Cuộc cách mạng 4.0 và giáo dục khai phóng kiểu Mỹ

Cuốn sách 'Làn sóng thứ 5 - Giáo dục khai phóng kiểu Mỹ' của tác giả Michael M. Crow và William B. Dabars được đúc kết từ nhiều lĩnh vực như thiết kế, kinh tế, công nghệ, xã hội học... dành cho độc giả quan tâm đến tương lai của giáo dục đại học.

Với sự hiểu biết sâu sắc về tình hình giáo dục đại học, Michael M. Crow và William B. Dabars tạo ra một đề xuất tái cấu trúc toàn diện cho hệ thống giáo dục đại học Hoa Kỳ. Bằng việc nghiên cứu thành công của Đại học Bang Arizona, họ đưa ra một cách tiếp cận mới, có thể được áp dụng cho các nước khác, bao gồm Việt Nam.

Thông qua Làn sóng thứ 5 - Giáo dục khai phóng kiểu Mỹ, các tác giả muốn thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và tạo ra các giải pháp đột phá để giáo dục đại học đáp ứng những thách thức cấp bách của thời đại.

Dưới sự tác động của cuộc Cách mạng 4.0, nhiều dự đoán cho rằng sẽ có sự thay đổi lớn trong cách sống và làm việc của con người. Theo các chuyên gia giáo dục, thay vì chỉ làm một công việc cả đời, trong tương lai, hơn 65% số lượng học sinh tiểu học hiện nay sẽ được tuyển dụng vào những ngành nghề thậm chí còn chưa xuất hiện.

Cuốn sách còn khám phá các khía cạnh khác nhau của cách mạng công nghệ và sự ảnh hưởng của nó. Tác giả nêu ra ví dụ cụ thể về cách mà AI và tự động hóa đã thay đổi ngành công nghiệp, từ sản xuất và dịch vụ tới lĩnh vực y tế, giáo dục.

Tuy nhiên, Làn sóng thứ 5 - Giáo dục khai phóng kiểu Mỹ không chỉ tập trung vào những khía cạnh tích cực của cách mạng công nghệ, mà còn đặt ra câu hỏi về tác động tiêu cực có thể xảy ra. Các tác giả thảo luận về tình trạng thất nghiệp và chênh lệch thu nhập gia tăng do tự động hóa, cũng như vấn đề về quyền riêng tư và an ninh thông tin trong thời đại kỹ thuật số.

Cuốn sách 'Làn sóng thứ 5 - Giáo dục khai phóng kiểu Mỹ'.

Cuốn sách 'Làn sóng thứ 5 - Giáo dục khai phóng kiểu Mỹ'.

Theo Michael M. Crow và William B. Dabars, làn sóng thứ 5 được hình thành trên cơ sở làn sóng thứ 4, giai đoạn đặt tiêu chuẩn vàng cho học thuật, đem tới cho quá trình sáng tạo và đổi mới tri thức một làn gió kinh doanh năng động, giúp hàng triệu người trở nên giàu có. Đồng thời, làn sóng thứ 5 còn củng cố vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trong nền kinh tế tri thức.

Quá trình chuyển dịch sang làn sóng thứ 5 bắt đầu với sự xuất hiện của một nhóm trường đại học nghiên cứu công lập quy mô lớn, nổi bật về khả năng tích hợp giữa việc mở rộng cơ hội học tập và quy mô tăng trưởng dân số. Từ đó, đẩy mạnh sự sáng tạo và đổi mới tri thức phục vụ lợi ích công, góp phần nâng cao an sinh xã hội.

Với nguyên lý quân bình và cam kết làm bật lên sứ mệnh phục vụ công của đại học nghiên cứu Hoa Kỳ, làn sóng thứ 5 chính là sự mở rộng của mô hình "Đại học Hoa Kỳ mới".

Mô hình "Đại học Hoa Kỳ mới" định nghĩa lại đại học nghiên cứu Hoa Kỳ như là một doanh nghiệp tri thức phức hợp và thích nghi toàn diện, với cam kết khoa học, sáng tạo và đổi mới, dễ tiếp cận với càng nhiều đối tượng sinh viên càng tốt, cả về địa vị kinh tế xã hội cũng như trí tuệ.

Mô hình này cũng giúp bổ sung tính dễ tiếp cận cho một nền tảng học thuật kết hợp nghiên cứu và giảng dạy, tính bao trùm cho khu vực dân số gồm nhiều thành phần kinh tế xã hội.

Phước Sáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuon-sach-ban-ve-cuoc-cach-mang-4-0-va-giao-duc-khai-phong-kieu-my-2278767.html