Cụm từ 'đầu tư dàn trải' dường như quen thuộc

'Tôi chỉ xin đề cập đến 2 vấn đề được coi là những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công. Vấn đề thứ nhất, liên quan đến tính dàn trải trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Khi đánh giá việc thực hiện kế hoạch đầu tư công thì cụm từ 'đầu tư dàn trải'dường như quen thuộc', Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) phát biểu.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Ngày 29/10/2018, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017. Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Các đại biểu bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo của Chính phủ về tài chính, ngân sách, đầu tư công, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đồng thời đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về tài chính ngân sách, đầu tư công trong thời gian qua.

Đa số các đại biểu đều đồng tình về việc thực hiện triển khai Luật đầu tư công bước đầu đã có những đổi mới căn bản về phương thức quản lý, cân đối, phân bổ nguồn lực tài chính Quốc gia dành cho đầu tư phát triển, chuyển từ cơ chế quản lý đầu tư hàng năm sang kế hoạch trung hạn gắn với kế hoạch hàng năm.

Khắc phục dần tình trạng đầu tư chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ vào khả năng cân đối vốn cũng như đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao.

ĐB Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng, sau hơn 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, đây là khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để đánh giá những kế quả đạt được và thách thức đặt ra để khẳng định đổi mới là cần thiết, đúng đắn. Những cố gắng của Chính phủ, của các cấp, các ngành là thực sự đáng ghi nhận.

Bà Mai đề cập đến 2 vấn đề được coi là những khó khăn, thách thức trong thực hiện đầu tư công. Thứ nhất là tính dàn trải trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Bà Mai phân tích, tổng mức đầu tư giai đoạn 2016- 2020 là 2 triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án. Hiện nay, ở rất nhiều địa phương, số lượng dự án dở dang, thiếu vốn là rất lớn. Đặc biệt, đối với nguồn trái phiếu chính phủ, 64 tỉnh, thành phố, mỗi địa phương được phân bổ 1 dự án (trong khoảng 260.000 tỷ đồng).

“So sánh với kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới thì số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta thực sự là rất lớn, cũng hiếm quốc gia nào có phương pháp phân bổ là mỗi tỉnh thành có một dự án. Kinh nghiệm của các nước cho thấy nguồn lực đầu tư từ phía nhà nước hầu như chỉ tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, có tính tác động toàn xã hội”, ĐB so sánh.

Vị ĐB đoàn Hà Nội cũng nhấn mạnh, mong muốn của các địa phương muốn có dự án lớn là chính đáng, cần thiết. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công vẫn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất tăng bắt buộc chúng ta phải chọn tập trung, tránh dàn trải.

"Vấn đề thứ hai, tôi xin phép được đề cập, đó là tính hiệu quả hay còn gọi là kết quả đầu ra của các dự án", bà Mai nói.

Bà Mai cho biết, theo báo cáo của Chính phủ thời gian qua thì số lượng các dự án hoàn thành rất lớn. Trong giai đoạn 2011- 2015 tổng số dự án hoàn thành là 1.789 dự án, nếu tính đến hết năm 2018 số lượng sẽ là 6.290 dự án.

Tuy nhiên, xét dưới giác độ kết quả đầu ra, hiện nay chưa có báo cáo nào khẳng định là tất cả các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực. Trong hàng nghìn công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, bao nhiêu công trình hiệu quả thấp, bao nhiêu công trình chưa hiệu quả? Hiện nay chúng ta chưa có câu trả lời chính xác.

"Tại Nghị quyết 25 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm đã đề cập đến một nguyên tắc cơ bản, đó là thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện nguyên tắc này còn rất nhiều khó khăn", bà Mai nói.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu kiến nghị, cần cương quyết thay đổi cách phân bổ nguồn lực, theo đó cần tuân thủ trật tự ưu tiên được quy định ở các văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, việc đề xuất dự án cần có sự liên kết của nhiều địa phương trong cùng khu vực vì lợi ích chung, để khắc phục tình trạng có quá nhiều dự án nhỏ lẻ nhưng thiếu dự án có quy mô lớn mang tính lan tỏa vùng miền.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Liên quan đến khắc phục đầu tư dàn trải, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh: “Báo cáo của Chính phủ nêu khả năng cân đối ngân sách bố trí hàng năm gặp nhiều khó khăn. Việc lựa chọn dự án phù hợp để đưa vào kế hoạch đầu tư còn nhiều bất cập, các bộ, ngành, địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa có giải pháp cụ thể để lựa chọn các dự án tối ưu, giải quyết được tình trạng mất cân đối, đáp ứng nguồn vốn… Nhiều đại biểu phát biểu kiến nghị phải đầu tư có trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải, nhưng sau đó lại kiến nghị tỉnh mình về lĩnh vực này, lĩnh vực kia”, do đó, theo ĐB Phương, điều này rất khó khăn và rất chia sẻ với Chính phủ và Bộ KH&ĐT.

Quan tâm tới hiệu quả của các dự án, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cũng đánh giá, báo cáo chưa nêu được có bao nhiêu dự án đầu tư hiệu quả, chưa hiệu quả… Vì thế, cần xem có dự án nào chưa hoàn thành, tiến độ chậm, và Chính phủ cần xử lý nghiêm.

Đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, bổ sung báo cáo các dự án sai phạm trong thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án được thu hồi, để rút kinh nghiệm cho các dự án đầu tư công sắp tới.

Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cum-tu-dau-tu-dan-trai-duong-nhu-quen-thuoc-d84256.html