Cùng hầu hạ Hoàng đế, tại sao thị vệ không bị tịnh thân như thái giám?

Mặc dù đều xuất thân là đàn ông, đều làm việc trong cung cấm, nhưng số phận và cuộc đời của thị vệ vốn dĩ đã khác xa so với tầng lớp thái giám, hoạn quan.

Hoàng cung vốn là nơi ở của Hoàng đế cùng các thành viên hoàng thất, trong đó có không ít các phi tần, mỹ nữ. Để tránh việc nhà vua bị “cằm sừng”, nuôi con tu hú, nam giới một khi bước chân vào Tử Cấm Thành làm nô tài đều bị thiến và trở thành thái giám, hoạn quan.

Luật lệ này khiến nhiều người nhầm tưởng trong Tử Cấm Thành chỉ có Hoàng đế là người đàn ông chân chính duy nhất. Thế nhưng, trên thực tế, trong cung cấm vẫn có những người đàn ông khác được phép ra vào đó chính là đội ngũ thị vệ.

Tại sao thị vệ không phải tịnh thân giống thái giám?

Vào thời xưa, những người hầu hạ cho các phi tần chủ yếu là cung nữ. Tuy nhiên, công việc ngày càng nhiều khiến buộc hoàng cung phải tiến cử một số nam giới vào hầu hạ. Tuy nhiên, để bước vào cung cấm, những nam giới này đều phải trải qua quá trình tịnh thân, có nghĩa là bị thiến để mất khả năng sinh dục, ngăn chặn những người này có tư tình với cung nữ, thậm chí là phi tần của nhà vua.

Thị vệ trong cung cấm đều có xuất thân từ danh gia vọng tộc.

Thị vệ trong cung cấm đều có xuất thân từ danh gia vọng tộc.

Thị vệ là võ quan bảo vệ nhà vua, luôn hiện diện bên cạnh Hoàng đế. Họ được đào tạo để trở thành một đội quân danh dự làm tăng thêm uy nghi cho hoàng thất. Lý giải vì sao thị vệ không bị tịnh thân như thái giám, các nhà sử học đã đưa ra một số ý kiến sau:

Thứ nhất, thị vệ hầu hết đều xuất thân từ những gia tộc có địa vị không hề thấp, thậm chí là danh gia vọng tộc, trái ngược hoàn toàn với thái giám, những người sinh ra đã bị xếp vào đáy của xã hội, định sẵn mang kiếp nô tài. Những thị vệ này đều có thể ra sa trường, tiến thân lập nghiệp, làm rạng danh gia tộc.

Chẳng hạn như trong phim Diên Hi công lược, ngự tiền thị vệ Phó Hằng là em ruột của Phú Sát Hoàng hậu, xuất thân từ một đại gia tộc thời bấy giờ. Phó Hằng sau đó đã chinh chiến nơi sa trường và từ đó, tài trí của chàng soái ca Tử Cấm Thành cũng có đất dụng, sự nghiệp lên như diều gặp gió.

Trong khi đó, thái giám lại xuất thân bần hàn, nghèo khổ, dưới đáy của xã hội.

Thứ hai, đàn ông sau khi bị thiến sẽ có nhiều biến hóa, thể trạng giảm sút so với trước đây. Trong khi đó, thị vệ lại là người bảo vệ cho Hoàng thượng và Hoàng cung nên không thể không cường tráng, khỏe mạnh được. Đây chính là một trong những lý do giúp thị vệ thoát được một “kiếp nạn”.

Thứ ba, theo luật lệ nhà Thanh, thị vệ không được phép có tư tình với cung nữ và không được tự ý gặp mặt phi tần. Nếu có vô tình nhìn thấy phi tần đi ngang qua, họ cũng chỉ được phép cúi người chào hỏi.

Ngược lại, thái giám lại là những người hầu thân cận bên cạnh các phi tần. Họ có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các cung nữ, phi tần hơn so với thị vệ. Do đó, đảm bảo sự thanh bạch trong hoàng cung, nam giới vào cung cấm làm nô tài đều bị tịnh thân.

Rợn người thủ thuật tịnh thân

Những người chuyên hành nghề tịnh thân thường được gọi với cái tên “tịnh thân sư”. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, những ai nghèo khổ đều có thể tịnh thân để vào làm việc trong cung cấm, kiếm miếng cơm manh áo.

Ngoài cung nữ, thái giám là những người hầu hạ thân cận của các phi tần nên để đảm bảo sự thanh bạch, các thái giám bắt buộc phải tịnh thân trước khi nhập cung.

