Cùng nỗ lực để gỡ khó xuất khẩu gạo

Nhận định thời gian tới XK gạo vẫn sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, ông Trần Thanh Hải (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng: Để vượt qua, cả Chính phủ, bộ ngành và các DN XK phải cùng nỗ lực, đồng bộ từ khâu thay đổi quy trình sản xuất đến việc dựng xây thương hiệu, thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất và người kinh doanh.

Việt Nam hiện nằm trong "top" 3 quốc gia XK gạo hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sản xuất, XK gạo Việt Nam vẫn tồn tại không ít bất cập. Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?

Việt Nam đã đạt những thành tích XK gạo rất ổn định, đóng góp nhiều trong việc cải thiện đời sống của bà con nông dân, duy trì sự phát triển của khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động XK gạo có một số điểm hạn chế mà các bộ ngành, hiệp hội đang khắc phục.

Thứ nhất, sản phẩm gạo XK dù khối lượng lớn nhưng phẩm cấp trung bình, phẩm cấp thấp là chủ yếu nên giá trị đem lại chưa thực sự cao.

Thứ hai, chất lượng hạt gạo chưa đồng đều. Điều này liên quan đến quy trình canh tác khi quy trình canh tác quá manh mún, sử dụng các loại giống khác nhau.

Thứ ba, mối liên kết giữa các đơn vị tham gia vào hoạt động sản xuất, XK gạo chưa thực sự bền chặt. Giữa người nông dân và các thương nhân XK gạo chưa có quan hệ gắn bó. Điều này dẫn tới việc, khi thị trường thế giới có biến động sẽ gây ảnh hưởng đến việc thu mua gạo của bà con nông dân.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo. Theo ông, Nghị định 107 ra đời sẽ tác động thế nào tới hoạt động kinh doanh, XK gạo trong thời gian tới?

Nghị định 107 có thể coi là đột phá trong thể chế, chính sách liên quan tới XK gạo. So với Nghị định 109 trước đây, Nghị định 107 đã tạo ra cơ chế rất thông thoáng cho thương nhân XK gạo. Bên cạnh các thương nhân đáp ứng một số điều kiện, hiện nay cho phép cả một số thương nhân không cần có giấy phép kinh doanh, XK gạo vẫn có thể XK khi các thương nhân này tập trung XK gạo hữu cơ, gạo đồ,… Như vậy, nếu DN vừa và nhỏ chưa đáp ứng được điều kiện XK gạo thông thường nhưng tập trung vào các sản phẩm gạo đặc trưng, đặc thù vẫn có cơ hội tham gia thị trường thế giới.

Đối với những DN phải đáp ứng điều kiện kinh doanh, XK gạo, hiện nay các điều kiện cũng rất thông thoáng. Ví dụ như, các điều kiện về cơ sở xay xát, kho bãi, DN có thể đi thuê chứ không cần sở hữu. Điều này giúp cho DN tiết kiệm nguồn lực, tận dụng được cơ sở dư thừa của các DN khác. Thủ tục để cấp Giấy chứng nhận kinh doanh, XK gạo cũng đơn giản hóa hơn nhiều. Yêu cầu đăng ký hợp đồng XK gạo được bãi bỏ giúp DN linh hoạt, nhanh chóng hơn trong tiếp cận bạn hàng.

Xây dựng thương hiệu được nhìn nhận là một trong những giải pháp quan trọng để nâng tầm hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bộ Công Thương đã, đang và sẽ làm để thúc đẩy vấn đề này, thưa ông?

Một trong những điểm yếu của hạt gạo Việt Nam là chưa có thương hiệu dù đã XK đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều này đã được các bộ, ngành cũng như DN XK gạo quan tâm.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã chủ trì Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo. Đề án này tập trung vào giải quyết một số vấn đề.

Thứ nhất, xây dựng hình ảnh về hạt gạo Việt Nam, về quốc gia Việt Nam như đất nước XK gạo không chỉ số lượng lớn mà có những sản phẩm giá trị thương mại cao.

Thứ hai, xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia sản xuất hạt gạo bền vững, có chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ ba, tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại qua đó giúp cho người mua hàng nước ngoài, người tiêu dùng nước ngoài nhận diện được hình ảnh gạo Việt Nam rõ ràng hơn, thấy được vị trí của hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế nổi bật hơn.

Thứ tư, thúc đẩy sự liên kết các đơn vị sản xuất cũng như DN thương mại để khi quan hệ, lợi ích giữa các bên gắn bó với nhau thì hạt gạo có nền tảng phát triển bền vững hơn.

