Cuộc cải cách nhiều chông gai

Chính phủ Pháp vừa tuyên bố quyết tâm thực hiện kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí, cho phép nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi vào năm 2030. Song, nỗ lực trong việc thay đổi hệ thống hưu trí của Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đối mặt nhiều thách thức từ dư luận xã hội cho tới các đảng phái đối lập.

Chính sách hưu trí vốn đã là một bài toán “đau đầu” cho rất nhiều nhà lãnh đạo Pháp, lương hưu luôn trở thành chủ đề nhạy cảm ở quốc gia này. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng HSBC cho thấy, người Pháp không tiết kiệm đủ cho tuổi nghỉ hưu của họ. Thậm chí có tới hơn 1/3 dân Pháp không tiết kiệm gì cho tuổi già và khoảng 23% dân số thừa nhận không chuẩn bị cho quãng đời hưu trí một cách đầy đủ. Đa số người dân nước này hầu hết đều tin và dựa hoàn toàn vào chế độ lương hưu của Chính phủ. Hơn nữa, 50% người Pháp coi nhà nước là nguồn bảo đảm tiền hưu trí mà không hề tính đến tình hình thâm hụt ngân sách trầm trọng.

Quyết tâm thực hiện cải cách

Theo kế hoạch cải cách mới, tuổi nghỉ hưu sẽ được nâng dần lên từ tháng 9.2023, với tỷ lệ tăng là 3 tháng cho mỗi năm tuổi, tới năm 2027, tuổi nghỉ hưu sẽ là 63 và ở mức 64 tuổi vào năm 2030. Để được hưởng lương hưu đầy đủ, từ năm 2027, người Pháp phải làm việc đủ 43 năm. Những người bắt đầu làm việc từ 16 tuổi, có thể nghỉ hưu ở tuổi 58, còn từ 18 - 20 tuổi, nghỉ hưu từ 62 tuổi. Những người bị thương tật hay mất khả năng lao động sẽ nghỉ hưu ở tuổi 62. Người lao động bị tàn tật có thể nghỉ hưu từ 55 tuổi. Những người phải học trong thời gian dài và bắt đầu làm việc muộn sẽ nghỉ hưu ở tuổi 67.

Bên cạnh đó, đối với các ngành nghề đối mặt với rủi ro cao, như lính cứu hỏa hay binh lính có thể nghỉ hưu ở tuổi 62. Chế độ hưu trí đặc biệt cho phép nghỉ hưu sớm, gồm lái tàu điện và nhân viên của hệ thống giao thông công cộng ở Paris, công chứng viên hay kỹ sư gas và điện, sẽ bị bãi bỏ. Lương hưu tối thiểu sẽ được nâng lên 1.200 euro cho toàn bộ người về hưu. Pháp hiện là một trong những nước châu Âu có hệ thống lương hưu hào phóng nhất trong Liên minh châu Âu (EU) với ngân sách hưu trí chiếm 13,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Song, độ tuổi về hưu tại pháp cũng thấp nhất EU nếu so tuổi về hưu theo luật định ở Đức, Bỉ, Tây Ban Nha là 65 hay ở Đan Mạch là 67.

Hiện ở Pháp có khoảng 42 mức hưu trí khác nhau dành cho người lao động thuộc những ngành nghề khác nhau. Với quan điểm đơn giản hóa hệ thống hưu trí và xóa bỏ bất bình đẳng giữa các chế độ hưu trí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ khi lên cầm quyền năm 2017 đã theo đuổi mục tiêu rút gọn hệ thống lương hưu cồng kềnh đang tồn tại ở Pháp. Theo Tổng thống Pháp, hệ thống hưu trí này đã lỗi thời và không thể tiếp tục tồn tại, và ông muốn hướng tới một hệ thống đơn giản, quy định mức lương hưu theo điểm để bảo đảm công bằng cho mỗi người hưởng lương. Kế hoạch cải cách sẽ cho phép thiết lập một hệ thống hưu trí phổ quát mới, trong đó, người Pháp đóng góp và cùng hưởng các quyền lợi như nhau, đồng thời xóa bỏ các chế độ đặc biệt đang được áp dụng.

