Cùng hành động trước biến đổi khí hậu

Tiếp nối thành công từ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26), Hội nghị COP27, sau hai tuần đàm phán căng thẳng (từ ngày 30/11 đến ngày 13/12/2023), Hội nghị COP28 tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) đã chính thức khép lại với nhiều kết quả nổi bật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP28. Ảnh: VGP

Hội nghị COP28 diễn ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động vô cùng nghiêm trọng trên toàn cầu, hệ thống khí hậu đang tiến gần đến giới hạn đỏ, trong khi đó vẫn còn có những khoảng cách lớn giữa các cam kết mà các nước đã đưa ra với hành động trên thực tế. Do đó, Hội nghị COP28 năm nay đã trở thành Hội nghị COP lớn nhất trong lịch sử với sự tham dự của gần 140 nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ và khoảng 90.000 đại biểu.

Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Vì vậy, tại Hội nghị, Việt Nam đã tham gia một số sáng kiến hợp tác đa phương nhằm mở ra một số cơ hội hợp tác mới về chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng xanh. Sự đóng góp tích cực cho thấy trách nhiệm và cam kết của Việt Nam trong tham gia xử lý biến đổi khí hậu- một trong những thách thức toàn cầu lớn nhất hiện nay.

Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện cho các nước thấy những cố gắng của mình trong thời gian qua về thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế nhằm triển khai thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng “0” trong thời gian tới.

Hội nghị COP26 diễn ra tại thành phố Glasgow, Vương quốc Anh vào tháng 11/2021, Việt Nam đã tuyên bố sẽ đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Tuyên bố này đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu, đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình, Kế hoạch triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam như: Ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030; Kế hoạch hành động của các ngành thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26...

Đến Hội nghị COP27 diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11/2022, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và thể hiện rõ nỗ lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị, Việt Nam đã nộp Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật lần thứ 2, trong đó phản ánh các hành động cụ thể cần thực hiện từ nay tới năm 2030 phù hợp với lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” và cam kết giảm 30% phát thải khí mê-tan. Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật lần 2 của Việt Nam đã tăng nỗ lực đáng kể so với Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định nộp năm 2020.

Đồng thời khẳng định, chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận.

Những nỗ lực hành động sau Hội nghị COP26, Hội nghị COP27 là tiền đề để Việt Nam tiếp tục khẳng định nỗ lực và quyết tâm của mình chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP28. Đặc biệt sự tham dự Hội nghị COP28 của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định với bạn bè quốc tế về một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong tham gia xử lý biến đổi khí hậu; chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị COP28, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi những thông điệp quan trọng đến cộng đồng quốc tế: “Khoảng cách giữa cam kết và hành động khí hậu vẫn còn xa. Sự cạnh tranh, chia rẽ, phân tách, chiến tranh, xung đột, dịch bệnh càng làm phân tán nguồn lực cho biến đổi khí hậu. Sau 14 năm, chúng ta vẫn chưa đạt được cam kết 100 tỷ USD mỗi năm cho các hành động về biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện là chìa khóa để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu. Tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh những năm qua càng chứng tỏ đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến toàn cầu, vấn đề của toàn dân. Chúng ta phải có nhận thức, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, chủ động, tích cực, thiết thực, hiệu quả hơn và hành động thống nhất mang tính toàn cầu”.

Thủ tướng cho rằng, mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý thực hiện hiệu quả, khai thác tối đa sức mạnh nội sinh của dân tộc mình là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; kết hợp với sức mạnh đoàn kết quốc tế là quan trọng và đề cao chủ nghĩa đa phương; lấy người dân, lợi ích chung toàn cầu là trung tâm, chủ thể, không để bất cứ quốc gia nào, người dân nào bị bỏ lại phía sau. Đa dạng hóa huy động nguồn lực, kết hợp công và tư, kết hợp trong và ngoài nước, song phương và đa phương và các nguồn lực hợp pháp khác, nhất là nguồn lực từ tư nhân. Các quốc gia phát triển phải tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, nhất là nguồn vốn ưu đãi, chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, quản trị thông minh và hoàn thiện thể chế thị trường hiện đại, phù hợp, hiệu quả với từng quốc gia, không phải hy sinh tăng trưởng kinh tế cho quá trình chuyển đổi. Ngược lại, các quốc gia đang phát triển, chậm phát triển phải nỗ lực hơn nữa, không bị động, không trông chờ, không ỷ lại mà phải nâng cao năng lực, tự cường, tự chủ, tự vươn lên với tinh thần không ai làm tốt cho mình hơn chính bản thân mình.

Thủ tướng kêu gọi: “Thời gian không chờ đợi. Khó khăn, thách thức ngày càng nhiều, phức tạp và khó lường hơn. Vì vậy, chúng ta đã đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, đã hành động rồi thì phải hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng nhiều hơn nữa; vì sự phát triển thịnh vượng của cả nhân loại, vì sự mát lành của Trái đất và vì sự ấm no, hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới!”.

Tại Hội nghị COP28, đoàn Việt Nam cũng chủ trì một số sự kiện và tham gia nhiều sự kiện bên lề, qua đó giới thiệu kinh nghiệm và quảng bá thông tin, hình ảnh ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-de-hom-nay/cung-hanh-dong-truoc-bien-doi-khi-hau/204283.htm