Cung ứng nguyên phụ liệu cho ngành dệt may: Còn lắm gian truân!

Hội thảo “Thực trạng nguồn cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may trong nước” nằm trrong khuôn khổ Triển lãm quốc tế về máy, thiết bị và nguyên phụ liệu dệt may 2010 do Tập đoàn dệt may Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Nguồn nguyên phụ liệu sản xuất trong nước phục vụ ngành dệt may còn rất khiêm tốn. CôngThương - Phát biểu tại hội thảo, đại diện của Hiệp hội dệt may thêu đan TP.Hồ Chí Minh cho biết; trong năm 2009 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may cả nước đạt 9,1 tỷ USD, tương đương năm 2008. Tập trung vào 3 thị trường chính là Hoa kỳ (55,1%), EU (18,2%) và Nhật Bản (10,5%). Tuy nhiên, chỉ có xuất khẩu sang Nhật Bản tăng (16,3%) với kim ngạch đạt 954 triệu USD, còn Hoa Kỳ chỉ đạt 4,99 tỷ USD (giảm 2,2%) và EU 1,65 tỷ USD (giảm 3,1%). Mặc dù xuất khẩu giữ vững vị trí so với cùng kỳ nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là việc cung ứng nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu. Vì trên thực tế tỷ lệ nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu vẫn chiếm con số cao với 7,36 tỷ USD; trong đó bông chiếm 417 triệu USD, sợi 723 triệu USD, vải 4,1 tỷ USD, phụ liệu tính chung cho cả dệt may & da giày: 2,19 tỷ USD, chất dẻo làm nguyên liệu xơ, sợi tổng hợp: 2,2 tỷ USD. Và tập trung ở các thị trường Trung Quốc với 2,09 tỷ USD, Đài Loan 1,47 tỷ USD, Hàn Quốc 1,44 tỷ USD, Nhật Bản 466 triệu USD. Con số này cho thấy, mỗi năm, ngành dệt may của nước ta đang phải nhập tới 70% nguyên phụ liệu của nước ngoài, trong khi đó nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 30% và tập trung vào một số sản phẩm như bông đã đáp ứng được 10%; xơ, sợi tổng hợp đáp ứng khoảng 60%; sợi 70%; vải 50%; phụ liệu 70%… Một trong những nguyên nhân Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu là do sản lượng, diện tích trồng bông trong nước còn quá ít. Một số nguyên phụ liệu khác mà trong nước đã sản xuất được thì giá thành lại cao hơn sản phẩm nhập khẩu (cao hơn 5%) và có chất lượng không ổn định. Khẳng định tầm quan trọng của nguyên phụ liệu trong sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam, một nhà nhập khẩu của Mỹ cho rằng; nếu như Việt Nam cứ giậm chân một chỗ như tình trạng hiện nay thì trong 10 năm tới ngành dệt may sẽ bị nhấn chìm bởi các nước bạn như Indonesia, Pakistan… Theo phân tích của nhà nhập khẩu này thì Việt Nam cần xây dựng cho mình một nguồn cung cấp nguyên phụ liệu ổn định để không phải phụ thuộc vào nhập khẩu, hơn nữa, các doanh nghiệp muốn đứng vững thì phải nhanh chóng chuyển đổi từ sản xuất gia công sang FOB để tăng giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng cần phải cải tiến chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường và có thể cạnh tranh được với các sản phẩm của Trung Quốc và các nước ASEAN khác. Chính vì vậy, để giải quyết bài toán nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Phát triển cây bông vải Việt Nam đến năm 2015”; Bên cạnh đó Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đang triển khai xây dựng nhà máy sản xuất sợi tổng hợp tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng) với công suất 600 tấn/ngày, dự kiến năm 2012 sẽ đi vào sản xuất đáp ứng 100% nhu cầu xơ, sợi tổng hợp cho ngành dệt. Ngoài ra, Vinatex cũng đang xây dựng 4 khu công nghiệp dệt, nhuộm tại các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Long An, Trà Vinh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành dệt may. Bên cạnh vấn đề về nguyên phụ liệu, hội thảo còn xoay quanh thảo luận việc sử dụng đặc quyền thuế cho việc cung ứng nguyên liệu trong nước và khu vực Asean của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Ông Nguyễn Quan Phúc – Phó phòng quản lý XNK (Bộ Công Thương) cho rằng; các mặt hàng của Việt Nam xuất qua các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc tuy không đòi hỏi gắt gao về nguồn gốc xuất xứ nhưng khi xuất hàng qua Nhật, Úc, Mỹ thì hầu như các sản phẩm của Việt Nam đều gặp khó khăn khi chứng minh nguồn gốc. Thực tế cho thấy, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) đã phần nào khẳng định tính hiệu quả về mặt thương mại của hiệp định này trong hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Vì vậy các doanh nghiệp phải thực hiện việc xin cấp chứng nhận C/O (C/O ưu đãi) để chứng minh cho nguồn gốc xuất xứ sản phẩm của mình. Mặc dù việc cấp C/O còn phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng theo ông Phúc, để đảm bảo các lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng khi xuất khẩu sang một số thị trường ASEAN - Nhật Bản, các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật, nghiên cứu, tính toán cách tính thuế giảm qua các năm để có thể áp dụng loại C/O thích hợp nhất. Nếu các doanh nghiệp dệt may trong nước có thể cung ứng tốt nguồn nguyên phụ liệu và tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong khu vực Asean thì việc phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu năm 2010 lên 10,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2009 sẽ không còn khó khăn. Mai Ca Nguồn nguyên phụ liệu sản xuất trong nước phục vụ ngành dệt may còn rất khiêm tốn.

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/kinh-te/cung-ung-nguyen-phu-lieu-cho-nganh-det-may-con-lam-gian-truan/32/0/31995.star