS.TS.BS. Cao Ngọc Thành - Trưởng nhóm tác giả cụm công trình “Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: Từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng” đạt giải vào tối 23/11 tại Hà Nội.

Ngày 24/11, GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế cho biết, cụm công trình “Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: Từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng” đã đi sâu nghiên cứu và can thiệp, tác động đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhân dân khu vực Thừa Thiên - Huế và miền Trung – Tây Nguyên, sau đó được nhân rộng ra toàn quốc đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học công nghệ đợt 6 – năm 2021 diễn ra tối 23/11 tại Hà Nội.

Đây là lần đầu tiên một cụm công trình của Trường Đại học Y - Dược và Đại học Huế đón nhận giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực Khoa học công nghệ của Việt Nam, cũng là cụm công trình đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực miền Trung - Tây Nguyên được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Cụm công trình được giải gồm 3 nhóm đề tài nghiên cứu là: “Nghiên cứu triển khai ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc và can thiệp dự phòng bệnh lý tiền sản giật – sản giật”; “Nghiên cứu hiện trạng và các giải pháp nhằm cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ tại cộng đồng” và “Nghiên cứu triển khai ứng dụng các phương pháp điều trị vô sinh – hiếm muộn” của nhóm tác giả GS.TS.BS. Cao Ngọc Thành, GS.TS.BS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, PGS.TS.BS. Trương Quang Vinh, PGS.TS.BS. Lê Minh Tâm, TS.BS. Võ Văn Đức, PGS.TS.BS. Hà Thị Minh Thi và TS.BS. Trần Mạnh Linh.

Các tác giả của các công trình, cụm công trình nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ đợt 6 - năm 2021.

Nội dung cụm công trình đạt giải xuất phát dựa trên đặc thù của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, vùng đất chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, nơi luôn hứng chịu nhiều hậu quả của thiên tai, điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều hạn chế; với trọng tâm ứng dụng các thành quả nghiên cứu vào công tác khám chữa bệnh và đào tạo - chuyển giao kỹ thuật cho các tuyến y tế.

Với việc sử dụng các phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến, phù hợp với điều kiện nguồn lực tại chỗ, các kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe sinh sản – chất lượng dân số cho nhân dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu về tiền sản giật có những thành tựu khoa học nổi bật, tiêu biểu (đặc biệt là thời điểm nghiên cứu từ cách đây trên 10 năm), làm thay đổi quan trọng trong nhận thức và dự phòng, điều trị bệnh lý này.

Ở nhóm đề tài thứ nhất thuộc cụm công trình này đã nghiên cứu về bệnh lý tiền sản giật thuộc khuôn khổ đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sàng lọc bệnh lý tiền sản giật – sản giật và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng”, hướng đến một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ tại Việt Nam.

Đề tài đã xây dựng được mô hình dự báo có tỷ lệ phát hiện tiền sản giật kỳ vọng từ rất sớm trong thai kỳ, đồng thời đánh giá được hiệu quả dự phòng bằng các can thiệp có tính khả thi cao trong điều kiện của Việt Nam.

Nghiên cứu là cơ sở để hình thành chiến lược sàng lọc và can thiệp dự phòng sớm, qua đó thiết lập được chế độ quản lý thai kỳ hợp lý.

Nghiên cứu và ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị vô sinh do vòi tử cung năm 2010 của đề tài.

Kết quả nghiên cứu đã thay đổi cách thức tiếp cận quan trọng trong quản lý bệnh lý tiền sản giật hiện nay, nghiên cứu đã được triển khai áp dụng thường quy trên lâm sàng, ban đầu tại các Trung tâm Sản phụ khoa khu vực miền Trung – Tây Nguyên, mở rộng dần ra toàn bộ khu vực và cả nước hiện nay. Qua đó, đã giúp hạn chế được những tác động nghiêm trọng của bệnh lý tiền sản giật – sản giật lên thai kỳ, một trong những nguyên nhân tử vong mẹ và thai hàng đầu trong nhiều thập kỷ qua.

Đề tài đã được Hội đồng Nhà nước nghiệm thu đạt Xuất sắc. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, Hội Sản phụ khoa Việt Nam tham khảo để xây dựng hướng dẫn sàng lọc và dự phòng bệnh lý tiền sản giật, trong đó nhóm nghiên cứu phụ trách soạn thảo chính.

Hướng dẫn lâm sàng đã được Bộ Y tế ban hành, triển khai áp dụng toàn quốc theo Quyết định số 1911/QĐ-BYT ngày 19/4/2021. Đồng thời, nhóm nghiên cứu được Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định công nhận “Sáng kiến có hiệu quả áp dụng, phạm vi ảnh hưởng cấp toàn quốc” năm 2021.

Đây là lần đầu tiên trong lĩnh vực Sản phụ khoa có cụm công trình lớn và phạm vi ảnh hưởng rộng.

