Cùng đồng bào Rục vượt qua gian khó

Đã gần 1 tháng trôi qua kể từ đợt mưa lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, đường vào 3 bản thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nhiều nơi vẫn còn ngập sâu. Những người lính Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình đã tìm mọi cách giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Trong hoạn nạn, khó khăn, những câu chuyện về tình quân dân nơi biên cương lại càng tỏa sáng phẩm chất cao đẹp của những người lính Biên phòng.

Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình trao gạo và nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Đức Trí

Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình trao gạo và nhu yếu phẩm hỗ trợ bà con bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Đức Trí

Nằm trong vùng trũng của dãy Trường Sơn nên mỗi khi có mưa lớn, kéo dài, các bản Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp và Ón, xã Thượng Hóa lại bị chia cắt bởi nước dâng cao. Có những thời điểm, người dân bị cô lập cả tháng trời, cuộc sống vô cùng vất vả vì thiếu thốn. Những lúc ấy, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng lại là chỗ dựa tin cậy cho chính quyền địa phương để triển khai các hoạt động hỗ trợ nhân dân.

Chúng tôi đến Thượng Hóa khi trời bắt đầu nắng ráo trở lại, nhưng nước vẫn chưa rút hết nên nhiều đoạn vẫn phải “tăng bo” bằng ca nô của BĐBP. Câu chuyện Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa, ông Đinh Thanh Văn cùng 2 cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng là Trung úy Hồ Mập, Trung úy Đinh Lâm Viên và một số dân bản Ón vượt lũ vào rừng tìm người dân bị lũ cô lập khi đi làm nương khiến ai nấy quên hết mỏi mệt trên quãng đường dài gập ghềnh.

Hơn 1 tháng trước, vợ chồng ông Cao Xuân Bằn và bà Cao Thị Pìu đi rẫy. Chuyện đi rẫy cả tháng đối với người dân là bình thường, nhưng vì trời mưa, nước dâng cao lại không thấy ông Bằn, bà Pìu về, sợ có chuyện không hay xảy ra nên mọi người quyết định đi tìm. Đoàn do ông Đinh Thanh Văn dẫn đầu mang theo mì tôm, lương khô để dùng trong những ngày tìm kiếm. Họ vạch từng mảng rừng, tìm từng góc hang trong thung lũng Quy Lúi này. Vừa bơi thuyền, mọi người hú từng hú dài để mong người cần tìm nghe thấy. Cuối cùng, mọi người phát hiện ông bà đang trú ở lán sâu trong góc rừng. Vì nước không rút nên 25 lon gạo mang theo đã hết sạch, ông bà phải ăn bắp chuối rừng, cây báng và bẫy lươn, cá. Đến khi sức đã yếu, tưởng phải chết trong rừng thì được mọi người đến cứu. Thế mới biết, cán bộ xã Thượng Hóa và BĐBP thương dân đến thế nào.

Nhưng không phải ai cũng gặp may mắn như vợ chồng ông Bằn, bà Pìu. Câu chuyện thương tâm của 4 chị em mồ côi ở bản Mò O Ồ Ồ trong mưa lũ khiến mọi người không khỏi xót xa. Ở đây, ai cũng biết hoàn cảnh của gia đình bé trai Hồ Xuân Sơn thuộc diện khó khăn nhất bản. 4 chị em Sơn mồ côi cha từ nhỏ. Mẹ của các em đã bỏ đi lấy chồng khác ở xa khiến 4 chị em phải ở với bà nội già yếu, rau cháo qua ngày. Nhưng vì cuộc sống quá túng thiếu, khó khăn, bà nội của các em đã nghĩ quẩn rồi tự vẫn 2 năm trước. 4 chị em lại thêm lần nữa bơ vơ. Dẫu vậy, được sự vận động, hỗ trợ của chính quyền, Đồn Biên phòng Cà Xèng và bà con dân bản, hằng ngày, các em được đến trường học chữ. Cứ thế, các em nương tựa nhau, cùng lớn lên trong tình yêu thương của bản làng và BĐBP.

