Cuộc cách mạng không tiền mặt ở Trung Quốc

Hệ thống thanh toán trực tuyến của Trung Quốc nổi tiếng là an toàn, nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, không dễ để phần còn lại của thế giới có thể áp đặt mô hình này.

Tiền mặt đang dần biến mất khỏi các thành phố lớn ở Trung Quốc. Không có Alipay hay WeChat Pay, những du khách nước ngoài giờ đây phải chật vật với việc thanh toán tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trong khi đó tại Mỹ, người dân vẫn chưa mặn mà lắm với thanh toán điện tử. Đối với họ, việc lấy một tấm thẻ ngân hàng ra khỏi ví không bất tiện hơn là bao so với chiếc smartphone. Trong mắt người Mỹ, hệ thống thanh toán điện tử của Trung Quốc cũng không khác mấy những Venmo, Paypal của họ.

Cuộc cách mạng không tiền mặt

Không chỉ dừng lại ở khâu chi trả, nền kinh tế kỹ thuật số này còn tạo ra các giá trị mới, những mô hình kinh doanh mới trong hệ sinh thái dịch vụ ôm trọn lấy người dùng.

Cụ thể, bên cạnh khả năng chi trả những khoản mua bán nhỏ lẻ, thanh toán điện tử tạo nên tính liền mạch giữa các nhà cung cấp dịch vụ: người bán có thể giới thiệu sản phẩm, tính năng mới cho khách hàng ngay lập tức thông qua ứng dụng. Từ đó trải nghiệm sản phẩm, mức độ trung thành, tương tác của người dùng cũng được nâng cao, chuỗi giá trị mạng cũng được hình thành.

Ví dụ, ứng dụng âm nhạc Kuguo nổi tiếng ở Trung Quốc tặng cho người dùng đồng tiền "song coins" dựa trên mức độ tương tác. "Song coins" có thể đổi thành đồng Nhân dân tệ để chi tiêu ngoài đời thật.

Trung Quốc thành lập những phòng thanh toán bù trừ cho các giao dịch trực tuyến. Ảnh: South China Morning Post.

Bên cạnh việc loại bỏ các chi phí trung gian, thanh toán điện tử kiểu Trung Quốc còn tạo ra liên kết vững chãi. Các trang thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến như Alibaba có thể hợp tác với những dịch vụ thanh toán điện tử như Alipay của Ant Financial, WeChat Pay của Tencent để thu hút hơn 1 tỷ người dùng hoạt động thường xuyên, theo số liệu từ nhóm tư vấn thanh toán Aite Group. Đây cũng chính là khoảng hụt mà các nhà phát triển ứng dụng của Mỹ chưa thể bắt kịp.

Còn đối với cộng đồng crypto, những người có niềm đam mê với tiền điện tử hay blockchain, các giá trị mà hệ thanh khoản online của Trung Quốc tạo ra cũng là mục tiêu mà họ hướng tới.

Vậy phải chăng Trung Quốc đã cho người ta thấy chẳng cần đến blockchain cũng có thể tạo ra hệ thống giao dịch an toàn từ thiết bị đến thiết bị, một chuỗi giá trị Internet đáng tin cậy mà người ta có thể trông đợi?

Trung Quốc khó 'xuất khẩu' hệ thống thanh toán

Tuy nhiên, có một thực tế là nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc khó có thể xuất khẩu ra ngoài lãnh thổ.

Dù một số nhà cung cấp ở Mỹ cho phép khách du lịch Trung Quốc mua hàng tại Mỹ bằng tài khoản WeChat hay Alipay, hầu hết hoạt động này đều chỉ diễn ra tại Trung Quốc.

Còn khi những Alipay, WeChat cố gắng xâm nhập vào các thị trường khác, một trong những vấn đề nan giải phải đối mặt là không dễ để thực hiện các giao dịch hoán đổi tiền tệ chéo (được thực hiện giữa hai loại tiền tệ khác nhau bởi hai bên giao dịch mà không chuyển sang USD) với nước sở tại.

