Cúng cô hồn vào ngày nào? Vì sao phải cúng cô hồn trước rằm tháng 7?

Cúng cô hồn là lễ cúng cho những vong hồn cô đơn, không nơi nương tựa, không được ai thờ cúng. Nên cúng cô hồn từ mùng 2-14/7 âm lịch và phải cúng trước rằm tháng 7, tuyệt đối không cúng đúng rằm tháng 7.

Cúng cô hồn vào ngày nào?

(Ảnh: nvt.khuong)

(Ảnh: nvt.khuong)

Cúng cô hồn còn có tên gọi khác là lễ cúng "xá tội vong nhân", là lễ cúng những vong linh bơ vơ không gia đình, rơi vào rằm tháng 7 âm lịch, trùng với Tết Trung Nguyên hay lễ Vu Lan.

Theo truyền thống tín ngưỡng dân gian, người Việt tin rằng con người có hai phần gồm hồn và xác. Khi qua đời, hồn lìa khỏi xác, thân xác được chôn cất hoặc hỏa táng và dần dần phân hủy. Nhưng phần hồn vẫn còn tiếp tục tồn tại. Phần hồn đó có thể về trời, lên cõi khác tốt đẹp hơn hoặc đầu thai làm người hoặc vật, cũng có thể bị đày xuống địa ngục. Những nơi chốn mà phần hồn phải/ được đi theo phụ thuộc vào những việc làm tốt hay xấu mà người đó làm khi còn ở dương thế. Ngoài ra, dân gian cũng tin rằng có những vong hồn vì lý do nào đó mà không thể đi về cõi thuộc về, cứ mãi vương vấn trần thế, phải cô đơn lang thang và chịu đói, quấy rối người sống.

Bởi thế mới có lễ cúng cô hồn, cúng thí thực (tặng thức ăn), mang ý nghĩa nhân đạo, để "cứu giúp" những vong hồn khốn khổ, bơ vơ, không được ai thờ cúng. Dịp cúng cô hồn lớn nhất trong năm là dịp rằm tháng 7, trùng với lễ Vu Lan báo hiếu.

Cũng theo truyền thuyết dân gian, từ mùng 2/7 Âm lịch, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan để ma quỷ trở lại cõi trần và đến rằm thì tất cả phải trở về, cửa địa ngục đóng lại. Theo thông lệ, các gia đình thường cúng cô hồn từ ngày mùng 2 đến hết ngày 14/7 âm lịch. Lễ cúng rằm tháng 7, lễ cúng Vu Lan cũng được tiến hành từ mùng 1-14/7 âm lịch. Có một lưu ý là lễ cúng cô hồn phải được thực hiện sau khi hoàn tất lễ cúng rằm, cúng Phật, cúng gia tiên.

Năm 2019, cúng cô hồn vào ngày nào đẹp nhất? Theo như lịch vạn niên, từ mùng 1-14/7 âm lịch có các ngày hoàng đạo sau: mùng 7, mùng 8, ngày 12, ngày 14. Các gia đình có thể cúng cô hồn vào những ngày đó. Tuy nhiên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Vì theo quan điểm của Phật giáo, điều quan trọng nhất khi chuẩn bị lễ cúng là sự thành tâm và trang nghiêm. Tùy từng điều kiện gia đình, có thể chọn ngày cúng cô hồn năm 2019 vào các ngày từ 2-14/7 âm lịch.

(Ảnh: khunglongcon90)

Vì sao phải cúng cô hồn trước rằm tháng 7?

Mặc dù lễ cúng cô hồn rơi vào đúng rằm tháng 7 âm lịch, nhưng theo tín ngưỡng dân gian, lại không cúng cô hồn vào đúng ngày này, mà phải cúng trước rằm tháng 7. Như đã nói ở trên, tục cúng cô hồn xuất phát từ niềm tin con người có phần hồn và phần xác. Hàng năm, từ mùng 2/7 âm lịch, Diêm Vương sẽ ra lệnh mở cửa ngục, để ma quỷ được lên trần thế. Cho tới ngày Rằm tháng 7, tất cả linh hồn âm gian sẽ phải trở về, cửa địa ngục vì thế cũng đóng lại.

Vì thế phải cúng cô hồn trước rằm tháng 7 để các cô hồn được hưởng những vật phẩm cúng lễ, từ đó đỡ tủi thân tủi phận.

Mâm cúng cô hồn gồm những gì?

Mâm cúng cô hồn mang ý nghĩa làm phúc, sẽ gồm những lễ vật sau:

- Hương, hoa, đèn

- Gạo, muối, nước lã

- Bánh đa, bỏng, ngô rang, ngô luộc, khoai lang luộc, trứng luộc

- Kẹo bánh

- Xôi chè

- Cháo hoa

- Vàng mã, tiền giấy, quần áo chúng sinh

Ngoài ra ở một số vùng miền, mâm cúng cô hồn có thêm một số món mặn. Nếu không có điều kiện chuẩn bị mâm cúng cô hồn đủ đầy như trên, sau khi hoàn thành lễ cúng Phật và gia tiên, các gia đình có thể lấy chút gạo và muối trộn cùng nhau, sau đó ra ngoài cửa và rắc 4 phương 8 hướng, như một nghi thức bố thí, làm phúc cho chúng sinh.

Hải Vân

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/cung-co-hon-vao-ngay-nao-vi-sao-phai-cung-co-hon-truoc-ram-thang-7-84093.html