Cùng Trương Anh Ngọc 'Hẹn hò với Paris'

Với nhà báo Trương Anh Ngọc, cuốn du ký 'Hẹn hò với Paris' là hành trình những ngày rong ruổi trên đất Pháp tráng lệ, tới Bazill cùng các địa điểm lịch sử văn hóa của Châu Âu, với thông điệp: 'Đi khi ta còn trẻ'.

Đọc cuốn du ký “Hẹn hò với Paris” tôi chợt nhớ đến câu nói của Che Guevara: “Người lữ hành đúng nghĩa là người đi chỉ vì được đi. Trái tim không hề vương vấn, như mây bay gió thổi, anh bước theo số phận của mình. Cớ gì phải có lý do, chỉ cần một tiếng hô thôi: “Lên đường đi nào”. Với nhà báo Trương Anh Ngọc cũng vậy.

+ Câu chuyện đến và “hẹn hò” với Paris của anh bắt đầu từ khi nào? Vì đâu mà anh có một cảm xúc đặc biệt và mong muốn đến nơi đó như vậy?

- Thực ra, tôi đã đến với nước Pháp từ khi còn nhỏ, đọc những cuốn sách, những cuốn họa báo mà mẹ mang từ nước ngoài về, và tôi tự học tiếng Pháp để dịch các tài liệu đó cho bản thân mình hiểu. Những tác phẩm văn học cổ điển do những tác gia Pháp vĩ đại như Alexandre Dumas cha, Victor Hugo hay Emile Zola đã ảnh hưởng rất lớn đến tôi trong những năm tuổi thơ. Tôi đọc một cách say sưa các tác phẩm ấy, nhiều đoạn thuộc lòng. Và rồi, như một lẽ rất tự nhiên, hình ảnh của nước Pháp cứ choán mãi trong đầu, và hình thành một ước mơ lớn, là một ngày nào đó sẽ có một hành trình trên đất Pháp. Tôi đã đến với nước Pháp từ những cuộc hẹn hò ấy, cách đây gần 30 năm như thế.

Nhà báo Trương Anh Ngọc chụp ảnh khi tác nghiệp tại Pháp.

Cảm hứng từ những cuốn sách đối với một đứa trẻ đang lớn lên, hình thành nhân cách, hình thành suy nghĩ và lối sống thật lớn lao. Nhiều năm sau này, khi đặt chân đến Paris, rồi thực hiện những hành trình lái xe dọc ngang nước Pháp hàng nghìn km, chợt nhận ra rằng, hóa ra, tôi đã đến Pháp trong tư tưởng chính từ những cuốn sách ấy, đến mức, trong nhiều lần rảo bộ trên các con phố Paris, cứ ngỡ là mình đã đến đó rồi, bởi mình nhớ như in những gì mô tả trong các tác phẩm, được trí tưởng tượng chắp cánh thêm nữa. Trong những năm qua, tôi gắn bó với nước Ý, nơi tôi đã sống và làm việc, đã có nhiều kỷ niệm, chuyến đi, thậm chí đã viết 2 cuốn sách về Italia, nhưng thực ra, tôi mê nước Pháp trước, như kiểu đó là người tình đầu tiên vậy. Tôi cảm thấy sẽ là một nỗi ân hận lớn, một sự bội bạc, nếu không ra một cuốn sách về nước Pháp.

“Hẹn hò với Paris” ra đời tháng 8/2018 với phần nội dung được viết chủ yếu trong hành trình xuôi ngược nước Pháp suốt mùa hè 2016 của tôi ở đó, khi tôi lái xe hơn 15 nghìn cây số qua nhiều vùng của đất nước này. Tôi không viết theo kiểu của một du khách, xem, nghe, kể lại, tư vấn hành trình, kiểu như đi đâu, ăn gì, shopping thế nào, giá cả ra sao, mà tôi kể lại những cảm xúc của bản thân trong những hành trình văn hóa, lịch sử và con người, lối sống, con người. Tôi đã luôn viết như vậy. Tôi là một người lữ hành, tôi không phải là một du khách.

Bìa cuốn sách “Hẹn hò với Paris” do nhãn sách “Bão” giới thiệu.

+ Anh có thể kể lại một vài câu chuyện về những địa danh, văn hóa, con người đã để lại trong anh những xúc cảm đặc biệt?

- Có hai nơi tôi đã dành rất nhiều tình cảm của mình trong những trang sách của cuốn này. Đấy là Paris và vùng Provence. Tôi yêu Paris qua những con phố nhỏ, những quán cà phê vỉa hè, đồi Montmartre, không gian yên tĩnh và thanh bình trong nghĩa trang Pere-Lachaise, bên bờ sông Seine. Nhiều người đi Paris về ca cẩm nhiều về thủ đô Ánh sáng, quả quyết rằng nó bẩn, đầy móc túi và tệ nạn. Tôi cũng nhìn thấy những điều đó xảy ra trước mắt, nhưng với tôi, Paris vẫn rất đẹp, vẫn lãng mạn. Rốt cuộc, ta luôn tự xác định mình đến nơi đó là để làm gì, để có được cảm xúc nào, và ta không thể để những điều xảy ra xung quanh khiến mình cảm thấy mất niềm tin. Với tôi, Paris luôn là Paris của tôi, đẹp, nên thơ, lãng mạn. Vùng Provence miền Nam nước Pháp cũng thế, tôi đã qua đó nhiều lần trong các hành trình của mình, tới vùng đất của hoa oải hương, của thành phố nước hoa Grasse, đã qua những thành phố biển đẹp đẽ của nó, từ Antibes, Cannes đến Nice. Tôi có thể đến vùng đất này nhiều lần nữa mà không hề cảm thấy chán.

