'Cung đấu' không chỉ là những màn tranh đấu của phi tần nơi cung cấm

'Cung đấu' - khái niệm mà người ta đã quen dùng nó với nghĩa là phim đấu đá hậu cung nhưng quên rằng nghĩa ban đầu của nó còn dành cho những phim đấu đá của nam nhân như chính trị...

Cung đấu - hai chữ này trong thời đại hiện nay thường bị khán giả hiểu lầm rằng đây là thể loại nữ nhân trong hậu cung đấu đá tranh giành địa vị lẫn nhau, nhưng trên thực tế, cung đấu bao gồm cho mình cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Xét về nghĩa rộng, trong thời cổ đại vương triều phong kiến, Hoàng đế, phi tần, công chúa, hoàng tử, cung nữ, quan viên … tất cả đều vì mục đích, vì tranh giành quyền thế, sự phồn vinh của gia tộc, tình cảm nam nữ của mình mà phát triển dã tâm, từ đó bày ra mọi thủ đoạn, mưu kế. Còn xét về nghĩa hẹp nó chỉ đơn thuần là tranh đấu trong chốn hậu cung. (Không bao gồm tranh đấu trong vương phủ…).

Phim cung đấu có rất nhiều loại, dựa vào tình tiết phim có thể chia thành: Mưu hại, giao phong (giao chiến, đương đầu nhau)… Đồng thời lại dựa vào nhân vật mà chia thành: “Đế với phi” (tục xưng là Đế Phi), “Phi với Phi”, “Phi với Thái hậu”, “Thái hậu với Đế vương”… Và gồm nhiều loại như: Triều đấu, Hoàng tử đấu, Cung đấu… Với nhiều loại đề tài như thế này thì chủ yếu xem thử nhà đầu tư và tác giả biên kịch yêu thích thể loại nào mà tuyển chọn thể loại đó thôi.

Đối với phim truyền hình mà nói, “phim cung đấu” bối cảnh, nhân vật chủ yếu tập trung trong cung đình phong kiến vương triều. Ngoại trừ việc khai thác tuyến tình cảm của nhân vật nam nữ chính trong phim ra, nó còn bao gồm cả tranh đấu chính trị hoặc các sự kiện lịch sử của các nhân vật trọng đại.

Phim cung đấu hoặc có tên gọi khác là phim cung đình đấu, không phải là chuyện xuất hiện một, hai năm là ngừng. Phim cung đấu sẽ lấy “cung” làm tiền đề để phát triển bối cảnh, nhân vật. (trên cung điện hoặc trong cung đình).

Nếu như lấy cung đình làm câu chuyện để khắc họa lại hoàn cảnh xung quanh, như vậy cũng có thể gọi là phim cung đấu, phim cung đình… và cũng có thể đưa loại hình này vào trong các tác phẩm truyền hình, điện ảnh. Nhưng thực tại thì lại có quá nhiều. Cung đình có thể chia làm hai phần khác nhau “tiền”, “hậu”.

Phần “tiền” chính là xoay quanh về câu chuyện Hoàng đế và Triều đường

Chính vì cốt truyện chỉ xoay quanh về đề tài, câu chuyện Hoàng đế và Triều đường (triều đình) nên đối với những phim có loại hình này trước nay luôn bị khán giả cho rằng là phim quyền mưu trong lịch sử, hí thuyết diễn nghĩa.

Nam chính trong thể loại này không những là người trung thực thật thà mà còn có võ nghệ cao cường. Bởi vì nam chính trong bộ phim này không giống với các nữ nhân trong hậu cung suốt ngày chỉ biết kiếm chuyện sinh sự, cho nên họ không cần phải tìm một ngọn núi cao để làm điểm tựa, mà chỉ cần tìm trợ thủ trên triều là đủ rồi. Và những người này thường là đại thần có sức ảnh hưởng lớn trong triều, bản thân luôn có đất dụng võ.

“Hậu” chính là hoàng hậu, phi tần và hậu cung

Trong hoàn cảnh này đã xuất hiện ra một nghĩa hẹp của phim cung đấu, phim cung đình khi chỉ xoay quanh về đề tài hậu cung, phi tần làm sao để tranh sủng, thượng vị (thăng chức).

Hậu cung tranh đấu xoay quanh những câu chuyện, cuộc sống của nhiều giai lệ trong thâm cung nội viện. Cuộc sống của họ bị vây quanh bởi một người duy nhất đó chính là Hoàng đế. Phim cung đấu là thể loại phim kể về các nữ nhân vì để có được sự sủng ái của Hoàng thượng mà không ngừng đấu đá, tàn sát lẫn nhau. Và cốt lỗi của nó nằm trong chữ ”đấu”. Có thể nói, phim cung đấu là những vật tàn dư trong xã hội phong kiến của Trung Quốc thời bấy giờ.

Đối với những phim tập trung khắc họa về chốn hậu cung thì nữ nhân sẽ được đưa lên làm chính. Tại đây, nữ chính vì để có thể sống sót cũng như có thể giúp con đường sau này của mình thăng tiến sẽ tìm cho mình một ngọn núi cao trong hậu cung, và đặc biệt họ sẽ tìm Hoàng thượng làm điểm tựa để có được quyền lực mà mình muốn có nhất. Nhưng người xưa có câu ”gần vua như gần cọp” nên đôi khi họ sẽ đổi ”địa chỉ”, và người đó không ai khác chính là Thái hậu. Và đồng thời phải học cách tìm cho mình được ít nhất là một đồng minh để giúp bản thân hành sự sau này.

Chính vì có sự phân biệt như về nghĩa rộng và nghĩa hẹp như vậy, đồng thời các nhà đầu tư, biên kịch chỉ tập trung vào thể loại phim hậu cung đấu đá nhau nên dần dần đối với hai chữ 'cung đấu” khán giả đã quên đi nghĩa ban đầu của nó còn dành cho những phim đấu đá của nam nhân như chính trị nữa.

Bảo Duyên

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/cung-dau-khong-chi-la-nhung-man-tranh-dau-cua-phi-tan-noi-cung-cam-3604694.html