Ngoài xây dựng thương hiệu, nhằm thúc đẩy XK gạo bền vững hơn, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực thế nào trong vấn đề mở rộng, chuyển dịch thị trường XK gạo trong thời gian tới, thưa ông?

Hiện nay, Trung Quốc đang là thị trường NK gạo lớn nhất của Việt Nam. Trong Đề án thúc đẩy XK gạo, Bộ Công Thương cũng đã đặt ra mục tiêu đa dạng hóa các thị trường. Thị trường châu Á nói chung hiện đang chiếm thị phần hơn 60% kim ngạch XK gạo. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển các thị trường khác, đặc biệt là khu vực châu Phi, Trung Đông, các nước Tây Á, Nam Á. Tiếp theo đó là khu vực thị trường châu Âu bao gồm các nước EU, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Đây là khối thị trường khá tiềm năng. Dù khối lượng gạo tiêu thụ có thể không lớn bằng các thị trường đã nói ở trên song khu vực thị trường này có thể tiêu thụ các loại gạo cao cấp của Việt Nam.

Theo ông, triển vọng XK gạo thời gian tới ra sao và để XK gạo Việt Nam ngày càng phát triển ổn định, bền vững, đâu là giải pháp quan trọng?

Từ năm 2016 đến nay, hoạt động XK gạo đang trên đà tăng trưởng. Dự kiến hết năm nay, XK gạo có thể đạt 6,1-6,4 triệu tấn với đạt kim ngạch 3,3-3,5 tỷ USD. Dù đạt kết quả như trên, song trong tương lai, thị trường còn tiềm ẩn nhiều yếu tố khó khăn khi xung đột thương mại trên thế giới diễn ra, tình hình chính trị của một số khu vực chưa thực sự ổn định. Cùng với đó, các thiên tai, dịch bệnh luôn rình rập, đe dọa. Thậm chí hiện nay, ngay cả một số nước NK cũng có chính sách tự cung tự cấp để hạn chế bớt nguồn NK. Tất cả điều đó đặt ra thách thức cho hạt gạo Việt.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, bộ ngành, hiệp hội cũng như các DN phải cùng nỗ lực, đồng bộ từ khâu thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra hạt gạo có giá trị thương mại lớn cho đến khâu xây dựng thương hiệu, thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất và người kinh doanh... Tất cả các yếu tố này sẽ tạo đà cho hạt gạo Việt có thể đi ra thị trường một cách bền vững và ổn định hơn.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Chánh Trung - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Long: Sản phẩm chất lượng, tìm hiểu kỹ thị trường là "chìa khóa" để XK thành công

Tính từ tháng 12/2017 đến nay, Công ty Tân Long đã XK trên 150 nghìn tấn gạo, trong đó 80% XK vào thị trường cao cấp với mức giá 650-700 USD/tấn. Cả năm 2018, DN dự kiến XK đạt trên 200 nghìn tấn gạo. Hiện, Công ty đang cung cấp gạo cho thị trường Hàn Quốc và Philippines.

Để hạt gạo Việt Nam XK thành công vào những thị trường này, Công ty đã từng bước tìm hiểu kỹ thị trường, cam kết sản phẩm XK đúng chất lượng. Theo đó, Công ty đã chủ động ký hợp đồng trực tiếp thu mua với nông dân, cùng tham gia vào chuỗi sản xuất, đảm bảo chất lượng hạt gạo.

Bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long: Cần phát triển giống lúa theo nhu cầu thị trường

Muốn nâng cao giá trị hạt gạo XK, trước tiên cần phải nâng cao giá trị giống lúa, phát triển giống lúa theo nhu cầu của thị trường. Theo đó, giải pháp khả thi là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất từ giống lúa, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, trong sản xuất lúa gạo cũng cần áp dụng cơ giới đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch cũng như sau thu hoạch; hình thành các cùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa như cánh đồng lớn, hợp tác xã…

Ông Lê Quang Nhuận - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Louis Rice: Doanh nghiệp cần làm ăn chuyên nghiệp

Có những DN XK Việt Nam, khi có được lô hàng đầu tiên làm ăn khá bài bản. Tuy nhiên, tới lô hàng XK sau, DN đã trộn lẫn các loại gạo. Tình trạng một số đơn vị vi phạm chất lượng làm ảnh hưởng tới những DN làm ăn nghiêm túc, gây tổn hại đến uy tín chung của gạo Việt Nam. Bởi vậy, muốn xây dựng được thương hiệu gạo cho Việt Nam, gia tăng sức cạnh tranh cho hạt gạo phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm của DN. Các DN cần hướng tới làm ăn chuyên nghiệp.

Đức Quang (ghi)

Uyển Như (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/cung-no-luc-de-go-kho-xuat-khau-gao.aspx