CÙNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Rừng Sác là một vùng rừng ngập mặn được ví là “lá phổi xanh” của TP Hồ Chí Minh, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với hơn 75.000ha, Rừng Sác đã góp phần không nhỏ trong việc điều hòa không khí, làm giảm tác hại của ô nhiễm không khí, nước biển dâng cho TP Hồ Chí Minh và toàn khu vực. Vậy nhưng, ở vùng “lá phổi xanh” ấy, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng đã hiển hiện rõ ràng.

Những vụ ngập lụt, sạt lở đất đã và đang xảy ra đe dọa tới sự an nguy của hàng trăm hộ gia đình, khiến chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 70 hộ dân và chuẩn bị di dời tiếp 70 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm ở khu vực cầu Dần Xây. Tuy vậy, những người dân ở đây vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho việc di dời, khiến các cơ quan chức năng phải rất vất vả trong việc tuyên truyền, kêu gọi sự hợp tác. Tương tự, cách đó hơn 200km, ở huyện Chợ Mới (An Giang), mặc dù những dấu hiệu sạt lở sông Vàm Nao đã xuất hiện trước đó, nhưng nhiều hộ dân trong khu vực vẫn bình thản cho rằng nhà mình có nền móng rất kiên cố, nên không thể bị sạt lở. Chỉ đến khi cả dãy phố bị con sông nuốt chửng, họ mới thấy bàng hoàng.

Hiện nay, dường như ai cũng đã biết và nhắc tới chuyện BĐKH nhưng không ít người còn nghĩ rằng, BĐKH chưa thể tác động tiêu cực ngay lập tức đến cuộc sống của mình. Vì vậy, người ta vẫn thờ ơ khi cơ quan chức năng ra sức kêu gọi, vận động ra khỏi vùng nguy hiểm bởi thiên tai. Người ta vẫn thản nhiên nổ máy xe, thải khí độc ở ngã tư đèn đỏ, dù việc tắt máy xe không phải là việc nặng nhọc; thản nhiên chặt cây, đốn rừng và nhiều người cũng chưa tự giác, chưa thấy thực sự thoải mái khi phải đi trồng cây xanh theo phong trào trồng cây gây rừng, ứng phó với BĐKH…

Bởi thế, trong cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về BĐKH gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải lên tiếng rằng, nếu người dân không nhận thức được tác động và biện pháp ứng phó với BĐKH thì “chúng ta có đổ tiền, đổ của vào cũng không đạt kết quả”.

Rừng Sác là một vùng rừng ngập mặn được ví là “lá phổi xanh” của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: thanhnien.com.vn

Muốn người dân nâng cao nhận thức trong ứng phó với BĐKH thì việc tuyên truyền, phổ biến, vận động cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, hằng ngày. Phải minh họa bằng những hình ảnh thực tế về thảm họa thiên tai, để từ đó vận động người dân tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc ngăn ngừa và giảm nhẹ những hậu quả của thiên tai.

Việt Nam đã có hệ thống chế tài đủ nghiêm khắc từ cảnh cáo tới phạt tiền, phạt tù đối tượng có hành vi gây phương hại cho môi trường. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải thực thi cho nghiêm những quy định này, xử lý nghiêm khắc mọi trường hợp xâm hại đến môi trường để nâng cao hiệu quả giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.

Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm cần nêu gương để gây hiệu ứng cộng hưởng trong việc bảo vệ môi trường trong toàn xã hội. Nên chăng, mỗi khi có một đồng chí lãnh đạo trồng cây ở nơi mình đến thăm, thay vì ghi “Cây lưu niệm do đồng chí A trồng”, thì ghi thành “Cây góp phần bảo vệ môi trường do đồng chí A trồng”, hay “Cây góp phần phòng, chống BĐKH do đồng chí A trồng” sẽ là thông điệp rõ ràng hơn trong việc kêu gọi toàn dân tham gia vào việc bảo vệ môi trường, phòng, chống BĐKH.

Những việc như thế nếu được thực hiện sẽ góp phần tích cực thúc đẩy cả hệ thống chính trị, cả xã hội cùng đồng lòng trong công cuộc ứng phó với BĐKH, giảm tối đa tác hại tiêu cực của BĐKH.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/cung-ung-voi-bien-doi-khi-hau-507908