Không giống như tiền điện tử, hệ thống thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc hoàn toàn được xây dựng dựa trên các ngân hàng của nước này, với giao dịch thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ. Điều này cũng đồng nghĩa, những tài khoản tham gia giao dịch vẫn nằm trong hệ thống của các ngân hàng Trung Quốc, thay vì độc lập như Bitcoin hay các loại tiền điện tử khác.

Một lý do khác nằm ở phí thanh toán thẻ mà các ngân hàng ở Trung Quốc đặt ra cho người bán nước này không đắt như tại Mỹ. Điều này giúp các nhà cung cấp thanh toán điện tử có thêm điều kiện để mở rộng dịch vụ của mình.

Hệ thống thanh toán trực tuyến của Trung Quốc được hậu thuẫn rất lớn bởi các ngân hàng trong nước. Ảnh: Fortune.

Nhưng điều quan trọng nhất nằm ở chỗ, hệ thống ngân hàng Trung Quốc hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của chính quyền nước này. Mức lãi suất trần cho các khoản vay tài chính mà các ngân hàng này đặt ra đều dựa trên những tính toán kỹ lưỡng của chính quyền Trung Quốc.

Ant Financial và Tencent có các hợp đồng tài chính với các ngân hàng khác nhau. Tuy nhiên, nguồn lợi của họ có được đều nhờ vào một khung chính sách về lãi suất mà mọi ngân hàng lớn của Trung Quốc đều phải tuân theo.

Hiện tại, khung chính sách này vẫn được lòng người gửi tiết kiệm Trung Quốc bởi không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của họ, trong khi vẫn giúp tăng trưởng kinh tế và các dịch vụ tiện ích như của Tencent và Alibaba được mở rộng.

Có dễ nhân rộng mô hình của Trung Quốc?

Không nhiều chính phủ có thể áp đặt kiểm soát của mình lên hệ thống ngân hàng trong nước như Trung Quốc. Venezuela hay Arghentina là những cái tên đã từng cố gắng, song cả hai cũng tạo ra những cuộc khủng hoảng kinh tế tại chính quốc gia của mình.

Ở Mỹ, nhiều công ty vẫn đang hưởng các khoản phí từ việc giải quyết, xử lý hoạt động thanh toán. Do đó, không dễ để các ông chủ ngân hàng, những người điều hành tín dụng dễ dàng chấp nhận việc các hoạt động thanh toán có thể diễn ra trôi chảy, chi phí thấp mà không cần nhờ đến họ.

Nhanh chóng, tiện lợi, an toàn là những giá trị mà mọi hệ thống thanh khoản hướng tới. Ảnh: Coindesk.

Nỗi ác mộng với ngành công nghiệp tài chính của Mỹ chính là việc một công ty công nghệ nào đó xuất hiện, dù là "đồng hương" như Amazon, Google hay "ngoại bang" như Tencent, Ant Financial tạo ra một ứng dụng thanh toán kiểu Alipay hay Wechat, cướp đi của họ hàng tỷ USD doanh thu hàng năm.

Ngoài ra, việc người dùng trữ tiền trên các ứng dụng thanh toán mà không phải ngân hàng khiến nhà băng mất đi nguồn vốn cho vay, yếu tố tạo ra lợi nhuận đáng kể của nhóm doanh nghiệp này.

Vậy nếu như không thể buộc các ngân hàng hỗ trợ thanh toán điện tử, điều gì có thể thay thế?

Câu trả lời có thể nằm ở tiền điện tử và công nghệ blockchain. Hơn cả mô hình của Trung Quốc, khả năng thanh toán xuyên quốc gia chính là yếu tố khiến tiền điện tử hoặc các giao thức thanh toán dựa trên blockchain sẽ trở thành tương lai của hoạt động giao dịch toàn cầu.

Huỳnh Lộc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-cach-mang-khong-tien-mat-o-trung-quoc-post886650.html