Theo một báo cáo gần đây từ một ban cố vấn lương hưu của chính phủ, hệ thống lương hưu nhà nước, dựa vào nguồn quỹ của người lao động để trợ cấp cho người về hưu, sẽ có thặng dư ngân sách nhẹ trong năm nay. Nhưng thâm hụt được dự báo trong thập kỷ tới và hơn thế nữa khi số lượng công nhân trên mỗi người về hưu giảm từ 2,1 năm 2000 xuống 1,7 vào năm 2020 và dự kiến là 1,2 vào năm 2070. Nếu không cải cách, chi tiêu cho lương hưu cuối cùng có thể đe dọa các mục tiêu giảm thâm hụt của chính phủ, điều này có nghĩa là Pháp sẽ vi phạm các quy tắc trần nợ của EU.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne nhấn mạnh rằng, nỗ lực cải cách nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt của các quỹ hưu trí kéo dài 30 năm qua cũng như trong bối cảnh nước Pháp đối mặt với khó khăn chồng chất. Dự luật cải cách hệ thống hưu trí sẽ được xem xét trong cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng vào ngày 23.1 tới, sau đó được xem xét ở cấp Ủy ban Hạ viện kể từ ngày 30.1, và sẽ được đưa ra biểu quyết ở Hạ viện vào ngày 6.2.2023. Nếu dự luật được thông qua, sẽ giúp hệ thống hưu trí đang thâm hụt khoảng 17 tỷ euro có thể cân bằng trở lại vào năm 2030.

Nguồn: Le Monde

Nguồn: Le Monde

Làn sóng phản đối

Bên cạnh những nỗ lực cải cách hệ thống hưu trí, dự luật này đang vấp phải nhiều làn sóng trái chiều. Các công đoàn chuẩn bị một phong trào đình công, biểu tình để phản đối yêu cầu chính phủ rút lại kế hoạch này. Năm 2019, Tổng thống Pháp đã phải hủy bỏ kế hoạch này vào năm 2020 khi đối mặt với các cuộc biểu tình lan rộng dài nhất trong nhiều thập kỷ của ngành vận tải và đại dịch Covid-19. Dù vậy, ông đã đặt vấn đề cải cách lương hưu làm trọng tâm trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai vào tháng 4.2022.

Thủ tướng Pháp cũng thừa nhận rằng, kế hoạch cải cách này sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người lao động của nhiều ngành nghề, nhất là các nghiệp đoàn. Những người ủng hộ kế hoạch cải cách cũng thừa nhận rằng, khả năng xảy ra bất ổn xã hội có rủi ro cao, vì các hộ gia đình đã và đang cảm thấy áp lực từ lạm phát tăng cao, cũng như suy thoái kinh tế. Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 70% người dân Pháp phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu. Đến nay, ngay sau khi dự luật cải cách được công bố, 8 nghiệp đoàn lớn nhất của Pháp đã phát động các cuộc biểu tình và đình công lớn vào ngày 19.1 tới. Lãnh đạo các đảng đối lập cánh tả, cực tả và cực hữu như ông Jean Luc Mélenchon hay bà Marine Le Pen cũng đồng loạt thể hiện sự phản đối.

Chính phủ cũng lập luận rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết để cải thiện thành tích tương đối yếu kém của Pháp trong việc giữ chân người lớn tuổi trong lực lượng lao động. Tỷ lệ việc làm của những người trong độ tuổi 55 - 64 là 56%, so với mức trung bình 59% ở các nước EU và 61% trong nhóm các nền kinh tế tiên tiến của OECD. Chỉ khoảng một nửa số người Pháp vẫn làm việc khi họ 62 tuổi. Chuyên gia chính trị tại Đại học Science Po ở Paris Bruno Cautres chia sẻ, nhìn chung, ý tưởng cải cách không được công chúng ủng hộ, mặc dù nhiều người có thể hiểu rằng nếu chúng ta sống lâu hơn thì chúng ta có thể cần phải làm việc lâu hơn.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia nhận định rằng, không loại trừ khả năng Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne phải vận dụng đặc quyền Điều 49.3 trong Hiến pháp để thông qua dự luật. Điều 49.3 trong Hiến pháp của nước Pháp quy định, một chính phủ cầm quyền được phép thông qua một dự thảo luật mà không cần một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội. Đây là một ngoại lệ nhằm tránh tình trạng bị đóng băng của một dự thảo luật khi có tranh chấp giữa hai nhánh hành pháp và lập pháp. Nhưng trong trường hợp chính phủ viện dẫn đến Điều 49.3 thì Quốc hội có quyền yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Nếu đa số bất tín nhiệm, chính phủ đương nhiệm sẽ bị giải tán để thành lập một chính phủ mới.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc cải cách vấp phải phản đối là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề này là dựa vào đối thoại xã hội. Việc trao đổi, thảo luận về các kỳ vọng, những điểm đồng thuận và các vấn đề còn bất đồng trên cơ sở gạt bỏ lợi ích riêng là cách thức duy nhất để các bên cùng nhau đi đến giải pháp chung, mang lại sự ổn định cho đất nước.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-cac-nuoc/cuoc-cai-cach-nhieu-chong-gai-i314059/