Cúng Rằm tháng 7: Giá trị tâm linh ngày càng bị vật chất hóa

Hàng năm, cứ đến Rằm tháng 7 âm lịch, người dân Việt Nam lại sắm sửa những mâm đồ lễ cho ngày Vu Lan (lễ báo hiếu) và lễ xá tội vong nhân (hay còn gọi là cúng cô hồn). Tuy nhiên, năm nay, khảo sát ở một số cơ sở thờ tự mới thấy đang có xu hướng 'vật chất hóa' một giáo lý tốt đẹp.

Mỗi lễ trung bình 1 triệu đồng

Tại các chùa trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 7 (âm lịch), nhiều chương trình trong dịp lễ Vu Lan đã được tổ chức. Ở chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm) có tổ chức chương trình “Nghi lễ tháng 7 năm Mậu Tuất”. Từ ngày mùng 8 đến 29/7 âm lịch, sự kiện nhân dịp lễ Vu Lan liên tục diễn ra. Trong đó, vào ngày Chủ nhật hàng tuần từ ngày mùng 9, 16, 23, 30 tháng 7 âm lịch sẽ diễn ra “Lễ Phả độ gia tiên, cầu siêu cho các chân linh và thai nhi sản nạn, chiến sĩ trận vong, các vong linh tử nạn do tai nạn giao thông, tử nạn miền sông nước”. Từ mùng 8 - 10 tháng 7 âm lịch sẽ là lễ “Khai đàn tụng kinh Lương Hoàng Sám cầu siêu cho cửu thuyền thất tổ cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp được siêu đăng Phật quốc”.
Tuy nhiên, người dân có mong muốn được đăng ký tham dự những sự kiện do nhà chùa tổ chức nhân dịp lễ Vu Lan thường phải đóng một mức phí nhất định, có thể lên đến hàng triệu đồng. Tại chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa – Hà Nội), theo bảng thông báo chương trình “Đại lễ Vu Lan phả độ gia tiên” đại lễ sẽ diễn ra trong ngày 14/7 âm lịch. Trước thời điểm trên, khi có nhu cầu được làm lễ và tham gia chương trình, người dân sẽ đăng ký với đại diện nhà chùa để làm thủ tục. Tờ đăng ký ghi rõ thông tin cá nhân của người đăng ký làm lễ và “tên vong” của những người đã mất, nơi an táng. Sau khi hoàn tất mỗi người sẽ nộp 200.000 đồng và nhận một phiếu tham dự.

Phật tử đi lễ tại chùa Võng Thị, quận Tây Hồ. Ảnh: Văn Phúc

Tương tự, việc nộp tiền để đăng ký lễ Vu Lan cũng diễn ra tại chùa Quán Sứ. Tại đây, người dân được đại diện nhà chùa (mặc thường phục) đưa cho một bản đăng ký ghi rõ “Họ tên chân linh”, “Ngày, năm mất”, “Nơi án táng”. Anh Quang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Sau khi đăng ký, tôi được người nhà chùa hướng dẫn đóng công đức với mức 1 triệu đồng. Tỏ ra e ngại về mức giá, tôi được họ bảo nếu không có điều kiện có thể đóng góp tùy tâm dăm bảy trăm nghìn đồng, tùy tâm”.
Không có nhiều người dân đến thắp hương, hành lễ như chùa Phúc Khánh, chùa Quán Sứ, ở chùa Bộc (quận Đống Đa – Hà Nội) những ngày gần Rằm tháng 7 âm lịch lượng người đến vãn cảnh chùa vắng vẻ hơn. Chùa Bộc không có bảng thông báo những chương trình cho lễ Vu Lan. Phải hỏi thăm một số người làm việc trong chùa, chúng tôi nhận được hướng dẫn vào sau khuôn viên nhà chùa để gặp sư thầy đăng ký làm lễ. Khác với tại chùa Phúc Khánh hay Quán Sứ phải đóng tiền làm lễ, đại diện chùa Bộc nói với chúng tôi: “Dự lễ Vu Lan chỉ cần đến sớm đăng ký, viết sớ trước ngày 15/7 âm lịch, không cần chuẩn bị lễ hay đóng phí”?! Tại chùa Hà (quận Cầu Giấy), lễ cúng vong cũng được tổ chức vào ngày mùng 8/7 năm Mậu Tuất. Chị Mai Trang (Thanh Xuân) cho biết: “Trong dịp này chị nhờ nhà chùa làm lễ cúng vong cho một thai nhi. Mức giá trọn gói (từ sắm vàng mã, lễ cúng xôi gà…) là 1,2 triệu đồng”.
Vàng mã thời 4.0
Hiện nay, người dân Việt thường có thói quen hóa vàng mã vào dịp lễ Vu Lan và lễ xá tội vong nhân. Bên cạnh đó, trên mâm cúng tổ tiên nhiều gia đình bày cỗ mặn, tiền vàng và những vật dụng cá nhân dành cho người cõi âm làm bằng giấy (vẫn gọi là đồ hàng mã). Trên mâm cúng chúng sinh, lễ vật thường gồm có: Quần áo chúng sinh bằng giấy nhiều màu, tiền vàng. Mặc dù, việc làm lễ thắp hương cho tổ tiên bằng vàng mã đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhiều nhà chùa khuyến cáo không nên sử dụng, gây lãng phí nhưng thực tế cho thấy việc sử dụng vẫn phổ biến.
Bà Nguyễn Thị Duyên (Hàng Bông, Hà Nội) cho biết: “Vào dịp này, nhiều gia đình làm lễ Rằm tháng 7 rất long trọng, nhà ai cũng có hoa quả, nén nhang thắp hương, nhớ lại kỷ niệm xưa, tập trung con cháu về để phóng sinh, đốt vàng, đốt tiền. Đồ vàng mã phải sắm đủ cho những người đã khuất: Bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng, cô dì chú bác…”.
Xuất phát từ thực tế “có cung có cầu”, vàng mã đến tay người dân bằng đủ mọi cách thức khác nhau. Điển hình như tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm – Hà Nội) đủ mọi mặt hàng được bày bán theo quan niệm “trần sao âm vậy như”: Nhà lầu, xe hơi, quần áo cho đến các sản phẩm hiện đại như ipad, iphone, đồng hồ, túi sách với đủ những thương hiệu nổi tiếng. Theo đó, giá một bộ vàng mã bao gồm quần áo, giày dép, trang sức, đồ dùng cho người cõi âm, loại thường có giá từ 40.000 - 100.000 đồng/bộ, loại “hàng hiệu” có giá từ 150.000 đồng trở lên/bộ. Các loại ô tô, xe máy, biệt thự cao cấp đồ vàng mã có giá từ 150.000 - 250.000 đồng/bộ.
Cách quảng bá vàng mã phong phú đến mức, trong thời đại công nghệ số, vàng mã còn được bán trên các trang mạng xã hội như Facebook. Tuy nhiên, số tiền mà người dân bỏ ra mỗi năm để mua "tiền giả" đem đốt không thể tính hết, đây là một sự lãng phí rất lớn.

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cung-ram-thang-7-gia-tri-tam-linh-ngay-cang-bi-vat-chat-hoa-323326.html