Cung vượt cầu, ngành Xi măng nỗ lực giảm sức ép

Trong những tháng đầu năm 2023, thị trường xi măng luôn trong tình trạng dư thừa, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành gặp khó.

Phòng điều hành Trung tâm của Công ty CP Xi măng La Hiên.

Ông Lê Bá Chức, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng La Hiên, DN trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - TKV (TCT-CNM Việt Bắc) nhận định: Năm 2023, tình trạng mất cân đối cung - cầu của ngành Xi măng diễn ra trầm trọng và là năm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử gần 30 năm của thương hiệu “Xi măng La Hiên”. Do thị trường xi măng trong nước tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của DN. Kết quả sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm của DN đạt thấp so với kế hoạch được giao. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ đạt 298.255 tấn, bằng 40,3% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt gần 318 tỷ đồng, bằng 43%.

Tương tự, Công ty CP Xi măng Quán Triều (trực thuộc TCT-CNM Việt Bắc) cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Tính đến hết tháng 6/2023, DN mới sản xuất và tiêu thụ được 306.000 tấn xi măng, đạt trên 40% kế hoạch năm, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCT-CNM Việt Bắc: Trong gần 3 thập kỷ qua, TCT-CNM Việt Bắc đã và đang phát triển lĩnh vực công nghiệp vật liệu xây dựng, trong đó sản xuất xi măng chiếm phần lớn sản lượng. Hàng năm, lượng xi măng sản xuất của TCT-CNM Việt Bắc đạt khoảng 2,5 triệu tấn, góp phần giải quyết nhu cầu về vật liệu xây dựng trong nước, đặc biệt là các tỉnh trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Riêng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, DN có 2 đơn vị thành viên là Xi măng Quán Triều và Xi măng La Hiên, thường xuyên cung ứng ra thị trường 1,5-1,7 triệu tấn sản phẩm/năm, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Xe chuyên dụng chở sản phẩm xi măng rời tại Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn.

Tuy nhiên, theo ông Bình, từ đầu năm đến nay, các DN sản xuất xi măng trực thuộc TCT-CNM Việt Bắc phải chịu áp lực rất lớn. Thị trường xuất khẩu xi măng thế giới bị ảnh hưởng do cuộc xung đột Nga - Ukraine, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc sụt giảm do thị trường bất động sản nước này chưa hồi phục hoàn toàn.

Ở trong nước, thị trường bất động sản trầm lắng, việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ xi măng và giá bán giảm. Trong khi đó, giá điện, than và nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng ở mức cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Kết quả 6 tháng đầu năm nay, chỉ tiêu về sản xuất và tiêu thụ xi măng của TCT-CNM Việt Bắc mới đạt trên 1.028.540 tấn, bằng 42% kế hoạch năm.

Tương tự, đối với Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn (trực thuộc Tổng Công ty CP Xây dựng công nghiệp Việt Nam), ông Đặng Quang Cường, Kế toán trưởng Tổng Công ty, chia sẻ: Từ năm 2022 đến nay, do thị trường tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu tiếp tục sụt giảm, trong khi thuế xuất khẩu clinker tăng từ 5% lên 10%; giá xăng dầu, nguyên, nhiên liệu có chiều hướng tăng khiến DN gặp nhiều bất lợi.

Chỉ tính riêng năm 2022, Xi măng Quang Sơn sụt giảm tiêu thụ trên 216.980 tấn xi măng và 531.530 tấn clinker các loại. Tổng doanh thu đạt trên 602 tỷ đồng, bằng 55,2% kế hoạch năm được giao. "Do thị trường xi măng hiện nay cung luôn vượt cầu nên mục tiêu đạt tổng doanh thu trên 1.063 tỷ đồng trong năm 2023 của Xi măng Quang Sơn rất khó thực hiện..." - ông Đặng Quang Cường cho biết thêm.

Để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm xi măng, theo đại diện lãnh đạo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trước mắt, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần thực hiện tốt Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ xuất khẩu bằng cách giảm thuế xuất khẩu clinker và có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hỗ trợ giá bán các mặt hàng trọng yếu như điện, than, xăng, dầu... là đầu vào của ngành sản xuất xi măng.

Cùng với đó, các DN cũng cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới và trong nước để điều chỉnh linh hoạt, kịp thời kế hoạch sản xuất - kinh doanh; đẩy mạnh việc tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên, vật liệu đầu vào sản xuất, kết hợp nghiên cứu phát triển các loại xi măng bền sun phát phục vụ xây dựng các công trình ven biển, hải đảo.

Theo đại diện lãnh đạo TCT-CNM Việt Bắc, để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh chủ yếu trong năm 2023, cụ thể là trong quý III sản xuất và tiêu thụ 550.000 tấn xi măng, đảm bảo chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận, Tổng Công ty đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về xây dựng chính sách bán hàng linh hoạt, gắn với đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng và giữ vững thị trường tiêu thụ truyền thống. Đồng thời, tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/cong-nghiep/202307/cung-vuot-cau-nganh-xi-mang-no-luc-giam-suc-ep-61230f1/