+ Tại Nhà hát Bataclan- nơi diễn ra vụ khủng bố ngày 13/11/2015- làm 129 người thiệt mạng, khi đến nơi đó, đứng tại nơi đó và hình dung những điều khủng khiếp đã xảy ra, anh có suy nghĩ như thế nào?

- Khi đứng trước cái chết, hoặc một nơi nào đó gợi lên cái chết của nhiều người, có lẽ, ý nghĩ đầu tiên ập đến với ta là cuộc sống. Tôi cũng đã nghĩ về cuộc sống bị cắt ngắn bởi cái chết của 130 người, nhiều trong số đó còn rất trẻ, mới chỉ ở tầm 20 tuổi, 30 tuổi. Và rồi, tôi nghĩ đến cuộc sống của bản thân mình. Tôi nhận ra là cuộc sống thật bất trắc, dù nó rất đẹp. Không ai biết điều gì sẽ đến ngày mai, nên phải trân trọng cuộc sống mình đang có.

Cảnh như thế này không hiếm gặp ở Pháp

+ Trong suốt thời gian tại đó, đã bao giờ anh cảm thấy lạc lõng hay có những suy nghĩ muộn phiền? Nước Pháp đẹp đến như vậy nhưng có nơi nào đó, với những con người khốn khổ nào đó mà cuộc mưu sinh của họ để anh phải trăn trở?

- Tôi chưa từng cảm thấy lạc lõng trong những hành trình nước Pháp của mình, trong nhiều năm đã qua. Đương nhiên, tôi có những trăn trở. Nước Pháp đẹp, nhưng cũng có rất nhiều vấn đề, góc khuất. Nước nào cũng thế. Nước Ý, nơi tôi đã sống và làm việc trong hơn 6 năm cũng thế. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi đến các “banlieu” (các khu ngoại ô ở Paris), đến Marseille, thành phố đa chủng tộc và có mật độ người nhập cư rất cao, đặc biệt là khi đến khu Castellane ở ngoại ô Marseille, nơi huyền thoại Zinedine Zidane đã sinh ra. Đó là một khu chủ yếu là dân nhập cư thế hệ thứ 2, thứ 3, đầy tệ nạn và từ lâu nổi tiếng là tụ điểm bán ma túy. Cuộc sống ở đấy cũng rất mong manh, vất vưởng và đầy bất trắc. Tôi không hiểu, những đứa trẻ lớn lên ở đấy sẽ ra sao?

+ Tên sách là “Hẹn hò với Paris” nhưng trong cuốn sách, ngoài nước Pháp anh còn ghi lại những câu chuyện, hình ảnh của anh tại một số đất nước khác như ở Brazil, một số nước Châu Âu...Vì sao lại như vậy?

- Thực ra, sau hàng nghìn cây số tự mình lái xe trên đất Pháp, và đã tới đó trong nhiều chuyến đi khác, tôi thừa sức viết được cả một cuốn sách về nước Pháp. Nhưng như thế, tôi sợ độc giả… chán, nên tôi đã đưa vào sách thêm hành trình của mình ở Brazil và một số hành trình Châu Âu khác. Ý tưởng của tôi cũng là đặt nước Pháp lãng mạn cạnh một nước Brazil cũng đẹp, nhưng đầy trăn trở, bất trắc và bao câu chuyện về cuộc sống và cái chết. Tôi nhấn mạnh điều này trong những trang sách viết về các favela (khu ổ chuột) ở Rio de Janeiro mà tôi đã lui tới nhiều lần trong những ngày ở Brazil, thậm chí có lần đã suýt mất mạng.

Những con đường nước Pháp.

+ Như anh đã nói cuốn sách, ngoài ghi lại những trải nghiệm đẹp anh còn mong muốn truyền cảm hứng đi, vươn mình ra thế giới tới các bạn trẻ. Vậy theo anh các bạn ấy cần chuẩn bị những gì để có “mối tình” đẹp như anh đã có?

- Thông điệp của tôi với các bạn trẻ là “Đi khi ta còn trẻ”. Đừng đợi đến khi mình giàu, mình đủ đầy vật chất thì mình mới đủ dũng cảm bước ra thế giới. Cũng đừng đợi đến khi mình có bạn đồng hành và đồng hành phải thật đông thì mới đi. Đặc biệt đừng nghĩ rằng, trẻ thì không đi được, ít tiền thì không đi được. Đi ra thế giới phải là một quá trình song hành với việc sống của mình. Càng đi càng mở mang đầu óc, càng tiếp cận được các nền văn hóa và con người khác nhau, ta càng lớn lên, trở nên vị tha hơn. Đi cho chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng đấy. Điều này thì tôi luôn viết trên Facebook của mình.

Những cánh đồng oải hương ở Provence

Hành trang của việc đi không chỉ đơn giản là tiền và cái valy, mà là tri thức, là khát khao tìm hiểu thế giới và tìm hiểu chính khả năng của bản thân mình trong các hành trình, là vốn sống và kiến thức sống- những thứ được bồi bổ trong những hành trình. Nên nhớ rằng, đi không phải là vấn đề của tiền bạc, mà là lòng dũng cảm, như nhà văn của tác phẩm “Nhà giả kim” Paulo Coelho đã nói. Tôi đã đi ra thế giới khi còn rất trẻ, và sau 20 năm kể từ ngày đó, tôi vẫn đi, và rồi tôi sẽ còn đi nhiều nữa, tại sao bạn lại không? Chúng ta sinh ra đâu chỉ để sống ở một nơi?

+ Xin cảm ơn anh!

Nguyệt Hồ (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cung-truong-anh-ngoc-hen-ho-voi-paris-post55524.html