Cúng Rằm tháng Giêng thế nào cho đúng, cúng vào ngày nào, giờ nào chuẩn nhất?

Rằm tháng Giêng (còn gọi là lễ Thượng Nguyên, Tết Nguyên Tiêu), là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Dưới đây là cách cúng rằm tháng Giêng cho đúng, cúng vào giờ nào chuẩn nhất?

Cúng Rằm tháng Giêng hay cúng Tết Nguyên Tiêu từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Ông bà ta từ xưa đã có câu "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng", đây là ngày trăng tròn đầu tiên trong năm mới âm lịch, dân gian ta thường gọi là Tết Nguyên Tiêu hay lễ Thượng Nguyên. Tuy nhiên việc cúng Rằm tháng Giêng như thế nào đúng chuẩn không phải ai cũng biết.

Cúng Rằm tháng Giêng vào giờ nào tốt nhất

Rằm tháng Giêng là một trong những lễ cúng quan trọng trong năm đối với người Việt. Bắt đầu từ ngày 14 (đêm trước trăng rằm) và trọn ngày 15 (ngày rằm) cho đến nửa đêm 15 (đêm trăng rằm) của tháng Giêng âm lịch.

Năm Canh Tý 2020, Rằm tháng Giêng là ngày 15 âm lịch, tương ứng là ngày 8/2/2020 dương lịch và rơi vào ngày thứ Bảy.

Cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm (tức 15 âm lịch) là tốt nhất.

Theo phong tục của cha ông để lại, thì cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm (tức 15 âm lịch) là tốt nhất. Còn nếu với ai không sắp xếp được công việc để cúng vào đúng giờ thì có thể cúng trước đó 1 ngày, tức 14 tháng Giêng.

+ Ngày chính Rằm 15/1, giờ đẹp tiến hành cúng Rằm tháng Giêng 2020 gồm:

Giờ Thìn (7h-9h)

Giờ Ngọ (11h-13h)

Giờ Mùi (13h-15h)

+ Ngày 14 tháng Giêng, tức ngày 7/2/2020 dương lịch, khung giờ đẹp gồm:

Giờ Thìn (7h-9h)

Giờ Tỵ (9h-11h)

Giờ Thân (15h-17h)

Giờ Dậu (17h-19h)

Ngoài hai ngày này, gia đình không nên cúng Rằm tháng Giêng vào ngày khác.

Ngoài ra, trong quan niệm của người Việt, mỗi gia đình nên làm lễ cúng vào lúc chính Ngọ tức là 12 giờ trưa. Bởi đây là lúc Phật hiển linh nên mọi người có thể "cầu được ước thấy", hoàn thiện tâm niệm như ý muốn.

Nghi lễ thực hiện cúng Rằm tháng Giêng năm Canh Tý 2020

Dọn dẹp ban thờ

Dọn dẹp ban thờ là một trong những nghi lễ cần phải làm vào ngày Rằm tháng Giêng, được tiến hành trước khi chuẩn bị dâng lễ. Trong văn hóa tâm linh của người Việt, ban thờ là nơi linh thiêng, vì thế luôn cần được giữ sạch sẽ, gọn gàng để biểu thị lòng thành, sự tôn kính với thần linh và gia tiên.

Lưu ý khi lau dọn ban thờ, không được xê dịch bát hương. Trước khi tiến hành, nên thắp 1 nén hương khấn xin tổ tiên về việc sẽ lau dọn ban thờ để chuẩn bị lễ cúng Rằm tháng Giêng. Việc lau dọn cần cẩn thận, tỉ mỉ, thành tâm để tránh đổ vỡ đồ thờ, vật phẩm. Vật dụng lau dọn đơn giản chỉ cần khăn sạch, nước sạch, nếu có điều kiện thì dùng nước bưởi, rượu cũng rất sạch và thơm.

Ngoài ra, cần chú ý, khi thắp hương, nên thắp theo số lẻ. Người Việt quan niệm số lẻ tượng trưng cho phần âm, vậy nên theo phong tục nên thắp từ 1 đến 3 nén hương trên mỗi bát hương.

Chú ý khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm... Đặc biệt khi khấn vái cần thành tâm, thể hiện sự tôn trọng với các vị Phật và tổ tiên.

Không dùng hoa giả

Nên mua hoa tươi để dâng ban thờ, tuyệt đối không dùng hoa quả giả, hoa để dâng ban thờ thường là hoa cúc vàng, cúc vạn thọ, huệ trắng.

Phải sử dụng đồ mới để cúng

Các đồ dùng để đựng các lễ cúng mặn như bát, đĩa, đũa, thìa... cần phải sử dụng những đồ mới, riêng biệt.

Không nên dùng những đồ dùng đã dùng chung, sẵn với các việc khác trong gia đình. Bởi, đồ thờ cúng cần phải sạch sẽ, không uế tạp.

Nội dung trong bài mang tính tham khảo

Phong Vân (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cung-ram-thang-gieng-the-nao-cho-dung-cung-vao-ngay-nao-gio-nao-chuan-nhat-a464973.html