Cung cấp dịch vụ nội dung số cho di động: Cần sự chung tay của các bên

Sự phát triển của dịch vụ băng rộng di động (3G, 4G) sẽ thúc đẩy các dịch vụ nội dung số phát triển. Tuy nhiên, để dịch vụ này phát triển như kỳ vọng cần sự chung tay của các bên và đặc biệt là vai trò 'bà đỡ' của cơ quan quản lý trong việc ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp...

Các ứng dụng mới ra đời vừa giúp thúc đẩy tiêu dùng dữ liệu vừa là tiện ích phục vụ người dân. Ảnh: Minh Sơn

Công nghiệp nội dung số gồm các sản phẩm nổi bật như báo điện tử, mạng xã hội, truyền hình số, đào tạo trực tuyến, trò chơi trực tuyến, âm nhạc số, nội dung số cho mạng di động, quảng cáo số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến... Trong đó, nội dung số cho di động hiện được dư luận quan tâm bởi lĩnh vực viễn thông đem lại doanh thu, lợi nhuận rất lớn và có nhiều đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Số liệu của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, trong tổng số 130 triệu thuê bao di động thì trên 72 triệu là thuê bao phát sinh dữ liệu (thuê bao 3G, 4G) - đồng nghĩa với việc chừng đó thuê bao có nhu cầu sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng. Thêm nữa, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng người dùng internet, điện thoại thông minh thuộc nhóm cao trên thế giới; trung bình một người dùng internet tại Việt Nam sử dụng 2,5 giờ/ngày. Rõ ràng, việc cung cấp các dịch vụ nội dung số cho di động nếu được quan tâm thích đáng sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành khác.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp, sản phẩm nội dung số trong nước đang đứng trước thách thức lớn, khi nội dung (dịch vụ truyền hình trả tiền, truyền hình OTT, mạng xã hội…), trò chơi (game) để được cung cấp phải được cấp phép và chịu kiểm duyệt chặt chẽ, mất nhiều thời gian và thường xuyên chịu sự kiểm tra, giám sát. Trong khi đó các công ty như Google, Facebook, YouTube không phải đóng thuế, không chịu bất cứ ràng buộc nào bởi các quy định, chính sách của Việt Nam. Trong báo cáo về ngành nội dung số Việt Nam, Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng nêu rõ các doanh nghiệp nội dung số trong nước đang rơi vào tình cảnh “bảo hộ ngược”. Ông Võ Thanh Hải, Giám đốc Công ty Viettel Media (Viettel) mong muốn cơ quan quản lý sớm xóa bỏ tình trạng này, để các doanh nghiệp nội dung số trong nước được hoạt động bình đẳng với các doanh nghiệp xuyên biên giới.

Một vấn đề nữa đó là tuy các dịch vụ 3G, 4G phát triển, nhưng nội dung số cung cấp cho người dùng vẫn còn nghèo nàn, chưa tương xứng với tiềm năng, mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự hợp tác thiếu cân bằng giữa doanh nghiệp nội dung số và các nhà mạng.

Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và phát triển dịch vụ, Tổng công ty VinaPhone (VNPT) cho rằng, phần tỷ lệ hưởng từ doanh thu nhỏ là cản trở cho nhà cung cấp đầu tư và đưa ra các nội dung có giá trị.

Theo lãnh đạo Cục Viễn thông, trong giai đoạn 2021-2025, Cục sẽ thực hiện tái cấu trúc thị trường viễn thông bằng những nhân tố cạnh tranh mới, như thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nội dung để có đột phá mới về phát triển thuê bao băng rộng. Cụ thể sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cung cấp dịch vụ nội dung số trên nền tảng hạ tầng viễn thông, qua đó thúc đẩy người dùng điện thoại thông minh sử dụng các công nghệ số… Hy vọng những giải pháp trên sẽ là "bà đỡ mát tay" giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số cho di động phát triển.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/989393/cung-cap-dich-vu-noi-dung-so-cho-di-dong-can-su-chung-tay-cua-cac-ben