Củng cố ổn định chiến lược toàn cầu

Ngay trong cuộc điện đàm đầu tiên, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn và người đồng cấp Nga V.Pu-tin đã có sự đồng thuận cao về việc duy trì Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới, còn gọi là START mới. Quyết định này được dư luận hoan nghênh là bước tiến lớn trong nỗ lực củng cố an ninh và ổn định chiến lược toàn cầu. Đồng thời, tạo khởi đầu mới cho hợp tác Mỹ - Nga trong nhiều lĩnh vực.

Ngay trong cuộc điện đàm đầu tiên, Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn và người đồng cấp Nga V.Pu-tin đã có sự đồng thuận cao về việc duy trì Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới, còn gọi là START mới. Quyết định này được dư luận hoan nghênh là bước tiến lớn trong nỗ lực củng cố an ninh và ổn định chiến lược toàn cầu. Đồng thời, tạo khởi đầu mới cho hợp tác Mỹ - Nga trong nhiều lĩnh vực.

Được đưa vào thực thi từ năm 2011, START mới là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý về kiểm soát vũ khí chiến lược giữa Nga và Mỹ, trong đó quy định nổi bật là giới hạn kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước ở mức 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, 1.550 đầu đạn hạt nhân và 800 bệ phóng. Không chỉ là những con số, văn kiện này còn quy định cụ thể về tính minh bạch và kiểm soát lẫn nhau, với điều khoản các bên đều phải thông báo về kế hoạch sản xuất, triển khai hoặc di chuyển tên lửa, đầu đạn hay máy bay ném bom, đồng thời có quyền yêu cầu kiểm tra các địa điểm triển khai vũ khí của nhau, ngoài thông tin tình báo thu thập từ vệ tinh do thám hoặc hoạt động giám sát khác.

Với các quy định cụ thể về số lượng và chi tiết kỹ thuật như vậy, START mới thật sự là công cụ hữu hiệu giúp Mỹ và Nga kiểm soát kho vũ khí chiến lược của nhau. Với thế giới, START mới là văn kiện pháp lý giữa Mỹ và Nga, song cũng được đánh giá là "hòn đá tảng" giúp duy trì ổn định chiến lược toàn cầu. Việc duy trì thực thi hiệp ước này càng trở nên cấp bách hơn, sau khi một loạt thỏa thuận an ninh quốc tế bị xóa bỏ, xuất phát từ hành động đơn phương rút đi của Mỹ, như Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hay Hiệp ước bầu trời mở (OST), khiến START mới trở thành thỏa thuận duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí chiến lược toàn cầu.

Trong bối cảnh ấy, việc Mỹ và Nga đạt đồng thuận gia hạn START mới ngay trước khi hiệp ước hết hiệu lực (ngày 5-2 tới), nhất trí kéo dài thực thi văn kiện này thêm 5 năm (đến ngày 5-2-2026), mà không kèm điều kiện tiên quyết hay bổ sung điều khoản mới nào, thật sự là bước tiến lớn. Ngay sau khi lãnh đạo hai nước đạt thỏa thuận, cả hai viện Quốc hội là Đu-ma quốc gia và Hội đồng liên bang Nga đã thông qua dự luật gia hạn START mới, mở đường để hiệp ước tiếp tục được thực thi.

Theo Quốc hội Nga, việc gia hạn hiệp ước đáp ứng lợi ích quốc gia của Nga, cho phép duy trì tính minh bạch và khả năng dự đoán về kho vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ, cũng như góp phần duy trì an ninh và ổn định trên thế giới. Qua đó, một lần nữa khẳng định cam kết của Nga đối với các nghĩa vụ quốc tế liên quan không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân.

Với nước Mỹ, tân Tổng thống G.Bai-đơn vừa nhậm chức trong bối cảnh đất nước chia rẽ và bất ổn, vì thế nhiệm vụ ưu tiên của chính quyền mới là khôi phục ổn định, tháo gỡ bất đồng để xử lý các thách thức. Những ý kiến ở Mỹ phản đối START mới cho rằng, hiệp ước này đã lỗi thời, không cập nhật thực trạng về các loại vũ khí mới, của cả Mỹ và Nga, cũng như không phản ánh sức mạnh hạt nhân hiện tại của các nước khác. Chính quyền tiền nhiệm của ông Bai-đơn từng đòi hỏi đàm phán lại, kéo thêm các "cường quốc hạt nhân" tham gia. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực ngoại giao, trong khi START mới đến rất gần ngày hết hiệu lực. Bởi thế, quyết định của Tổng thống G.Bai-đơn duy trì START mới với Nga được xem là bước đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay, ít nhất tránh đẩy nước Mỹ tới rủi ro khó lường trong vấn đề hạt nhân. Đồng thời, mở ra cơ hội đối thoại tháo gỡ bất đồng, cải thiện quan hệ hai nước.

Dư luận thế giới hoan nghênh bước tiến quan trọng của Nga và Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, thỏa thuận gia hạn START mới giữa hai cường quốc hiện nắm giữ tới 90% số vũ khí hạt nhân của thế giới sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định quốc tế. Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh, trong thời điểm then chốt của tiến trình giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí toàn cầu, hiệp ước giữa Mỹ và Nga được gia hạn sẽ tiếp tục giúp củng cố an ninh ở châu Âu.

Thỏa thuận duy trì START mới còn được kỳ vọng khởi đầu tiến trình đối thoại mới giữa Nga và Mỹ về cắt giảm vũ khí, tiến tới giải giáp hạt nhân. Đồng thời, thúc đẩy đối thoại đa phương và hình thành cơ chế mới, rộng lớn hơn trong nỗ lực kiểm soát vũ khí và củng cố ổn định chiến lược toàn cầu.

NINH SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/cung-co-on-dinh-chien-luoc-toan-cau-633327/