Cuộc cách mạng 'sức mạnh bàn đạp'

Mô hình chia sẻ xe đạp không trạm hiện chiếm phần lớn trong số 18 triệu xe đạp công cộng tự phục vụ ở 1.608 thành phố khắp thế giới.

Đạp xe vòng quanh thành phố có thể là ý tưởng đi tiên phong của người Hà Lan nhưng nỗ lực mang cuộc cách mạng “sức mạnh bàn đạp” đến các thành phố khắp thế giới lại nhờ vào một mô hình cho thuê xe đạp công nghệ cao.

Công nghệ giúp dịch vụ trở nên rẻ, tiện lợi hơn

Cung nhiều hơn cầu đang khiến xe đạp chia sẻ trở nên thừa mứa ở Trung Quốc.

Đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực nói trên là loại xe đạp cho thuê được tìm thấy và mở khóa bằng một vài thao tác trên điện thoại thông minh. Người sử dụng có thể thuê đạp chúng trong một giờ, cả ngày hoặc suốt tuần. Sau đó, xe được khóa lại và để ở bất kỳ điểm dừng cuối cùng nào, thay vì trả nó tại trạm đỗ xe chuyên biệt. Mô hình chia sẻ xe đạp không trạm này hiện chiếm phần lớn trong số 18 triệu xe đạp công cộng tự phục vụ ở 1.608 thành phố khắp thế giới. Đó là mức tăng ấn tượng nếu như biết rằng con số này vào cuối năm 2016 chỉ là hai triệu chiếc - theo ông Russell Meddin, đồng tác giả của một bản đồ thế giới trực tuyến về chia sẻ xe đạp.

Phần lớn sự tăng trưởng này đến từ Trung Quốc, nơi hai công ty khởi nghiệp dồi dào tiền bạc đang tranh nhau thống trị các đường phố. Công ty Ofo được ủng hộ bởi tập đoàn thương mại điện tử Alibaba trong khi Tencent Holdings – công ty giàu nhất châu Á – đang đứng sau doanh nghiệp Mobike. Với tính dễ sử dụng và sự tiện lợi, mô hình này nhanh chóng phát huy hiệu quả và được công chúng đón nhận. Những người ủng hộ cho rằng chia sẻ xe đạp tiện lợi hơn nhiều so với việc sở hữu xe đạp riêng vì bạn không phải mang theo khóa hay lo bị mất xe.

Một trong những sức hút lớn của dịch vụ là người sử dụng có thể đạp xe đến bất kỳ nơi nào cần trong thành phố rồi để nó lại điểm đến.

Mobike đã có mặt tại 100 thành phố, trong đó có Manchester (Anh) vào năm 2017 và Berlin (Đức) vào đầu năm nay. “Những dịch vụ của Trung Quốc mới thật sự có quy mô toàn cầu”, ông Steve Pyer, hiện làm việc cho Mobike và từng là thành viên kỳ cựu của chương trình thuê xe đạp “Boris Bike” tại London (Anh), nhận định. Ngoài sự tiện lợi, mô hình chia sẻ xe đạp không trạm nói trên có chi phí vận hành thấp hơn nhiều so với những dự án trước đó. Chẳng hạn như chi phí lắp đặt và bảo trì một trạm xe đạp đủ chỗ cho 25 chiếc ở London vào khoảng 100.000 bảng Anh, theo ông Pyer.

Công ty chia sẻ xe hơi
quan tâm

Các công ty chia sẻ xe hơi cũng đang háo hức nhảy vào thị trường cung cấp xe đạp để hành khách sử dụng cho những chuyến đi ngắn sau khi kết thúc cuộc hành trình bằng xe hơi. Vào tháng 4 vừa qua, Uber đã bỏ ra 200 triệu đô la mua lại công ty khởi nghiệp Jump Bikes tại thành phố New York (Mỹ). Trong khi đó, đối thủ của Uber ở Ấn Độ là Ola đã tung ra dịch vụ chia sẻ xe đạp vào cuối năm ngoái có tên là Ola Pedal.