Nhưng không, để tịnh thân thành thái giám, những người này phải đưa cho tịnh thân sư 6 lượng bạc trắng. Nếu người nghèo không có tiền tịnh thân, họ phải có người đứng ra bảo kê và chi phí tịnh thân sẽ được khất tới sau này. Nếu không có người “bảo kê” phù hợp, tịnh thân sư nhất quyết không đồng ý thực hiện thủ thuật này.

Các gia đình nghèo muốn đem con vào cung làm thái giám trước tiên phải tới báo danh “treo thìa” ở nhà tịnh thân sư. Đứa trẻ sau khi vượt qua các công đoạn kiểm tra về diện mạo, sức khỏe, mức độ nghe lời và khả năng nhanh nhẹn sẽ được các tịnh thân sư giữ lại.

Sau đó, gia đình đứa bé phải lập ra một bản “hôn thư” để cam kết, coi mình là một “cô gái” được “gả” vào cung. Trong “hôn thư”, người tịnh thân phải cam kết mình hoàn toàn tự nguyện và dù sống hay chết cũng không kiện lên quan phủ.

Sau khi tịnh thân, sức khỏe của các thái giám cũng không được như trước.

Sau khi công đoạn chuẩn bị đã xong xuôi, tịnh thân sư sẽ chọn ngày lành tháng tốt, nhốt người sắp tịnh thân vào một phòng kín gió và tiến hành vệ sinh chất thải cho kẻ đang ấp ủ giấc mộng hoạn quan. Trong 4 ngày, người tịnh thân tuyệt đối không được ăn uống để vết thương tránh bị nhiễm trùng bởi chất phóng uế sau khi đã cắt bỏ bộ phận sinh dục.

Loại dao dùng để cắt bỏ bộ phận sinh dục được gọi là “yêm đao”, thường được làm từ hợp kim vàng và đồng, có khả năng chống nhiễm trùng. Trước ca thủ thuật, người bị thiến sẽ bị bịt kín hai mắt, cởi bỏ quần áo, tay chân trói chặt và cơ thể ở thế chữ “đại” (大). Ngoài ra, còn có người giữ chặt đầu, hai vai và bụng anh ta, tránh cho người tịnh thân đau đớn mà giãy giụa khiến máu ra nhiều tới nỗi mất mạng.

Sau khi thiến xong, người ta sẽ dùng sáp trắng cắm vào niệu đạo thành nút. Vết thương sẽ được che đậy bằng mảnh giấy đã ngâm qua nước lạnh, rồi băng lại cẩn thận. Xong xuôi mọi việc, tân thái giám sẽ được hai tịnh thân sư đỡ dậy, đi lại chầm chậm trong phòng khoảng 2- 3 tiếng đồng hồ mới được phép nằm xuống nghỉ ngơi.

Tượng bằng đá mô phỏng quá trình tịnh thân.

Trong vòng ba ngày sau tịnh thân, thái giám sẽ không được uống nước để tránh đi tiểu nhiều, gây nhiễm trùng cho vết thương. Ba ngày sau, thái giám sẽ được nhổ bỏ cái nút được cắm vào niệu đạo trước đó. Nếu nước tiểu tuôn ra, chứng tỏ quá trình tịnh thân đã thành công. Ngược lại nếu không được như vậy, người đó chỉ còn nước chờ chết, không một ai có thể cứu giúp được nữa. Sau khoảng 100 ngày, vết thương ở vùng kín của thái giám sẽ lành hẳn.

Bộ phận sinh dục của thái giám sau khi cắt bỏ không bị vứt đi mà được các tịnh thân sư cất giữ cẩn thận trong một chiếc hũ. Họ dùng vôi hút sạch nước mô ở bộ phận sinh dục để khiến chúng không bị thối rữa rồi dùng giấy thấm dầu gói lại cẩn thận, đặt vào trong hũ rồi bọc kín miệng hũ bằng vải đỏ, treo lên xà ngay dưới nóc nhà. Việc này được gọi là “Hồng bộ cao thăng”, có ý cầu chúc cho kẻ tịnh thân sẽ đỏ vận trong tương lai, từng bước thăng tiến trên con đường tranh đấu quyền lực.

Phương An

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/the-gioi/kham-pha/cung-hau-ha-hoang-de-tai-sao-thi-ve-khong-bi-tinh-than-nhu-thai-giam-3556369.html