Cùng xây tổ ấm

3 giờ sáng, dì Năm đã trở dậy với những thúng gạo nếp, đậu được đong, ngâm sẵn từ tối qua. Vo nếp, vuốt đậu, cời thêm bếp than đang còn ấm hồng, dì Năm lần lượt hong 8 bếp xôi các loại. Hơn 100kg nếp, đậu mỗi ngày và gấp đôi chừng đó vào mỗi cuối tuần cùng những gói xôi nóng thơm đã trở thành cái nghề thiết thân của dì Năm. Cái tên dì Năm Xôi cũng đã thay thế cho cái tên Ngọc Linh hoa mỹ thời con gái mà cha mẹ đặt cho dì. Và quan trọng hơn nữa là những đồng tiền chắt chiu từ những gói xôi nho nhỏ này đã nuôi 4 người con ăn học thành tài.

Cũng trong suốt 40 năm qua, từ gánh xôi nóng của dì đã hiện ra ngôi nhà cấp 4 khang trang, chiếc xe máy cho cậu con cả đi thực tập ở công trình xây dựng cách nhà 80km, chiếc máy may cho cô con gái thứ mở tiệm may đầu ngõ, 2 cậu út sinh đôi cũng no cơm, ấm áo trong thời gian chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp đại học. Cũng từ gánh xôi này mà dì Năm duy trì được thuốc thang cho dượng Năm trong 2 năm ròng điều trị bệnh phổi. Gặp dì lúc bán xôi hay quét sân, phơi áo, lúc nào dì cũng tươi cười. Câu đầu tiên khi được hỏi thăm, dì đều nói: “Ơn trời cho sức khỏe, cho gia đình êm ấm, hòa thuận là dì mừng lắm”.

Câu chuyện êm ấm, hòa thuận cũng khá đặc biệt với chị Hồng, người phụ nữ duy nhất của xóm tôi làm nghề bốc vác cá. Chị có vóc người to khỏe, giọng nói rổn rảng, đi lại huỳnh huỵch như ...đàn ông. Và có vẻ như với sức vóc đó, những việc ông trời gieo xuống vai chị toàn là việc nặng nhọc: Giúp việc nhà, phụ hồ, chạy xe chở hàng, chạy xe ôm đưa đón trẻ nhỏ đi học và bây giờ là bốc vác cá ở cảng Bến Đá. Ngày của chị cũng bắt đầu từ 3 giờ sáng, thậm chí 1 giờ khuya khi tàu ghe cập bến. Và kết thúc từ lúc phố đêm lên đèn ở khu vực nhập cá của các vựa thu mua hải sản. Giờ đó chị mới quầy quả trở về con hẻm nhỏ nhà mình với túi cá vụn, mớ rau cuối buổi chợ. Nhưng đến nhà chị rồi thì không ai nói đây là ngôi nhà của một người phụ nữ chân lấm tay bùn đâu. Phòng khách có bộ ly tách sứ trắng, bình hoa giấy đặt trên tấm lót bằng len móc hình ngôi sao xinh xinh, chiếc bình thủy nhựa Rạng Đông lúc nào cũng sóng sánh nước chè xanh thơm ngát. Chị vào bếp cũng thật nhanh, thật gọn và “hiệu quả trên từng món ăn” như cách giải thích của chị “cứ cái gì tươi là ngon”. Bữa cơm của nhà chị do tính chất nghề nghiệp vẫn luôn có mặt của các món chế biến từ cá, mực, ốc. Không phải quá sang, đắt tiền, mà cứ luôn hấp dẫn: Cá cơm kho rau răm, canh cá trích nấu măng chua, móng tay xào mỡ hành, rau dền luộc. Chắc nhờ vậy mà 2 thằng con chị cứ tròn như củ khoai, lúc nào cũng toe miệng cười, kể cả lúc mẹ mắng sao chưa dọn bàn ăn, chưa quét nhà, lau nhà. Sau bữa cơm, chồng chị vừa rửa chén vừa nhắc 2 thằng bé ngồi vào bàn học. Chị thì ôm đống đồ ra phòng khách ủi cho anh còn kịp giờ đi trực ca buổi tối. Chị Hồng nói vui mà thật: “Làm bảo vệ khách sạn phải ăn mặc đẹp như… sếp vậy! Vì mình đứng trước cổng, là đại diện cho bộ mặt công ty chớ phải chơi đâu. Cử trưa ảnh đã về sớm lo cho con rồi nên cử tối ảnh phải đi sớm để thay ca cho anh bạn về đưa con đi học thêm, vì vợ anh đó cũng đi làm phụ quán ban đêm”. Nghe chị nói, anh thêm vào: “Nhà nào cũng hoàn cảnh. Công việc tìm được khó lắm nên cả vợ cả chồng phải chia việc nhà ra mà làm, không sanh nạnh nhau được đâu. Mà cũng là việc chung hết, đâu có việc gì là đặc cách dành cho đàn ông, đàn bà. Tui cũng nghe người ta nói giải phóng phụ nữ, nhưng như nhà tui thì cả hai vợ chồng tui cùng trói buộc nhau trong trách nhiệm làm kiếm tiền nuôi con, không phân biệt việc của chồng hay của vợ cho rắc rối”.

Ngồi nghe anh chị nói chuyện và nghe tiếng cười rộn rã của 2 thằng bé nhà anh chị chạy xe đạp với đám con nít ở ngoài đầu con hẻm nhỏ của xóm lao động nghèo mà thấy lòng vui hẳn. Chợt nhớ sáng chủ nhật tuần rồi, lúc ngồi cùng những người bạn chuyện phiếm về phụ nữ, về câu tục ngữ Việt quen thuộc “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, hình như mọi người đã quên đi một vế, người thu vén, lo toan mọi việc trong một gia đình là người mẹ, người vợ, người chị. Nhưng chính tình yêu và trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình là ngọn lửa sưởi ấm và lưu giữ bền vững mọi giá trị truyền thống của một mái nhà yêu thương.

GIA AN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/thoi-su-binh-luan/201810/cung-xay-to-am-819603/