Ông Karan Girotra, giáo sư Trường Đại học Cornell (Mỹ), chỉ ra rằng hệ thống chia sẻ xe đạp có trạm lớn nhất Trung Quốc chỉ có 65.000 xe đạp (hoạt động ở thành phố Hàng Châu) thì Ofo đang vận hành 10 triệu chiếc với hệ thống không trạm. Nhiều người sử dụng có thể vẫn còn thích hệ thống chia sẻ xe đạp truyền thống, như ở London và Paris, nhưng thực tế là chi phí vận hành nó cao hơn và doanh thu quảng cáo lại thấp hơn - ông Gitrotra cho biết thêm. Chẳng hạn như số lượng xe đạp khổng lồ của những dịch vụ như Ofo giúp chi phí cho mỗi chiếc xe đạp xuống “dưới 100 đô la” thay vì “3.000 đô la đến 5.000 đô la” đối với hệ thống dựa trên trạm.

Việc chuyển công nghệ khóa và thanh toán từ trạm xe sang xe đạp đồng nghĩa bạn có thể triển khai chúng rất nhanh chóng. Các bộ cảm biến nhận tín hiệu định vị toàn cầu GPS giúp khách hàng tiềm tàng định vị những xe đạp sẵn có trên chương trình ứng dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, việc đặt và mở khóa xe được thực hiện bằng cách quét mã QR hoặc sử dụng RFID (công nghệ nhận dạng bằng tần số vô tuyến).

Sự thách thức ở đây là không phải người sử dụng xe đạp không trạm nào cũng để chiếc xe ở nơi lý tưởng để khách hàng khác bắt đầu cuộc hành trình của họ. Vì thế, các nhà cung cấp dịch vụ phải thuê người di chuyển chúng đi. Ở thành phố Oslo (Na Uy), một công ty khởi nghiệp đang sử dụng công nghệ học máy - một hình thức phân tích dữ liệu tinh vi - để dự đoán cách phân phối xe đạp hiệu quả nhất. “Chúng tôi cố gắng tối đa hóa số chuyến đi của mỗi chiếc xe đạp trước khi cần phải di chuyển nó một lần nữa. Rất khó để làm điều đó thủ công và học máy đang tìm kiếm các khuôn mẫu và gợi ý những thay đổi chúng ta sẽ không thể tự mình làm được”, ông Axel Bentsen, Giám đốc điều hành công ty Urban Infrastructure Partner đang điều hành một chương trình chia sẻ xe đạp tại địa phương, cho biết.

Sự phát triển của dịch vụ chia sẻ xe đạp không trạm tại Trung Quốc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư khắp thế giới. Khoản vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty cung cấp dịch vụ này trên toàn thế giới đạt 2,6 tỉ đô la năm 2017, so với mức 290 triệu đô la năm 2016 – theo sự thống kê của công ty Crunchbase (Mỹ). Ông Girotra nhận xét rằng đang có cuộc đua để trở thành người đầu tiên nhảy vào những thị trường mới và các công ty đặt cược rằng “một khi vào được lĩnh vực nào đó đầu tiên, họ sẽ thu hút khách hàng và tống các đối thủ khác ra khỏi thị trường”.

Xe đạp của dịch vụ Mobike.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Dù vậy, sự phát triển quá nóng của thị trường chia sẻ xe đạp ở Trung Quốc đã dẫn đến thực trạng là cung đang vượt cầu trong lúc cuộc đua tranh giành thị phần giữa các công ty để lại những ngọn núi xe đạp bỏ hoang tại không ít địa phương. Vào tháng 9-2017, chính quyền các thành phố lớn ở Trung Quốc đã cấm các công ty đưa thêm xe đạp mới ra đường và kể từ đó các ngọn núi xe đạp bỏ hoang cũng dần giảm bớt.

