Cung cấp thông tin ngăn chặn và giải tỏa ngăn chặn trong cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực: Cần hiểu đúng về quy địnhTin khácNhớ lời Bác dạy 'thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua'Sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Do chưa hiểu đúng về quy định cung cấp thông tin ngăn chặn và thông tin giải tỏa ngăn chặn trong cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực (CSDLCCCT), thời gian gần đây, nhiều người dân đã gửi đơn đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo dừng công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch đối với tài sản liên quan đến tranh chấp của người dân. Theo quy định, chỉ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới được ban hành các văn bản ngăn chặn, thông tin giải tỏa ngăn chặn, Sở Tư pháp chỉ cập nhật các thông tin ngăn chặn từ các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ quy định của pháp luật.

CSDLCCCT được triển khai trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/12/2018. Qua cơ sở dữ liệu này, công chứng viên, người thực hiện chứng thực dễ dàng truy cập, trích xuất thông tin về nguồn gốc, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn, để xem xét trước khi quyết định công chứng, chứng thực hoặc từ chối công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch. Các thông tin ngăn chặn kịp thời khắc phục việc một tài sản được giao dịch nhiều lần tại các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thực hiện chứng thực hoặc tài sản đem giao dịch đã được các cơ quan có thẩm quyền tạm dừng giao dịch phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Qua đó, đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch. Hiện toàn tỉnh có 6 tổ chức hành nghề công chứng và 11 công chứng viên. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Tư pháp đã cập nhật trên 50 thông tin ngăn chặn và giải tỏa ngăn chặn lên CSDLCCCT.

Công chứng viên (bên trái), Phòng Công chứng số 1, Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ công chứng của người dân

Theo quy định tại quy chế quản lý, khai thác, sử dụng CSDLCCCT trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 23/2021/QĐ-UBND ngày 9/9/2021, thông tin ngăn chặn là thông tin bằng văn bản do các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật ban hành yêu cầu không thực hiện hoặc tạm dừng thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch đối với tài sản của cá nhân, tổ chức. Thông tin giải tỏa ngăn chặn là thông tin được thể hiện bằng văn bản do chính cơ quan đã có yêu cầu ngăn chặn trước đây phát hành văn bản hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đó. Các thông tin này do các cơ quan như: tòa án Nhân dân các cấp, tòa án quân sự các cấp; viện kiểm sát Nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự các cấp; cơ quan điều tra, công an các cấp cung cấp… Các thông tin về ngăn chặn, giải tỏa ngăn chặn, kê biên tài sản, chấm dứt kê biên tài sản, quyết định thu hồi hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Quy định là vậy, nhưng nhiều người dân chưa hiểu rõ cơ quan có thẩm quyền mới được yêu cầu tạm dừng giao dịch đối với tài sản, vì vây, dẫn đến tình trạng người dân gửi đơn đề nghị Sở Tư pháp chỉ đạo dừng công chứng, chứng thực các hợp đồng, giao dịch khi chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Đơn cử từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Tư pháp đã nhận được 11 đơn đề nghị về nội dung như trên. Ông Hoàng Văn Hoàn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Khi có đơn đề nghị của người dân, chúng tôi đều tiếp nhận làm đúng theo quy trình, thủ tục và giao phòng chuyên môn xem xét, tham mưu giải quyết. Do các yêu cầu của người dân chỉ là tranh chấp phát sinh từ các cá nhân với nhau hoặc chỉ được cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc, nhưng chưa có văn bản yêu cầu ngăn chặn, nên việc yêu cầu tạm dừng công chứng, chứng thực các tài sản đó là chưa đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng tăng cường tuyên truyền cho người dân đến công chứng, chứng thực tài sản hiểu về quy định này.

Tại các phòng công chứng cũng nhận được đơn đề nghị của người dân. Bà Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng Phòng phụ trách Phòng Công chứng số 1, Sở Tư pháp cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, phòng nhận được 9 đơn đề nghị của các cá nhân đề nghị ngừng giao dịch đối với tài sản của người khác. Tuy nhiên, khi thực hiện công chứng hợp đồng, chúng tôi chỉ sử dụng các thông tin ngăn chặn được đăng tải trên CSDLCCCT và những văn bản do các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật yêu cầu không thực hiện công chứng hợp đồng giao dịch đối với tài sản của các cá nhân, tổ chức (nếu có), những đơn thư của các cá nhân chỉ là một kênh để tham khảo thông tin chứ không phải là cơ sở pháp lý để các công chứng viên từ chối thực hiện việc công chứng liên quan đến tài sản đó. Đồng thời, các công chứng viên trong quá trình giải quyết các việc công chứng, chứng thực đã nhiệt tình giải thích, tuyên truyền khi có người dân đến thắc mắc, hay đề nghị dừng công chứng, chứng thực tài sản của người khác.

Không riêng Phòng Công chứng số 1, tại các tổ chức hành nghề công chứng cũng nhận được đơn đề nghị của người dân. Trong quá trình thực hiện công chứng, chứng thực, các tổ chức hành nghề công chứng cũng chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền để người dân hiểu rõ quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn về công chứng, chứng thực, đặc biệt các quy định về cung cấp thông tin ngăn chặn và thông tin giải tỏa ngăn chặn trên CSDLCCCT để người dân nâng cao hiểu biết, hạn chế đơn đề nghị yêu cầu không đúng quy định.

DƯƠNG DUYÊN

MAI TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phap-luat/504977-cung-cap-thong-tin-ngan-chan-va-giai-toa-ngan-chan-trong-co-so-du-lieu-cong-chung-chung-thuc-can-hieu-dung-ve-quy-dinh.html