Cụm tin quốc tế tối 29/7: Nga nói Ukraine pháo kích khiến 40 tù binh thiệt mạng

Nga nói Ukraine pháo kích khiến 40 tù binh thiệt mạng; Binh sĩ Ukraine và tình nguyện viên nước ngoài sát cánh ở miền Đông; Vấn đề Đài loan phủ bóng điện đàm Trung - Mỹ; Mỹ hỗ trợ các nhà máy sản xuất chip bán dẫn trong nước... là những tin tức quốc tế đáng chú ý tối 29/7.

NGA NÓI UKRAINE PHÁO KÍCH KHIẾN 40 TÙ BINH THIỆT MẠNG

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết, phía Ukraine đã tấn công bằng tên lửa nhằm vào một nhà tù tại vùng Donetsk, khiến 40 tù binh Ukraine thiệt mạng và làm 75 người bị thương.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine tấn công nhà tù do lực lượng thân Nga kiểm soát bằng hệ thống tên lửa HIMARS. Bộ Quốc phòng Nga cho hay những tù nhân chiến tranh này là những binh sĩ Ukraine đã tự nguyện hạ vũ khí và hiện đang bị giam giữ. Một nguồn tin khác từ chính quyền nước cộng hòa Donetsk tự xưng cho biết con số thương vong là 53. Hiện Ukraine chưa đưa ra bình luận gì về sự việc này.

BINH SĨ UKRAINE VÀ TÌNH NGUYỆN VIÊN NƯỚC NGOÀI SÁT CÁNH Ở MIỀN ĐÔNG

Kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine, đã có hàng nghìn người nước ngoài tình nguyện tham gia chiến đấu. Ukraine thậm chí đã thành lập một quân đoàn quốc tế cho những người đến giúp đỡ. Họ đối mặt với một thực tế khốc liệt hơn những gì có thể tưởng tượng, nhưng không ít người vẫn quyết tâm bám trụ nơi tiền tuyến dù nguy hiểm rình rập suốt ngày đêm.

Cách thành phố Izium dưới sự kiểm soát của quân đội Nga chỉ khoảng 1 km về phía đông, lực lượng Ukraine và các binh sĩ nước ngoài vẫn đang ẩn nấp trong một tầng hầm ngầm. Họ thuộc tiểu đoàn Carpathian Sich, có nhiệm vụ ngăn chặn bước tiến của quân đội Nag ở miền đông Ukraine.

Anh DENIS POLISHCHUK, Binh sỹ tiểu đoàn Carpathian Sich: “Sau này, con cháu chúng tôi sẽ hỏi chúng tôi về thời kỳ lịch sử mà chúng tôi đã trải qua. Tôi sẽ kể với chúng rằng, tôi đã làm phần việc của mình. Tôi đã chiến đấu cùng với tất cả mọi người.”

Anh Conor, một tình nguyện viên người Anh và là cựu quân y phục vụ ở tiền tuyến chia sẻ, tình hình bây giờ đang rất khó khăn, xung đột càng kéo dài, thì người dân sẽ càng chịu tổn thương.

Anh CONOR, Tình nguyện viên: "Cuộc chiến diễn ra càng lâu, thì càng mệt mỏi. Ngày hôm qua, họ nổ súng vào lúc một, hai và bốn giờ sang. Điều này khiến mọi người mất ngủ và hoảng loạn. Nhưng bạn phải giữ tinh thần lạc quan."

Dù sinh ra ở Ukraine hay đến từ những quốc gia khác, những binh sỹ này đều đã đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy. Ý thức được sự nguy hiểm, thậm chí là có thể hy sinh trên chiến trường, nhưng những người lính này vẫn kiên cường bám trụ đến cuối cùng để bảo vệ thành phố.

Anh DENIS POLISHCHUK, Binh sỹ tiểu đoàn Carpathian Sich: “Bạn phải nhớ rằng, đây là một cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, nhưng theo cách mà mọi thứ đang diễn ra ngay bây giờ, Ukraine thực sự là lá chắn của châu Âu.”

Sau hơn 5 tháng giao tranh khốc liệt, chiến sự Nga và Ukraine đã trở thành cuộc đấu dài hơi, đưa cấu trúc an ninh châu Âu và trật tự thế giới bước sang một trang mới. Và liệu cuộc xung đột đến bao giờ mới chấm dứt? Đây vẫn là một câu hỏi lớn, chưa có lời giải.

VẤN ĐỀ ĐÀI LOAN PHỦ BÓNG ĐIỆN ĐÀM TRUNG-MỸ

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ, nhằm thảo luận về các mối quan hệ song phương và những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Đáng chú ý, cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có khả năng sẽ thăm Đài Loan vào tháng 8 tới, làm dấy lên căng thẳng giữa Bắc Kinh-Washington.

Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm “thẳng thắn” và cởi mở. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, ông Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo Mỹ không nên đùa với lửa trong vấn đề Đài Loan, đồng thời nêu bật mối quan ngại của Bắc Kinh về khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ thăm Đài Loan.

Bà KARINE JEAN-PIERRE, Thư ký báo chí Nhà Trắng: "Đây là một cuộc trò chuyện thẳng thắn và là điện đàm thứ năm giữa tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận chi tiết về các lĩnh vực mà hai quốc gia có thể hợp tác cùng nhau, đặc biệt tập trung vào biến đổi khí hậu, an ninh y tế và chống ma túy. Thứ hai, 2 bên trao đổi quan điểm về cuộc xung đột Nga-Ukraine và những tác động toàn cầu mà nó đang gây ra. Về vấn đề Đài Loan, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ không thay đổi và Mỹ cực lực phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan."

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang xung quanh vấn đề này, dư luận Trung Quốc bày tỏ hy vọng 2 nước có thể giải quyết bất đồng thông qua ngoại giao.

Người dân Trung Quốc: “Mỹ luôn hy vọng sử dụng Đài Loan như một đòn bẩy cho các lợi ích của họ trong chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương. Vì vậy, tôi cho rằng, Trung Quốc và Mỹ cần có một số cuộc đàm phán về vấn đề này, hay nói cách khác, bất kể đó là thông qua các biện pháp hòa bình hay bất cứ điều gì, tôi nghĩ vẫn cần phải giữ liên lạc."

Người dân Trung Quốc: “Tôi không dám đưa ra những đánh giá hấp tấp về việc mối quan hệ này đang phát triển theo hướng nào, nhưng tôi hy vọng tình hữu nghị giữa 2 nước sẽ ngày càng tốt đẹp, bởi vì điều này sẽ giúp ích cho sự phát triển của nhân dân cả hai nước."

Ngoài vấn đề Đài Loan, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận một loạt các vấn đề quan trọng đối với quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, toàn cầu quan trọng. Tổng thống Biden khẳng định, hợp tác Mỹ-Trung không chỉ mang lại lợi ích cho người dân hai nước mà còn mang lại lợi ích cho người dân tất cả các nước. Washington sẽ làm việc với Bắc Kinh về những điểm phù hợp lợi ích của hai nước và quản lý những khác biệt một cách hợp lý.

MỸ HỖ TRỢ CÁC NHÀ MÁY SẢN XUẤT CHIP BÁN DẪN TRONG NƯỚC

Với 243 phiếu thuận và 187 phiếu chống, Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật trị giá 280 tỷ đô-la về việc hỗ trợ các ngành khoa học và sản xuất chip bán dẫn, nhằm cạnh tranh với Trung Quốc trong những lĩnh vực này. Đây là một bước đột phá hiếm có trong các chính sách về công nghiệp của Mỹ.

Theo dự luật, chính phủ Mỹ sẽ cung cấp 54 tỷ USD dành cho sản xuất chip trong nước và đổi mới chuỗi cung ứng không dây công cộng, gồm 39 tỷ USD hỗ trợ tài chính để xây dựng, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở bán dẫn trong nước và 15 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của Bộ Thương mại. Ngoài ra, chính phủ Mỹ sẽ đầu tư 200 tỷ đô-la trong vòng 10 năm cho các lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ NANCY PELOSI: “Gói này bao gồm hơn 50 tỷ đô la để tăng cường sản xuất chất bán dẫn của Mỹ. Nắm bắt cơ hội quan trọng để khôi phục vị thế hàng đầu thế giới về chip của Mỹ. đây là một mệnh lệnh kinh tế để mang trở lại Mỹ gần 100.000 viêc làm trả lương cao và giảm chi phí cho người tiêu dùng Mỹ trong khi có thể sản xuất một thành phần quan trọng của gần như mọi ngành công nghệ chính.”

Ông RICHARD NEAL, Nghị sỹ Mỹ: “Tôi không hiểu tại sao vẫn có người có thể phản đối điều này. Đây là một cuộc tranh luận về an ninh quốc gia. Chúng ta hãy tận dụng cơ hội này để tạm gác lại các tranh cãi và tiến hành thực thi pháp luật.”

Trước đó chỉ 1 ngày, dự luật này cũng đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Sau khi được Quốc hội thông qua, dự luật sẽ chờ được Tổng thống Joe Biden ký ban hành.

Dự luật được kỳ vọng sẽ giúp giảm chi phí tiêu dùng trong nước, tạo cơ hội việc làm, củng cố vị thế của nền công nghiệp Mỹ trong tương lai, đồng thời tăng cường an ninh quốc gia nhờ giảm sự phụ thuộc vào các nguồn thiết bị bán dẫn nhập khẩu từ nước ngoài.

Thực hiện : Đinh Giang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cum-tin-quoc-te-toi-297-nga-noi-ukraine-phao-kich-khien-40-tu-binh-thiet-mang