Cùng hướng về Quảng trường Ba Đình

Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo trong cả nước cùng ngước mắt hướng về Quảng trường Ba Đình, Hà Nội bày tỏ lòng tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh- người cho ra đời Báo Thanh Niên năm 1925...

Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo trong cả nước cùng ngước mắt hướng về Quảng trường Ba Đình, Hà Nội bày tỏ lòng tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cho ra đời Báo Thanh Niên năm 1925, tạo môi trường xuất hiện Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp theo là các đoàn thể quần chúng và tổ chức nghề nghiệp trong đó có Hội Nhà báo ta hôm nay.

Báo chí là một bộ phận cấu thành văn hóa đồng thời là một phương tiện hùng mạnh góp phần đưa văn hóa vào cuộc sống. Bác Hồ nói: “Văn hóa là một mặt cơ bản của xã hội”, “Văn hóa là một mặt trận”, “Văn hóa mới kết hợp hài hòa, đúng đắn truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế”.

Văn hóa do con người chung tay tạo dựng rồi chung tay thực hiện, lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, trừ những trường hợp hy hữu còn nói chung thế hệ sau cao hơn thế hệ trước. Cái ta vẫn gọi “truyền thống”, theo cảm nghĩ của chúng tôi, giản đơn như vậy.

Hội Nhà báo Việt Nam chính thức ra đời tại một vùng rừng núi thuộc An toàn khu Việt Bắc trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp - các tổ chức tiền thân của nó đã có từ những năm 1930 thế kỷ XX - với tên gọi là Hội những người viết báo Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Thành Lê - Tổng Thư ký đầu tiên của Hội kể lại: Lúc đầu Ban dự thảo bản điều lệ của Hội do nhà báo Xuân Thủy dẫn đầu kiến nghị đặt tên là Hội Những nhà viết báo Việt Nam.

Bác Hồ cười, Bác nói vui: “Chúng ta đang sống ở chiến khu Việt Bắc, do hoàn cảnh kháng chiến báo chí ta đã giảm bớt nhiều về số lượng và loại hình, các chú tìm đâu ra nhiều nhà đến thế? Ta nên lấy tên là Hội những người viết báo Việt Nam, nghe khiêm nhường hơn. Lúc nào hoàn cảnh cho phép, lúc ấy các chú muốn đặt tên gì hẵng đặt”.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các đại biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III, tháng 3/1963. Ảnh tư liệu TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các đại biểu tại Đại hội đại biểu Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III, tháng 3/1963. Ảnh tư liệu TTXVN

“Hoàn cảnh” ấy đến với Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, dẫn tới Hiệp định Genève năm 1954 lập lại hòa bình ở Việt Nam, “Chín năm là một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (thơ Tố Hữu). Hòa bình lập lại, báo chí, phát thanh, thông tấn ra đời hàng loạt.

Tại Đại hội II của Hội họp tại Thủ đô Hà Nội với sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội nhất trí đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam, danh xưng đầy tự hào của bao thế hệ những người làm báo viết, báo nói, báo nghe nhìn, hãng thông tấn, báo điện tử... từ bấy đến nay. Ngày nay đến bất kỳ địa phương nào, cả ra một số nước ngoài, làm việc trong bất cứ ngành nghề nào chúng ta đều thấy có sự góp mặt của những người làm báo Việt Nam.

Bác Hồ nói: “Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Một câu nói thoạt nghe tưởng giản đơn, kỳ thực có nội hàm cực kỳ sâu sắc. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết chúng ta phải học Bác về cách đào tạo, xây dựng các thế hệ những người làm báo trung thành với đường lối, chính sách, thượng tôn Hiến pháp, thực hành nghĩa vụ công dân.

Theo tôi hiểu, các Đại hội toàn quốc của Hội Nhà báo ta trước sau vẫn đi theo con đường ấy. Mỗi lần đại hội là mỗi lần chúng ta cùng nhau cân nhắc, xem xét, nâng cao tầm nhìn của Hội sao cho thích ứng với đường lối, các quy chế, quy định hiện hành của cơ quan lãnh đạo và hợp với thời cuộc đang diễn biến nhanh trong thời đại công nghệ số.

Kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, tưởng niệm các bậc tiền bối, một số câu hỏi tự đặt ra với tất cả chúng ta, đòi hỏi mọi người làm báo dù là hội viên của Hội hay chưa vào Hội đều có trách nhiệm trả lời và cùng nhau tìm giải pháp khắc phục, điều chỉnh, nâng cao.

* * *

Tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh bao trùm nhiều lĩnh vực. Hồ Chủ tịch thừa kế và phát triển tư duy của những nhà đi trước. Trong nhiều trường hợp, Hồ Chủ tịch nói và nhấn mạnh “báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng”, báo chí “đội quân xung kích trong công tác tư tưởng”. Chức năng, nhiệm vụ của báo chí là “tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, tổ chức quần chúng”, cùng nhân dân thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đã được nhất trí thông qua.

Trong nhiều trường hợp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh báo chí phải “đấu tranh cho tự do, công lý, cho tương lai tươi sáng của loài người”. Trong tư duy của Người, đối tượng phục vụ của báo chí, truyền thông tuyệt nhiên không bó hẹp trong một số tầng lớp nào đó giàu kiến thức và phương tiện tiếp cận thông tin, mà báo chí phải hướng về “đại đa số dân chúng”. Tính chất báo chí, vẫn theo Bác Hồ, trước hết là “tính quần chúng và tính chiến đấu”.

Ngay từ thời bao cấp, nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Người đã nói rõ “báo chí cũng là một ngành kinh tế”. Lẽ đương nhiên báo chí làm kinh tế nhưng không xa rời mục tiêu chính trị, hơn thế, báo chí làm kinh tế là để có điều kiện tốt hơn thực hiện các mục tiêu chính trị.

