Cùng 'Nhẹ bước lãng du' với bậc thầy về ung thư Nguyễn Chấn Hùng

Sáng 18.11 tại Đường Sách TP.HCM, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng đã có buổi giao lưu, giới thiệu tác phẩm Nhẹ bước lãng du vừa tái bản cùng những chia sẻ về công việc viết văn của một nhà khoa học luôn bận rộn…

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng tại buổi giao lưu sáng 18.11 - Ảnh: ẢNH: QUỲNH TRÂN

Trong giới y khoa, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng được một bậc thầy về ung thư của Việt Nam hiện nay. Ông được mọi người rất quý trọng không chỉ ở tài năng, sự đức độ mà còn là người chịu khó, bền bỉ trong viết lách. Ông chia sẻ: “Học giả Nguyễn Hiến Lê đã soi sáng cho con đường viết văn của tôi. Đọc sách của ông, tôi nhận ra nhiều điều hay, việc nên làm. Nhiều lúc ra nhà sách thấy những bạn đọc trẻ tìm mua sách Nguyễn Hiến Lê tôi mừng lắm. Vì khi đọc sách ông ai cũng có thể học vài thứ vô giá mà không phải ở đâu cũng có sẵn…”.

TS Nguyễn Nhã lên sân khấu đặt nhiều câu hỏi với GS Nguyễn Chấn Hùng - Ảnh: Quỳnh Trân

Ông Hùng trả lời vô cùng hài hước và duyên dáng

Đông đảo độc giả đến tham dự

Từng làm giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, rồi làm Tổng biên tập tạp chí Ung thư học Việt Nam từ 2010 cho đến nay, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng không chỉ viết những cuốn sách khoa học mà còn ra mắt nhiều tác phẩm mang đậm tính văn chương rất được độc giả yêu thích: Sương mù tan biến, Dắt dìu về thuở ấu thơ, Sâu thẳm sự sống… Đặc biệt, với Nhẹ bước lãng du của ông do NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản lần này, người đọc sẽ bắt gặp ở vị giáo sư tài hoa sự lạc quan, dí dỏm, tình cảm khi ông thuật lại nhiều câu chuyện “tai nghe mắt thấy”, sự cảm nhận sâu sắc về những vùng đất trên thế giới ông từng đặt chân đến.

Ở lần tái bản này, tác giả bổ sung một số bài viết để Nhẹ bước lãng du thêm đậm tình: Ba Đại Nghệ nhân thời Phục Hưng, Napa Thung lũng mộng mơ, Nếm rượu vang trên non cao, Dòng sông Nga trên đất Mỹ...

Bìa tác phẩm "Nhẹ bước lãng du"

GS Nguyễn Chấn Hùng chụp ảnh với bạn đọc

Nhà báo Kim Hạnh (áo đen) chờ tác giả Nguyễn Chấn Hùng tặng chữ ký trên sách

Phần lãng du trong nước, tác phẩm Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam in đậm nét trong tuổi thơ nên tác giả cứ Theo các dòng sông ra biển: sông Gành Hào ra biển Tây, sông Ông Đốc ra biển Đông. Tác giả đưa người đọc ngược theo dòng Cửa Lớn ra hai biển thăm Đất Mũi tại Biển Tây, đến Cửa Bồ Đề ra biển Đông, rồi xuống Cà Mau, Rạch Giá ..để cùng ông lâng lâng qua cầu mới sông Cái Lớn - Cái Bé, nhớ phà Tắc Cậu, xóm xẻo Rô. Qua cầu Đầm Cùng, bồi hồi nhìn bến phà cũ, hay đứng trên cầu Năm Căn nhìn dòng Cửa Lớn để cùng trải lòng trước biển xanh mướt mát tầm mắt, thẳng tiến Ngọc Hiển - Nơi cùng trời cuối đất quê hương…với bàng bạc cảm xúc qua từng trang sách.

Tại buổi giao lưu, ông luôn nhắc nhiều về những dòng sông. “Tuổi thơ tôi lớn lên bên cạnh Thủ Thừa, con kênh nối sông Vàm cỏ Tây với Vàm cỏ Đông, biết bao kỷ niệm. Con sông quê nhà luôn luôn ở trong lòng tôi. Đến tuổi học trò, tôi lại ngày hai buổi theo bờ sông Tiền tới lớp, thế mà đến tuổi bảy mươi mới được dịp trở lại thăm chiến tích lẫy lừng Rạch Gầm - Xoài Mút. Tất cả những dòng sông ấy hằn sâu trong tiềm thức tôi từ khi còn là đứa trẻ cho đến bây giờ. Và tới đâu tôi cùng tìm đến với sông, tìm tới tận đầu nguồn chảy để cùng bồi hồi, hoài niệm và suy gẫm về cuộc đời”, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng chia sẻ.

Lê Công Sơn

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/cung-nhe-buoc-lang-du-voi-bac-thay-ve-ung-thu-nguyen-chan-hung-1024579.html