Cùng chung tay phòng, chống HIV/AIDS

Những năm qua, cả nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, với việc giảm số người nhiễm mới HIV hàng năm, giảm số người chuyển sang AIDS, giảm số người tử vong, góp phần cùng cả nước hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” Từ Quốc Tuấn cho biết, dịch HIV/AIDS tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn xã hội và tương lai của giống nòi dân tộc. Tính đến ngày 30-9-2019, trên địa bàn tỉnh có tổng số các trường hợp nhiễm HIV/AIDS/tử vong/tích lũy từ năm 1993 được phát hiện trong toàn tỉnh là 11.227 người nhiễm HIV. Trong đó có 8.660 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 5.454 trường hợp tử vong.

Hiện tại, có khoảng 5.773 người nhiễm HIV còn sống trên địa bàn tỉnh, trong đó có 4.771 người đang được điều trị tại các phòng khám ngoại trú trong tỉnh. Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh được duy trì triển khai với sự vào cuộc, hưởng ứng của các cấp, ngành, địa phương, đạt nhiều kết quả tích cực. Việc thực hiện đồng bộ các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV/AIDS cho những người có nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa. Công tác giám sát và can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV/AIDS được mở rộng, chương trình chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây nhiễm. Song song đó, nỗ lực mở rộng độ bao phủ nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế dự phòng, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân. Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt câu lạc bộ, hội thảo với những người nhiễm HIV/AIDS; tuyên truyền các biện pháp phòng lây nhiễm HIV/AIDS, phòng lây truyền từ mẹ sang con. Truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, lợi ích của xét nghiệm, điều trị sớm.

Mít-tinh kêu gọi cộng đồng và xã hội cùng chung tay phòng chống HIV/AIDS

Thông qua đó, nhiều bệnh nhân đã nâng cao nhận thức, chủ động phối hợp trong điều trị bệnh. Điển hình như chị Trần Thị M.T (TP. Long Xuyên) chẳng may bị nhiễm HIV cách đây nhiều năm, nhưng do chị phát hiện HIV sớm, tham gia sinh hoạt “Câu lạc bộ Niềm tin” nên có điều kiện tiếp cận những người bị lây nhiễm HIV để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sống. Bên cạnh đó, được các bác sĩ hướng dẫn biết cách phòng lây bệnh, cách chăm sóc bản thân, tuân thủ điều trị, phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội… và được điều trị thuốc ARV miễn phí nên hiện nay sức khỏe chị vẫn bình thường và không bị nhiễm cho chồng, con. Hiện nay, chị M.T đang là một tuyên truyền viên giúp đỡ, hướng dẫn những người bị lây nhiễm HIV và gia đình họ cách phòng lây bệnh, giảm mặc cảm, tự tin trong cuộc sống đời thường. “Tôi mong rằng, những ai có nguy cơ lây nhiễm HIV nên nhanh chóng xét nghiệm để điều trị sớm. Chẳng may nhiễm HIV cũng không nên mặc cảm, tự ti mà hãy tự tin hòa nhập vào cộng đồng, cố gắng phấn đấu trở thành người có ích cho gia đình và xã hội” - chị M.T chia sẻ.

Để hướng tới mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) và cuối cùng là kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Bên cạnh nỗ lực của những người bị nhiễm HIV/AIDS, rất cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng và xã hội. Em Phạm Kim Phúc (học sinh Trường THPT Long Xuyên) chia sẻ: “HIV/AIDS là đại dịch của cả thế giới. Vì vậy, mỗi thanh niên, học sinh chúng em cần phải tìm hiểu, trang bị và tuyên truyền những kiến thức về tác hại và cách phòng tránh HIV/AIDS, nhằm ngăn chặn sự lây lan của nó.

Chúng ta nên cùng nhau xé tan tấm lưới vô hình đang vây lấy những người bị nhiễm HIV/AIDS bằng tấm lòng tương thân, tương ái, hãy mở rộng trái tim đồng cảm, không kỳ thị, phân biệt đối xử, bớt đi một ánh mắt vô cảm là giúp cho những người nhiễm HIV/AIDS không còn lo sợ, bớt đi một cái nhìn thờ ơ là tiếp thêm sức mạnh cho họ chống lại bệnh tật, một cái bắt tay thân thiện sẽ cho họ những nụ cười để vững tin hơn vào cuộc sống”.

TRỌNG TÍN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/cung-chung-tay-phong-chong-hiv-aids-a260704.html