Quy trình sàng lọc thai phụ và tư vấn điều trị dự phòng bệnh lý tiền sản giật lần đầu tiên được nghiên cứu và ứng dụng tại Việt Nam, 2012.

Ở nhóm đề tài thứ hai thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đã nghiên cứu tập trung vào sàng lọc và đưa ra các giải pháp quản lý ung thư cổ tử cung, hiện đang là gánh nặng trong chăm sóc sức khỏe ở phụ nữ, thực hiện trong khuôn khổ đề tài cấp Tỉnh.

Kết quả nghiên cứu được Hội đồng nghiệm thu đạt loại Xuất sắc. Đề tài nằm trong cụm công trình đạt giải A, Giải thưởng Cố Đô về Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ III, năm 2016. Kết quả công trình này là cơ sở quan trọng để phát triển Kế hoạch hành động Quốc gia về Dự phòng và Kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025, được Bộ Y tế ban hành và đã triển khai trong toàn quốc từ quý IV/2016.

Nhóm đề tài thứ ba với các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực vô sinh - nội tiết đóng vai trò quan trọng trong triển khai phương pháp điều trị mới và chuyển giao kỹ thuật cho khu vực, tiền đề cho các ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị vô hiếm muộn trong khu vực hiện nay.

Nội dung nghiên cứu tập trung xác định các đặc điểm lâm sàng và các rối loạn nội tiết, chuyển hóa trên nhóm bệnh nhân vô sinh có hội chứng buồng trứng đa nang, triển khai và ứng dụng kỹ thuật điều trị vô sinh do vòi tử cung - phúc mạc bằng phẫu thuật nội soi.

Kết quả nghiên cứu đã đưa ra được những khuyến cáo quan trọng trong quản lý bệnh lý buồng trứng đa nang, phát hiện những đặc điểm kiểu hình đặc trưng của hội chứng buồng trứng đa nang của phụ nữ Việt Nam và châu Á.

Nghiên cứu cũng cung cấp các dữ liệu khá toàn diện về nguyên nhân và yếu tố ảnh hưởng gây vô sinh do vòi tử cung; từ đó triển khai và ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật hiện đại trong điều trị. Kết quả mang lại mang nhiều ý nghĩa nổi bật, là cơ sở quan trọng để triển khai kỹ thuật mổ nội soi trong điều trị vô sinh hiện nay tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Khám và tư vấn điều trị vô sinh - hiếm muộn, 2014.

Trao đổi với PV Báo Giáo dục và Thời đại, GS. Nguyễn Vũ Quốc Huy – Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế cho hay, nhóm tác giả cụm công trình là các giảng viên cao cấp, giảng viên chính của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế, đồng thời là các thầy thuốc điều trị chính của Bệnh viện Trường Đại học Y – Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế.

Trên cả hai cương vị giảng viên và bác sĩ điều trị, nhóm tác giả đã phát huy tối đa sở trường ở tất cả các phân ngành Sản khoa và thai nghén nguy cơ cao, Phụ khoa nội tiết – vô sinh, Phụ khoa ung thư và Di truyền y học, từ đó chuyển tải các kết quả nghiên cứu và ứng dụng vào trong đào tạo chính khóa, lý thuyết và thực hành, đào tạo chuyên môn cho Nghiên cứu sinh, học viên Bác sĩ nội trú, Cao học, Bác sĩ Chuyên khoa I và Bác sĩ Chuyên khoa II tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

“Đối tượng nghiên cứu và tác động, được hưởng lợi là những phụ nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên, bao gồm phụ nữ ở vùng khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, có nguồn lực hạn chế. Đây là tư duy mới và cách làm sáng tạo vì từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng vào các lĩnh vực khó của chuyên ngành Sản Phụ khoa, đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu cùng với các trang thiết bị, máy móc, công nghệ cao.

Đây là lần đầu tiên trong lĩnh vực Sản phụ khoa có cụm công trình lớn và phạm vi ảnh hưởng rộng. Cụm công trình triển khai liên tục trong thời gian dài từ năm 2010 đến nay, có tính hệ thống, các sản phẩm nghiên cứu đa dạng, ứng dụng lần đầu tại Việt Nam với quy mô lớn (sàng lọc và điều trị dự phòng tiền sản giật) hay lần đầu ứng dụng kỹ thuật cao tại miền Trung - Tây Nguyên (phẫu thuật nội soi trong điều trị vô sinh).

Bên cạnh đó, cụm công trình còn được chuyển giao thành công cho các cơ sở y tế của miền Trung - Tây Nguyên, giúp cho tất cả mọi người phụ nữ nói chung, trong đó có nhóm phụ nữ khó khăn được hưởng thành quả của các nghiên cứu”, GS. Nguyễn Vũ Quốc Huy chia sẻ.

Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng những công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, những công trình giáo dục và văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về khoa học, văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền kinh tế quốc dân, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật.

Đại Dương

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cum-cong-trinh-ve-san-phu-khoa-cho-phu-nu-kho-khan-dat-giai-thuong-ho-chi-minh-post616487.html