VPBankS tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng, dư nợ vay margin tăng thêm hơn 2.500 tỷ đồng

Sau khi được tăng vốn từ ngân hàng mẹ, hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) có nhiều thay đổi. Dư nợ cho vay margin đạt 7.167 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.500 tỷ đồng so với cuối quý 3.

VPBankS là một cái tên có thể nói vừa mới lại vừa cũ trên thị trường chứng khoán, bởi tiền thân vốn là CTCP Chứng khoán Châu Á, được thành lập từ 2009. Đến năm 2015, công ty lần đầu đổi tên thành Chứng khoán ASC, và đến đầu năm 2022 được đổi tên thành VPBankS.

VPS tăng trưởng vượt bậc

Được biết, công ty chứng khoán ASC xuất hiện trên thị trường khá sớm, chỉ là một công ty nhỏ với vốn điều lệ 56 tỷ đồng, hoạt động không mấy hiệu quả, lỗ lũy kế đến quý tháng 3/2021 là 20 tỷ đồng.

Chứng khoán VPBankS và VPS đều được hưởng "bầu sữa mẹ" VPBank.

Công ty chấm dứt giao dịch trên sàn HOSE vào năm 2016 và từ năm 2017 đến nay chỉ thực hiện tư vấn đầu tư chứng khoán và tư vấn tài chính doanh nghiệp, không còn hoạt động nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Từ sau khi xuất hiện cổ đông mới và tiến hành ĐHĐCĐ bất thường, tháng 10/2021, công ty chứng khoán này đã đăng ký bổ sung các nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán và lưu ký chứng khoán.

Kể từ khi đổi chủ, được đổi tên thì VPBankS liên tục được tăng vốn lên 269 tỷ đồng vào tháng 2/2022, rồi tiếp tục tăng đột biến lên 8.920 tỷ đồng và nhanh chóng hoàn tất việc tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Con số này đưa VPBankS trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường thời điểm đó.

Sau khi nhận vốn khủng từ ngân hàng mẹ, tình hình kinh doanh của VPBankS đã có nhiều thay đổi. Quý 4/2023, công ty chứng khoán này ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 532,55 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ gần 4% so với cùng kỳ, đạt 190 tỷ đồng.

Trong đó, mảng tự doanh đóng góp hơn 50% doanh thu hoạt động và trừ đi các khoản lỗ tự doanh, VPBankS có lãi hơn 220 tỷ đồng. Công ty hiện duy trì danh mục tự doanh với giá trị hơn 12.800 tỷ đồng, trong đó hơn 9.700 tỷ đồng là các khoản trái phiếu. Doanh thu hoạt động môi giới đã đạt 50,2 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Còn lãi từ cho vay và phải thu cũng tăng hơn 60% so với cùng kỳ, đạt 173,7 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2023, VPBankS đạt doanh thu hoạt động 1.936 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.004 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cả năm 2022. Thời điểm 31/12/2023, dư nợ cho vay margin của VPBankS đạt 7.167 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.500 tỷ đồng so với cuối quý 3.

Thay đổi lãnh đạo cao cấp

Vào cuối năm 2023, ông Ngô Phương Chí, Chủ tịch HĐQT của VPBankS đã có đơn từ chức tới ĐHĐCĐ của Công ty với lý do cá nhân. Hiện ông Nguyễn Duy Linh đang giữ chức Chủ tịch HĐQT của VPBankS. Trước đó, ông Nguyễn Duy Linh vừa được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc VPBankS vào cuối tháng 4/2023, thay cho ông Nguyễn Hà Quỳnh.

Được biết, ông Nguyễn Duy Linh sinh năm 1982, tốt nghiệp bằng Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Solvay Brussels School và có nhiều năm kinh nghiệm trên thị trường tài chính Việt Nam. Ông Linh đã có gần 15 năm kinh nghiệm trong ngành chứng khoán với chuyên môn về quản lý hoạt động môi giới chứng khoán.

Ông Linh đã từng công tác tại nhiều vị trí cấp cao ở các công ty chứng khoán hàng đầu như: Giám đốc Khối Môi giới Khách hàng Cá nhân - CTCP Chứng khoán SSI năm 2013-2020, Giám đốc Chiến lược - Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam và Phó Tổng Giám đốc - CTCP Chứng khoán VnDirect.

Còn "cựu" Chủ tịch VPBankS là ông Ngô Phương Chí (sinh năm 1970) có trình độ Thạc sỹ Thương mại và quản lý chuyên ngành thị trường tài chính, nguyên quán Hà Nội. Ông trúng cử vào HĐQT VPBankS nhiệm kỳ 2022-2027 và được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Công ty từ ngày 20/09/2022, thay cho ông Phạm Phú Khôi.

Trước khi làm Chủ tịch HĐQT VPBankS, ông Ngô Phương Chí từng nắm giữ vị trí Trưởng Ban Kiểm soát tại ngân hàng mẹ. Ngoài ra, ông còn có kinh nghiệm đầu tư vào một số công ty Start-up về công nghệ và chuyển đổi số như Gotadi.vn, Dpoint Loyalty...

Trước khi thâu tóm công ty Chứng khoán ASC, ngân hàng mẹ cũng từng là cổ đông lớn nhất của Công ty chứng khoán VPS. Tuy nhiên, năm 2016, doanh nghiệp đã thoái phần vốn khỏi đơn vị này, không còn tham gia mảng chứng khoán. Việc quay trở lại thị trường chứng khoán với việc bơm vốn vào VPBankS cho thấy quyết tâm của doanh nghiệp, kỳ vọng vào sự thành công giống như đã từng đạt được với FE CREDIT

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin/vpbanks-tang-von-dieu-le-len-15-000-ty-dong-du-no-vay-margin-tang-them-hon-2-500-ty-dong-1099012.html