Cúng sao giải hạn không phải tín ngưỡng Phật giáo

Theo giáo lý nhà Phật thì không có sao xấu, sao tốt; ngày xấu, ngày đẹp nào có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của con người.

Từ quan niệm người nào trong năm bị sao xấu (Thái Bạch, La Hầu, Kế Đô…) chiếu mệnh sẽ gặp xui xẻo trong cả năm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng, nhiều người cho rằng làm lễ cúng sao giải hạn đầu năm sẽ giải trừ được mọi tai ách. Vì vậy, sau Tết nguyên đán, hàng vạn người lại lũ lượt đổ về các chùa, sắm lễ đội sớ cúng sao giải hạn.

Suýt xỉu vì cúng sao

Dù vài năm nay không còn tham gia cúng sao giải hạn nhưng khoảng năm năm trước, cứ đều đặn sau Tết nguyên đán, chị Giang Thanh (quận 2, TP.HCM) lại tìm đến một ngôi chùa ở quận Tân Bình đăng ký cúng sao cho cả gia đình.

“Tôi không mê tín nhưng nghĩ có thờ có thiêng, có kiêng có lành nên năm nào cũng đi cúng sao giải hạn với mấy người bạn. Buổi nào cũng đông kín người chen chúc từ trong sảnh ra đến sân, thậm chí lấn ra đường.

Năm cuối cùng tôi đội sớ cúng sao giải hạn ở chùa này, do đăng ký muộn nên tôi bị xếp vào đợt vét. Trời nóng, người đông, đầu đội sớ, cứ đứng rồi quỳ, được nửa buổi tôi khuỵu xuống vì mệt, không thở được. Sau lần đó tôi sợ, thôi cúng sao cho tới giờ vì thấy có cúng nhiều khi cũng không thể tránh được việc phải đến” - chị Giang Thanh kể.

Chị Nguyễn Hoài Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) và chồng cùng tuổi Quý Hợi 1983 cũng đến chùa Ngọc Hoàng đăng ký cúng sao. “Năm nay chồng trúng sao La Hầu, mình sao Kế Đô, toàn sao dữ nên phải đi giải hạn, cầu an ngay từ đầu năm cho chắc ăn” - chị Hoài Anh tâm sự.

Chị Hoài Anh cho biết thêm dù năm đó có gặp sao dữ hay sao may mắn thì gia đình chị cũng đều đi chùa cúng sao. “Không giải hạn thì mình cầu an, cầu thêm may mắn, thiệt đằng nào mà sợ. Với lại mình cầu bằng cả cái tâm, chắc trời Phật cũng chứng giám mà phù hộ độ trì cho” - chị cười.

Hàng trăm người đội sớ cầu bình an cho gia đình, người thân tại chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Hàng trăm người đội sớ cầu bình an cho gia đình, người thân tại chùa Viên Giác (quận Tân Bình, TP.HCM). Ảnh: HOÀNG GIANG

Sắm lễ rình rang là không cần thiết

Hòa thượng Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa Kỳ Quang II (quận Gò Vấp, TP.HCM), cho rằng cúng sao giải hạn là một tập tục từ thời xa xưa, khi con người cảm thấy mình quá bé nhỏ trước thiên nhiên. Họ sợ sệt trước các vị thần mà họ có thể tưởng tượng ra được như thần sấm, thần sét, thần cây đa, cây đề, thần hổ, thần rắn, thần núi, thần sông (hà bá)…

Cũng vì lẽ đó, người ta tin rằng cúng bái có thể giúp vượt qua những xui xẻo do các thế lực siêu nhiên mang lại. Đặc biệt, việc cúng vào đầu năm được cho là tốt nhất vì đây là thời điểm giao thời, sẽ tích được nhiều phúc lộc cho cả năm.

Theo các nghiên cứu về văn hóa, nguồn gốc dâng sao giải hạn xuất phát từ quan niệm trong Đạo giáo của Trung Quốc. Theo đó sẽ có 9 ngôi sao chiếu mệnh vào con người, trong đó có các sao bị coi là sao xấu như: La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hớn… Các sao tốt, may mắn như Thủy Diệu, Thái Âm, Thái Dương, Mộc Đức. Mỗi năm sẽ có một vì sao chiếu mệnh vào tuổi từng người. Chu kỳ mỗi 9 năm sao đó sẽ trở lại một lần.

“Theo giáo lý nhà Phật thì không có sao xấu, sao tốt; ngày xấu, ngày đẹp nào có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của con người. Giáo lý nhà Phật cũng không hề nói đến cúng sao giải hạn. Việc người dân sắm lễ rình rang, tốn kém để cúng sao là điều không cần thiết và đi ngược lại lời dạy của nhà Phật. Vào ngày rằm tháng Giêng, theo tín ngưỡng Phật giáo, tại các chùa thường tổ chức lễ thiên quan tưới phước mang ý nghĩa “trời ban lộc cho chúng sinh”. Người dân có thể đến chùa vào dịp này để cầu nguyện cho bản thân và gia đình với lễ vật đơn giản là hương nến và hoa quả tươi” - Hòa thượng Thích Thiện Chiếu nhấn mạnh.

Thượng tọa Thích Nhật Từ, chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM), cũng khẳng định xui hay hên, hạnh phúc hay khổ đau đều là những điều diễn ra hằng ngày trong cuộc sống. Nếu cúng sao có thể giải quyết vấn nạn của nhân sinh thì các tôn giáo và hệ thống nhân quả không có ý nghĩa gì nữa. Các tăng ni nên tập trung vào việc hướng dẫn Phật pháp, hướng con người tu dưỡng đạo đức, để quần chúng được bình an thật sự chứ không phải là việc trấn an tạm thời.

Đồng quan điểm trên, Hòa thượng Thích Giác Đạo, trụ trì chùa Giác Tâm (quận 5, TP.HCM), chia sẻ thêm: “Cần nhìn nhận việc cầu an, cầu phúc lộc trong người dân là nhu cầu chính đáng. Nếu nhà chùa không thực hiện thì người dân vẫn có thể tìm đến các thầy mo, thầy cúng để làm, như vậy lại càng dễ gây ra mê tín dị đoan hơn. Trong những dịp này, nhà chùa sẽ truyền đạt cho người dân hiểu rõ về triết lý nhà Phật, biết cách tu tập để giúp đời, giúp người, hướng người dân dần bỏ đi các ý niệm sai lệch về cúng bái nhiều tiền của để giải nạn mà nên làm thiện để tạo phúc báo”.

Tuy cúng giải sao hạn không phải là tín ngưỡng trong Phật giáo nhưng nhiều người lại đặt niềm tin rất mạnh mẽ vào việc này. Bởi vậy, nhà chùa vẫn để người dân tìm đến cúng giải sao hạn trong các dịp đầu năm như một nơi để họ gửi gắm niềm tin đúng chỗ. Nhà chùa mong mỏi người dân thành tâm làm thiện, đó mới thật sự là việc hóa giải các nạn tai và tạo phúc lộc cho mình.

Hòa thượng THÍCH GIÁC TOÀN,Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

TRÚC PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/cung-sao-giai-han-khong-phai-tin-nguong-phat-giao-816751.html