Cụm tin Quốc tế: Chủ tịch Hạ viện Mỹ ủng hộ ông Biden tái tranh cử

Chủ tịch Hạ viện Mỹ ủng hộ ông Biden tái tranh cử; Thành phố Kherson tìm cách khôi phục dịch vụ cơ bản; G20 ra mắt quỹ ứng phó đại dịch trên toàn cầu ... là những tin chú ý có trong cụm tin Quốc tế hôm nay.

CHỦ TỊCH HẠ VIỆN MỸ ỦNG HỘ ÔNG BIDEN TÁI TRANH CỬ

Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Joe Biden tái tranh cử vào năm 2024, sau khi đảng Dân Chủ đạt những kết quả tích cực trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua.

Bà Nancy Pelosi (nen xi peo lô xi) cho rằng ông Biden đã mang lại rất nhiều thành công cho nước Mỹ, với những thành quả như chính sách hỗ trợ người dân, chương trình tiêm vắc xin ngừa Covid. Việc đảng Dân Chủ duy trì quyền kiểm soát Thượng viện, đồng thời không để đảng Cộng Hòa tạo cách biệt lớn ở Hạ Viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua, được cho là động lực để ông Biden cân nhắc tái tranh cử. Đảng Cộng hòa hiện đang nắm giữ 212 ghế, thêm 1 ghế so với hôm qua, trong khi đảng Dân chủ là 203 ghế.

THÀNH PHỐ KHERSON TÌM CÁCH KHÔI PHỤC DỊCH VỤ CƠ BẢN

Chính quyền Ukraine tại Kherson đang nỗ lực khôi phục lại các dịch vụ cơ bản sau khi tái kiểm soát thành phố từ lực lượng Nga.

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga phá hủy toàn bộ hạ tầng dân sự quan trọng tại Kherson trước khi rút quân, trong đó có thông tin liên lạc, hệ thông cấp điện, nước và nhiệt để sưởi ấm. Thị trưởng thành phố Kherson cho biết, người dân địa phương đang trong tình trạng thiếu thốn nghiêm trọng nhu yếu phẩm như thực phẩm, nước sạch. Ukraine hiện đã ban bố lệnh giới nghiêm, đồng thời khuyên cáo người dân chưa nên quay trở lại đây sớm.

G20 RA MẮT QUỸ ỨNG PHÓ ĐẠI DỊCH TRÊN TOÀN CẦU

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20, nước chủ nhà Indonesia và lãnh đạo các nước thành viên Nhóm G20 đã cho ra mắt "Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu" nhằm phòng ngừa trường hợp thế giới phải ứng phó một đại dịch khác có sức ảnh hưởng lớn như Covid-19 trong tương lai.

Quỹ phòng đại dịch của G20 do Indonesia và Italy làm đồng chủ tịch. Tổng thống Indonesia Joko Widodo (zô cô uy đô đô) dẫn chứng mỗi năm thế giới cần khoảng 31,1 tỷ USD để ngăn chặn và phòng ngừa các đại dịch có nguy cơ xảy ra. Do đó, việc xây dựng và phát triển một nguồn kinh phí nhằm ứng phó với tình huống này là rất cần thiết. Theo đó, các khoản tài trợ vào quỹ này được kỳ vọng có thể thu hẹp khoảng cách mà nhóm các nước đang phát triển và nước nghèo đang phải đối mặt với đại dịch trong tương lai.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cum-tin-quoc-te-chu-tich-ha-vien-my-ung-ho-ong-biden-tai-tranh-cu