Củng cố sân sau

Ngày 17-1, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã đến Fiji, chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Trước đó ngày 16-1, ông đã đến Vanuatu và trở thành nguyên thủ Australia đầu tiên sau ba thập niên công du đến đảo quốc này.

Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: CNN

Phát biểu với truyền thông trước chuyến công du, ông Morisson tuyên bố: “Hoạt động này là một phần trong kế hoạch tái tập trung những nỗ lực quốc tế vào khu vực sân sau của chúng tôi, đảm bảo chúng tôi có được khác biệt lớn nhất có thể”.

Động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố xóa các khoản nợ quá hạn hàng triệu USD từ năm 2004 và còn đề xuất các gói hỗ trợ tài chính mới cho đảo quốc Vanuatu. Việc Trung Quốc, kể từ năm 2011 đến nay, bỏ ra hơn 1,3 tỷ USD cho vay ưu đãi và viện trợ để trở thành nhà tài trợ lớn thứ 2 tại Thái Bình Dương, chỉ sau Australia, cho thấy tham vọng mở rộng ảnh hưởng không ngừng của cường quốc này tại Thái Bình Dương. Sự nhiệt tình và hào phóng này khiến phương Tây lo ngại các đảo quốc khu vực sớm muộn đều thành “con nợ” của Bắc Kinh.

Hồi tháng 11-2018, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã đề xuất cung cấp hơn 2 tỷ USD dưới hình thức viện trợ lẫn khoản vay ưu đãi để xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cụ thể là dự án viễn thông, năng lượng, giao thông, cấp nước… cho các quốc gia Thái Bình Dương. Australia trước đó cũng đã chi nhiều triệu USD để xây dựng các tuyến cáp Internet dưới biển đến Papua New Guinea (PNG) và Solomon Islands, trong bối cảnh lo ngại liên quan đến tập đoàn Huawei của Trung Quốc.

Theo Nikkei Asian Review ngày 17-1, chuyến công du này được xem là một phần trong nỗ lực của Canberra nhằm tạo đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại các đảo quốc có dân số thưa thớt trên Thái Bình Dương - những nước kiểm soát vùng biển rộng lớn giàu tài nguyên. Ngoài các khoản đề xuất viện trợ cho cơ sở hạ tầng, hãng tin Reuters ngày 16-1 cho biết, Thủ tướng Morrison tuyên bố sẽ dỡ bỏ những hạn chế để cho phép nhập khẩu kava, một loại thức uống truyền thống gây say nhẹ của các quốc gia vùng Nam Thái Bình Dương, là sản phẩm xuất khẩu chính của Vanuatu. Sản phẩm này bị hạn chế xuất khẩu vào Australia năm 2007 vì xuất hiện một số lo ngại rằng các cộng đồng bản địa đã lạm dụng thức uống này. Theo ông Jonathan Pryke, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Lowy có trụ sở tại Sydney, kava có ý nghĩa văn hóa rất lớn vì nó gắn liền với nhiều nghi lễ ở các đảo quốc Thái Bình Dương. Do vậy, việc cho phép nhập khẩu sản phẩm này chắc chắn sẽ được khu vực hoan nghênh - cũng là một cách “lấy lòng” khu vực của Canberra trong cuộc tranh giành với Bắc Kinh.

Ngoài ra, Australia sẽ tăng cường quan hệ quốc phòng - an ninh thông qua nhiều cuộc tập trận và huấn luyện chung mới. Theo Reuters, Australia lo ngại cảng biển có thể được dùng để đón tàu quân sự tại các vùng biển có ý nghĩa chiến lược. Australia cũng sẽ mở rộng sự hiện diện ngoại giao ở Thái Bình Dương, cử thêm nhân sự tới Palau, Marshall Islands, French Polynesia, Niue và Cook Islands. Có thể thấy Australia đang phản ứng với những gì Trung Quốc làm và cũng cần có thêm công cụ để tăng ảnh hưởng ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, không chỉ Australia, những thế lực truyền thống khác như New Zealand, Mỹ cũng đang theo dõi chặt chẽ và đã tìm cách đối phó Bắc Kinh.

HẠNH CHI

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cung-co-san-sau-571453.html