Cùng con góp phần bảo vệ môi trường

TGTTO Những vỏ hộp sữa 've chai không thèm mua' nay đã có thể tái chế thành những tấm lợp sinh thái rất bền nhẹ. Hãy cùng con trải nghiệm công việc góp phần bảo vệ môi trường sống cho thế hệ mai sau

Hành trình giải cứu “rác chết”

Có thể gọi nôm na “rác sống” là những loại rác thải được thu gom để tái chế như vỏ lon bia, chai lọ thủy tinh, nhôm nhưạv.v… Còn “rác chết” là những vật “ve chai không thèm mua”, buộc phải chôn lấp hoặc đốt đi để tiêu hủy. Theo đó, hàng triệu vỏ hộp sữa giấy mỗi ngày thải ra môi trường từ lâu đã bị “nghi oan” là “rác chết”.

Trên thực tế, vỏ hộp sữa giấy, bên trong có tráng nhôm là một loại vật liệu tái chế rất có giá trị. Phần giấy của vỏ hộp sữa có thể tái chế thành bột giấy để sản xuất giấy in, bìa carton… Phần tráng nhôm và nhựa là nguyên liệu để làm ra tấm lợp sinh thái. Loại tấm lợp này đang thu hút rất nhiều khách hàng vì độ bền nhẹ và “sứ mệnh” bảo vệ môi trường của nó. Vấn đề đặt ra là làm sao để có thể thu gom và tái chế loại tài nguyên quý này?

Hãy cùng trẻ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhặt nhất

Cùng một suy nghĩ đó, chị Châu Ngọc Cẩm Vân (ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) đã thành lập nên nhóm hoạt động xã hội mang tên “NHC – Hành trình giải cứu rác chết”. Mục đích của nhóm là tuyên truyền, hướng dẫn cách bảo quản vỏ hộp sữa, đồng thời là cầu nối thu gom số lượng vỏ hộp sữa khổng lồ mà hằng ngày người dân vẫn thuận tay ném vào sọt rác.

Là một người gắn bó với công việc giáo dục về vấn đề bảo vệ môi trường trong học đường, ý tưởng thu gom vỏ hộp sữa đã hình thành trong đầu chị Cẩm Vân từ rất lâu nhưng đến giờ mới được lan truyền mạnh mẽ vì rất nhiều lý do. Chị Cẩm Vân chia sẻ: “Vỏ hộp sữa muốn tái chế thì phải gom thành số lượng lớn mới vận chuyển đi. Trong khi đó, sữa tồn đọng trong vỏ hộp sẽ bị lên men và bốc mùi rất khó chịu”.

Chị Cẩm Vân hướng dẫn trẻ mầm non cách lưu trữ vỏ hộp sữa

Ban đầu, chị Vân cũng có tham khảo cách làm của người Nhật là cắt ra, sau đó rửa sạch. Nhưng như vậy lại khiến khâu thu gom thêm một công đoạn rất mất sức khiến quá trình vận động người dân thêm khó khăn. Không bỏ cuộc, những người tâm huyết bắt đầu nghĩ ra cách dùng miếng dán bịt kín lỗ cắm ống hút để ngăn chặn mùi hôi, cùng với ruồi, kiến. Cách này cuối cùng đã thành công, và được gọi là “miếng dán sinh thái”.

Biến “bảo vệ môi trường” thành trò chơi thú vị

Từ khi có miếng dán sinh thái, việc bảo quản vỏ hộp sữa dễ dàng hơn, nhóm “NHC – Hành trình giải cứu rác chết” cũng mạnh dạn mở rộng mạng lưới thu gom. Chị Vân cho biết, hàng trăm ngàn vỏ hộp sữa đã được chuyển đến một nhà máy ở Bình Dương để tái chế. Số tiền thu được sẽ dùng để chi trả cho việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển… Quan trọng hơn hết, là chị Cẩm Vân cùng những bạn trẻ đầy nhiệt huyết đã góp phần “giải cứu” hàng trăm ngàn vỏ hộp sữa mà từ trước đến nay bãi rác phải “gánh chịu”.

Cách bảo quản vỏ hộp sữa sau khi uống xong

Và để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của trẻ, rất nhiều gia đình tại TP.HCM đã biến việc thu gom, bảo quản vỏ hộp sữa thành những trò chơi thú vị. Như gia đình của chị Anh Đào (ngụ Gò Vấp, TP.HCM). Chị Đào cho biết: “Hai vợ chồng mình cùng với hai con trai mỗi ngày thải ra khoảng 8 – 10 vỏ hộp sữa. Nếu tính cả tháng thì con số vỏ hộp thải ra rất lớn. Từ khi biết đến các điểm thu gom, mình và con đã đặt ra trò chơi, xem ai gom được nhiều hộp sữa hơn. Kể từ đó hai cu cậu thường ngày rất ghét uống sữa, nhưng giờ lại rất siêng năng, ngày 3 hộp đều đặn”.

Chị Đào còn chia sẻ, không những siêng uống sữa, hai cậu con trai còn trở nên cẩn thận và ngăn nắp hơn khi được mẹ hướng dẫn cách bảo quản, xếp vỏ hộp sữa vào thùng.

Vỏ hộp sữa có thể tái chế thành bìa carton, tấm lợp sinh thái

Chị Hồng Ngọc, ngụ Củ Chi, không giấu được tự hào khi kể về hành trình “bảo vệ môi trường của cô con gái nhỏ mới 4 tuổi của mình: “Ban đầu cháu chỉ bảo quản vỏ hộp sữa của mình uống thôi. Sau đó cháu đến lớp, thấy bạn uống sữa rồi bỏ trong giỏ rác, cháu liền xin và đem về nhà để lưu giữ, còn nói với các bạn làm vậy là để bảo vệ môi trường”.

Chính những hành động rất nhỏ của người lớn, sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến ý thức của con trẻ sau này. Và để bé lớn lên có một tâm hồn biết yêu thương, bảo vệ môi trường, cùng ý thức cộng đồng cao, phụ huynh hãy bắt đầu bằng việc đơn giản nhất là cùng con thu gom vỏ hộp sữa sau khi uống mỗi ngày.

Để biết thêm chi tiết về cách thức nhận miếng dán sinh thái, các điểm thu gom, phụ huynh vui lòng liên hệ trang Facebook “NHC – Hành trình giải cứu rác chết”.

PHONG LINH

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/cung-con-gop-phan-bao-ve-moi-truong-18174.html