Cuộc cách mạng nhà chọc trời làm bằng gỗ trên thế giới

Mở cửa năm 2019, tòa tháp 18 tầng Mjostarnet cao 85m mọc lên bên cạnh hồ Mijosa ở thành phố Brumunddal, Na Uy đã trở thành tòa nhà bằng gỗ cao nhất thế giới.

Tòa nhà Mjostarnet mở cửa năm 2019. Ảnh: Voll Arkitekter AS/RicardoFoto

Tòa nhà Mjostarnet mở cửa năm 2019. Ảnh: Voll Arkitekter AS/RicardoFoto

Theo kênh CNN (Mỹ), tòa nhà Mjostarnet có căn hộ, văn phòng và khách sạn Gỗ. Nó là bằng chứng cho thấy gỗ có thể là lựa chọn thay thế bền vững cho bê tông và thép.

Ông Oysstein Elgsaas, thành viên tại công ty kiến trúc Voll Arkitekter xây tòa nhà lập kỷ lục trên, nói: “Để thu hút sự chú ý, bạn phải xây nhà cao. Khi bạn có tòa nhà cao nhất thế giới làm bằng gỗ, ai cũng trầm trồ: ‘Chuyện gì đang diễn ra ở Na Uy thế?’. Mọi người quan tâm và đó là phần quan trọng nhất của tòa nhà. Nó có thể truyền cảm hứng để người khác xây những tòa nhà tương tự”.

Mjostarnet là tòa nhà bằng gỗ cao nhất thế giới. Ảnh: Vjus AS

Tòa nhà hình thành và lập kỷ lục nhờ làm bằng một loại gỗ công nghiệp gọi là gỗ ép tấm lớn (CLT).
Sau tòa nhà Mjostarnet ở Na Uy, một loạt tòa nhà chọc trời mới bằng gỗ dự kiến sẽ được xây dựng hoặc khánh thành trong năm 2020. HoHo Vienna, một tòa nhà đa chức năng chỉ thấp hơn Mjostarnet 1,5m, vừa mở cửa để kinh doanh ở Áo.

Ở Vancouver, Canada, kiến trúc sư Shigeru Ban đã thiết kế một tòa nhà phức hợp lai bằng thép, bê tông và khung gỗ sẽ mở cửa trong năm nay.

Ở Milwaukee, Wisconsin (Mỹ), người ta sắp xây một khu căn hộ tên là Ascent bằng gỗ cao 72m vào tháng 6 tới đây.

Những người ủng hộ vật liệu gỗ cho rằng so với các lựa chọn hiện nay, các tòa tháp dùng gỗ sẽ được xây nhanh hơn, bền hơn và điều đáng ngạc nhiên là an toàn hơn khi có hỏa hoạn. Tuy nhiên, chính đặc điểm thân thiện môi trường mới khiến gỗ trở thành vật liệu làm nhà ngày càng phổ biến trong những năm gần đây.

Tòa tháp HoHo Vienna cao nhất ở Áo. Ảnh: HoHo Vienna

Xây dựng và vận hành các tòa nhà chiếm 40% lượng tiêu thụ năng lượng của thế giới và gây ra 1/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi làm bê tông sẽ thải ra lượng lớn CO2 thì cây cối lại hấp thu nó. Nếu những cây này được biến thành gỗ công nghiệp, thì carbon bị “khóa lại” chứ không trở lại bầu khí quyển khi cây chết đi. Nghiên cứu cho thấy một mét khối gỗ có thể trữ hơn 1 tấn CO2.

Các nhà xây dựng tòa nhà Ascent ở Milwaukee cho rằng sử dụng gỗ cũng tương đương với việc loại bỏ 2.100 ô tô ra khỏi đường phố. Họ nói rằng nếu đốn cây đúng lúc, tức là khi cây không thể hấp thu thêm CO2 nữa và không thể lớn hơn nữa thì đó là lúc phù hợp để dùng cây làm vật liệu xây dựng.

Nếu tòa nhà tồn tại lâu thì nó có thể “khóa” carbon trong hàng thế hệ, kéo dài vòng đời của cây trước khi nó phân hủy thêm 100 đến 200 năm.

Tòa nhà gỗ Brock Commons Tallwood ở Vancouver được ghép từ các miếng gỗ làm sẵn. Ảnh: Acton Ostry Architects/Pollux Chung

Gỗ CLT đã được dùng để xây nhà thấp tầng ở châu Âu từ những năm 1990 và từ lâu người ta đã biết lợi ích về môi trường khi xây nhà bằng gỗ khối. Vậy tại sao đến giờ các nhà xây dựng mới quan tâm tới vật liệu gỗ?

Theo kiến trúc sư Michael Green, hiện tại có nhiều điều kiện thuận lợi cùng xuất hiện. Gỗ khối ngày càng phổ biến, ngày càng nhiều nhà máy gỗ CLT ra đời và nền kinh tế quy mô lớn đã giúp giảm giá gỗ.

Trước đây, từng có nhiều dự án xây tòa nhà cao tầng bằng gỗ bị hủy bỏ do chi phí cao. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, chi phí gỗ CLT đã giảm và giờ ngang với giá vật liệu xây dựng truyền thống. Chi phí xây Mjostarnet bằng gỗ cũng tương đương xây bằng bê tông và thép.

Phối cảnh kỹ thuật số dự án táo bạo của PLP về tòa tháp gỗ cao 300 mét ở trung tâm London. Ảnh:PLP Architecture

Các nhà nghiên cứu tại Đại học New South Wales ở Australia gần đây đã hoàn thành nghiên cứu 18 tháng về so sánh nhà cao tầng bằng gỗ và nhà bằng bê tông, thép. Kết quả cho thấy xây nhà cao tầng bằng gỗ vẫn đắt hơn nếu tính về chi phí vật liệu. Tuy nhiên, nhà bằng gỗ có thể tiết kiệm theo nhiều cách khác, ví dụ như làm chi phí xây dựng giảm.

Trong bối cảnh đó, có nhiều đề xuất xây nhà cao tầng gỗ xuất hiện. Kiến trúc sư Canada, ông Michael Green, cùng với Sidewalk Labs (công ty thuộc sở hữu của Alphabet) đã đề xuất xây thành phố chọc trời bằng gỗ gồm 31 tòa nhà cao từ 25 đến 35 tầng ở khu vực ven sông tại Toronto.

Công ty Nhật Bản Sumitomo Forestry định làm một tòa nhà chọc trời bằng gỗ cao 350 mét năm 2041.Ảnh: Sumitomo Forestry Co., Ltd.

Công ty kiến trúc Anh PLP đã đề xuất xây ba tòa nhà chọc trời bằng gỗ, trong đó có một tòa tháp cao 300 mét ở trung tâm London.

Công ty Nhật Bản Sumitomo Forestry có kế hoạch chi 5,6 tỷ USD để xây một tòa nhà chọc trời bằng gỗ cao 350 mét năm 2041 để kỷ niệm 350 năm ngày thành lập.

Tuy vậy, có một rào cản với các dự án như trên là quy định xây dựng. Bản cập nhật mới nhất Quy định Xây dựng Quốc tế (quy định mà nhiều nước sử dụng làm cơ sở cho luật xây dựng) mới cho phép xây nhà gỗ cao 18 tầng vào năm 2021. Do đó, không rõ bao giờ luật sẽ cho phép xây nhà cao như các dự án nói trên.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-cach-mang-nha-choc-troi-lam-bang-go-tren-the-gioi-20200214172638198.htm