Nhà báo Phan Quang tại Bia Di tích Lịch sử Quốc gia Địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam

Về quan điểm báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và coi trọng trước hết yêu cầu về “tự do tư tưởng”. Người viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”. Đối với mọi vấn đề, người dân có quyền phát biểu chính kiến của mình, và khi mọi người đã tìm ra chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa thành quyền phục tùng chân lý. Vậy chân lý ở đâu, chân lý là cái gì, chân lý thể hiện ở những chỗ nào? Người giải đáp luôn: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân”.

Về phong cách của báo chí và người làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn báo chí ta “luôn gần gũi quần chúng”. Nhà báo suốt đời tâm niệm: “Vì ai mình viết? Viết cho ai? Viết để làm gì?”. Văn chương báo chí nói chung phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát”. Tuy nhiên những nội dung ấy không bao hàm, không đồng nghĩa với sự thông tục, tầm thường; không được “lá cải hóa” báo chí. Báo chí không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng. Song song với yêu cầu bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, Bác Hồ căn dặn các nhà báo hãy cố gắng “viết cho văn chương, cho người đọc thấy hay, thấy văn chương mới thích đọc...”.

Báo chí trong bất kỳ trường hợp nào cũng vẫn là diễn đàn của nhân dân. Tác phẩm báo chí mang dấu ấn cá nhân của người làm ra nó, song tờ báo thì bất cứ lúc nào cũng là công sức, tâm huyết, đóng góp của một tập thể. Và đã đành một tác phẩm báo chí cũng như toàn bộ tờ báo là công sức của một tập thể, tốt về nội dung và hình thức, tuy nhiên cần ghi nhớ công sức ấy không chỉ là nỗ lực của riêng những người làm nội dung, mà còn có công sức của “người in, người sửa bài, người phát hành, (tất cả phải) ăn khớp với nhau”.

Bản thân Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về đạo đức báo chí. Người khuyên các nhà báo chớ nên viết báo nhằm “lưu danh thiên cổ”. Tự thân đã có, cái gì đến, tự nó khắc đến. Đó là chuyện của mai sau. Suốt cả cuộc đời cầm bút, Người chỉ hướng về cái đích là mang tất cả tâm huyết, trí tuệ, tài năng của mình vì lợi ích của nhân dân, đất nước, vì phẩm giá con người, lợi ích toàn nhân loại.

Chúng ta vừa cùng nhau ôn lại những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh qua việc học tập và thực hiện nội dung, đạo đức, phong cách trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí. Chắc có bạn sẽ cho rằng những điều vừa nói ở trên tôi đã học, đã tập, đã làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế học đường.

Vâng, đúng như vậy, nhưng việc học, việc tập không có điểm dừng, thưa đồng nghiệp quý thân. Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc năm 2023 vừa qua, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa vẫn nhấn mạnh trách nhiệm “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

* * *

Những thành công và cống hiến của báo chí Việt Nam trong hơn 70 năm qua là nền tảng, trụ cột cho chúng ta dựa vào mà phát huy truyền thống, tiếp tục vươn cao. Trong đó không thể quên công lao của xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc trong An toàn khu Việt Bắc thời kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi Hội Nhà báo chúng ta ra đời. Nhà nước ta đã chính thức công nhận đó là một di sản quốc gia. Hội Nhà báo Việt Nam đã sớm cùng địa phương có những biện pháp tôn vinh và bảo tồn, phát huy di sản quý báu Điềm Mặc. Tôi chợt nhớ lại ngày khai trương bia kỷ niệm với sự có mặt của các nhà lãnh đạo địa phương và Hội Nhà báo Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ như Hoàng Tùng, Hồng Hà (nay đã qua đời), Phan Quang, Nguyễn Hồng Vinh, Phan Khắc Hải, Vũ Hiền....

Tại nhiệm kỳ VII Hội ta, lãnh đạo Hội giao trách nhiệm cho đồng chí Chánh Văn phòng Hội lên Thái Nguyên cùng Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, cũng là một ủy viên Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ ấy, cùng về xã Điềm Mặc tìm hiểu tại chỗ nơi họp Đại hội I của Hội ngày 21/4/1950, thành lập Hội Nhà báo Việt Nam.

Một mốc son các thế hệ ngày nay truyền lại cho mai sau.

Sau buổi lễ ngắn gọn, lãnh đạo địa phương mời chúng tôi vào ngôi nhà sàn gần đấy uống nước. Chủ nhân ngôi nhà này chính là chủ sở hữu khu vườn, nơi dựng bia kỷ niệm. Mấy anh em lãnh đạo chủ chốt của Hội, nhà báo Hoàng Tùng đã nghỉ hưu sau khi đảm nhiệm nhiều trọng trách Trung ương giao, nhà báo Hồng Hà chuyển sang đứng đầu một cơ quan khác, nhà báo Phan Quang cũng vừa mãn hai nhiệm kỳ. Chủ nhà mời khách dùng trà Thái Nguyên và ôn tồn kể lại một số kỷ niệm.

Cuối buổi sáng, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên mời đoàn nhà báo về nhà khách của tỉnh, dùng bữa cơm thân mật. Một số việc ngày thường mà lưu lại ấn tượng tươi rói trong ký ức tôi.

Từ bấy, lãnh đạo Hội Nhà báo ta qua mấy nhiệm kỳ nối tiếp đã cố gắng đầu tư, xây dựng thêm một số công trình sẵn sàng đón khách trong cả nước về thăm, tạo nên Khu bảo tồn di sản quốc gia bề thế ngày nay.

Nhà báo Phan Quang - Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cung-huong-ve-quang-truong-ba-dinh-post244154.html