Ngày 15-9 vừa qua, Sơn cùng anh trai đi tắm suối, bị nước cuốn trôi, nhưng anh trai Sơn sợ, không dám nói với ai. Đến chiều tối cùng ngày, các đoàn thể địa phương tổ chức Trung thu cho các cháu thiếu nhi trên địa bàn, qua kiểm đếm mới phát hiện thiếu cháu Sơn. Sau đó, lực lượng Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm cháu. Ngày 16-9, ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa đã trực tiếp vào bản thăm hỏi, trao hỗ trợ ban đầu và chỉ đạo công tác tìm kiếm cháu Sơn. Ngày 17-9, lực lượng tìm kiếm đã thấy được thi thể cháu Sơn. Chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng Cà Xèng cùng tổ chức đám tang cho cháu.

Không chỉ giúp đỡ người dân bằng nội lực của mình, khi mưa lũ xảy ra, Đồn Biên phòng Cà Xèng, khối cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã kêu gọi nhiều đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân cùng chung tay giúp bà con người Rục vượt qua thiên tai. Đến nay, đã có hàng chục đoàn từ thiện kết nối với Đồn Biên phòng Cà Xèng tặng quà trị giá hàng trăm triệu đồng. Những nhu yếu phẩm, dầu ăn, muối, mắm, mì tôm, quần áo, chăn, màn... được những người lính Biên phòng “tăng bo” bằng ca nô vượt lũ để mang đến cho bà con. Chứng kiến niềm vui của người dân khi nhận quà, chúng tôi càng thấm câu nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Lương thực, như yếu phẩm được gửi đến không chỉ giúp bà con vượt qua cơn khốn khó, mà còn giúp bà con cảm thấy ấm lòng vì được quan tâm, sẻ chia. Sự biết ơn ấy có thể nhận thấy rõ trong những đôi mắt của những người phụ nữ, đàn ông vốn lam lũ và cả trên khuôn mặt ngây thơ của những đứa trẻ.

Chủ tịch UBND xã Đinh Thanh Văn và Trung úy Hồ Mập, Trung úy Đinh Lâm Viên tìm thấy vợ chồng ông Bằn, bà Pìu trong rừng sâu. Ảnh: Đức Trí

Khi tôi hỏi, vì sao trong những túi quà của các mạnh thường quân lại không có nhiều gạo, Trung tá Hoàng Ngọc Thiên, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: Ở đây bà con chưa thiếu gạo, vậy nên chúng tôi tư vấn cho những đoàn từ thiện tặng bà con nhu yếu phẩm hằng ngày. Cuối tháng 8 vừa qua, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã tiến hành giúp bà con đồng bào Rục thu hoạch gần 10ha lúa nước vụ hè thu.

Đây là công trình lúa nước có quy mô lớn do Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình làm chủ đầu tư, nhằm giúp bà con đồng bào Rục các bản Mò O Ồ Ồ, Ón, Yên Hợp tự chủ về lương thực. Nhờ áp dụng kỹ thuật và giống lúa mới, năng suất đã tăng dần, năm nay sản lượng ngoài sức mong đợi với 4,5 tấn/ha. Bà con ai cũng phấn khởi vì thành quả lao động được đền đáp, nhà nào cũng thu được nhiều thóc. Sau khi thu thoạch, một phần thóc được xát thành gạo để phục vụ cuộc sống hàng ngày, một phần được đóng vào bao cất lên gác dự trữ.

Nhờ cánh đồng lúa nước Rục Làn, người Rục đã thôi cảnh đứt bữa và cũng chính nhờ vụ hè thu bội thu mà khi bị lũ chia cắt dài ngày, nhưng 2 tấn gạo do huyện Minh Hóa hỗ trợ để cứu đói cho bà con đã được chuyển vào đồn Biên phòng vẫn chưa phải dùng đến. Đến lúc này, thì người “bảo thủ” nhất với việc “bao đời nay, người Rục vẫn trồng lúa nương” cũng phải công nhận sự cần thiết cánh đồng Rục Làn của BĐBP.

Tôi tin rằng, mùa vụ sau, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng sẽ “nhàn” hơn mùa vụ trước, bởi người dân đã thấy rõ được hiệu quả, sự cần thiết của lúa nước rồi.

Hà Trí

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cung-dong-bao-ruc-vuot-qua-gian-kho/