Sự cạnh tranh khốc liệt cũng khiến số lượng công ty chia sẻ xe đạp tại quốc gia đông dân nhất thế giới này giảm dần. Ông Yu Xue, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường IDC, cho biết cách đây gần hai năm, lĩnh vực này có khoảng 60 công ty khởi nghiệp nhưng con số này được dự đoán giảm xuống còn mười công ty trong năm nay. Một số công ty đã phải đóng cửa do sự kinh doanh thua lỗ. Một số khác lựa chọn giải pháp sáp nhập khi nguồn vốn đầu tư trở nên khan hiếm. Ông Xue cho biết rất khó tính được mức độ thiệt hại bởi nhiều công ty khởi nghiệp đã âm thầm đóng cửa. “Tốc độ tăng trưởng về số lượng người sử dụng dịch vụ chia sẻ xe đạp đang giảm”, ông Zha Songcheng, Phó chủ tịch Hellobike, thừa nhận. Hellobike nhận mình là công ty chia sẻ xe đạp lớn thứ 3 ở Trung Quốc.

Một vấn đề khác là tiền đầu tư cũng không còn dồi dào như trước. Công ty chia sẻ xe đạp Bluegogo, có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết một trong những lý do khiến họ buộc phải “bán mình” cho đối thủ hồi tháng 11-2017 là không gọi được thêm vốn đầu tư. Ở thời kỳ đỉnh cao, Bluegogo cho biết có hơn 20 triệu khách hàng và sở hữu hơn 600.000 xe đạp. Một sự rắc rối đã nảy sinh khi các công ty đóng cửa là việc một số khách hàng không lấy lại được tiền đặt cọc để sử dụng dịch vụ, khiến họ trở nên thận trọng hơn khi sử dụng dịch vụ tương tự.

Theo ông Xue, Ofo và Mobike hiện chiếm hơn 90% thị trường Trung Quốc. Cả hai công ty này đều được định giá hơn 1 tỉ đô la, giúp họ có thứ sức mạnh tài chính mà những công ty nhỏ hơn không có. Cả Ofo và Mobike đều cho biết mục tiêu của họ hiện chưa phải là lợi nhuận mà là quảng bá thương hiệu và mở rộng thị trường. Riêng Mobike gần đây đã rơi vào tay của hãng công nghệ Meituan-Dianping, được biết đến với ứng dụng kết nối hàng trăm triệu người sử dụng với đủ loại dịch vụ, từ giao thức ăn cho đến đặt vé xe đi lại. Có thông tin nói giá trị thương vụ này khoảng 3,4 tỉ đô la. Chỉ mới ba năm tuổi, Mobike đã được định giá 3 tỉ đô la vào năm ngoái. Ban lãnh đạo công ty này thừa nhận đây là bước đi cần thiết bởi sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong thị trường.

Những công ty nhỏ hơn đang tìm cách chuyển sang mô hình kinh doanh được xem là bền vững hơn. Chẳng hạn như Hellobike gần đây tung ra dịch vụ chia sẻ xe máy điện trong nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc và xe đạp. Ngoài ra, cả Hellobike và Mobike đều đang cân nhắc nhảy vào lĩnh vực chia sẻ xe hơi. Trong khi đó, Ofo cho biết họ có thể không còn là công ty chia sẻ xe hơi vào năm 2020 mà đặt mục tiêu trở thành một nền tảng chia sẻ khổng lồ.

Có thể phải mất một thời gian nữa trước khi phần còn lại của thế giới bắt kịp với Amsterdam - nơi 66% số chuyến đi được thực hiện bằng xe đạp. Dù vậy, sự kết hợp giữa vốn đầu tư mạo hiểm và các đại gia Internet hàng đầu Trung Quốc có thể đưa chúng ta chinh phục cột mốc trên sớm hơn kỳ vọng.

(BBC, CNN)

Minh Huy

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273881/cuoc-cach-mang-suc-manh-ban-dap.html