Cuộc cải tổ lớn nhất trong nội các Chính phủ Nhật Bản

Ngày 11-9, chỉ có 2 gương mặt kỳ cựu trong Chính phủ Nhật Bản tại vị, 17 vị trí được thay mới hoặc luân chuyển, trong đó có 13 người lần đầu tham gia nội các. Đây là lần cải tổ chính phủ thứ 4 và là lần thay đổi lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe nhậm chức năm 2012.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (chính giữa phía dưới) và các thành viên của nội các mới. Ảnh: Nhật báo Nhật Bản

Nội các mới của Chính phủ Nhật Bản gồm 19 thành viên vừa được công bố ngày 11-9. Đây là đợt cải tổ đầu tiên sau cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra vào tháng 7 vừa qua và được thực hiện trong bối cảnh đất nước mặt trời mọc phải đối chọi với nhiều thách thức, đặc biệt là căng thẳng thương mại Nhật Hàn; vấn đề an ninh trên bán đảo Triều Tiên; quan hệ Nga - Nhật...

Việc thay đổi hầu hết đội ngũ giúp việc cho Thủ tướng Shinzo Abe được giới phân tích thế giới nhìn nhận như một nỗ lực thực hiện mục tiêu sửa đổi Hiến pháp Hòa bình trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ cuối vào năm 2021, nhất là việc trẻ hóa đội ngũ khi đa phần ở độ tuổi từ 50 đến 60.

Trong buổi công bố thành viên nội các mới, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, đây là quyết tâm của Chính phủ Nhật Bản nhằm đẩy mạnh tiến trình cải cách Hiến pháp đang gặp nhiều trở ngại trong thời gian qua.

Trong đợt “biến chuyển” nhân sự lần này, có 2 vị trí được giữ nguyên gồm Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso. Còn lại, 17 Bộ trưởng được thay thế hoặc luân chuyển. Trong số đó, đáng chú ý là 2 vị trí được đánh giá triển vọng trở thành “hạt nhân” chủ lực trong Hội đồng cố vấn an ninh của Thủ tướng Abe. Cụ thể, ông Taro Kono từ Bộ trưởng Ngoại giao được luân chuyển sang làm Bộ trưởng Quốc phòng; ông Toshimitsu Motegi, trước đảm nhiệm Bộ trưởng đặc trách tái thiết kinh tế được bổ nhiệm sang làm Bộ trưởng Ngoại giao. Trước đó, ông Moteghi là người có công lớn trong đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Đối với ông Motegi, Thủ tướng Abe kỳ vọng tài năng đàm phán của vị tân Bộ trưởng này sẽ phát huy tối đa nhằm giải quyết những khó khăn trong căng thẳng quan hệ Nga - Nhật vốn trì trệ trong mấy năm qua, cũng như chưa đạt được thỏa thuận đáng kể nào trong đàm phán tranh chấp quần đảo mà Nga gọi là quần đảo Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono đã cam kết sẽ thúc đẩy hiệu quả thể chế an ninh, an toàn cho người dân. Đặc biệt là tăng cường hợp tác với Mỹ cũng như Hàn Quốc nhằm ứng phó với các vụ thử tên lửa từ Triều Tiên.

Trong số 13 “gương mặt mới”, nổi bật nhất là tân Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi mới chỉ 38 tuổi, là con trai của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi được người dân Nhật Bản rất yêu mến. Vị Bộ trưởng trẻ tuổi nhất này vốn được ví von là “ngôi sao đang lên” trên chính trường Nhật Bản, ông đã từng 4 lần liên tiếp trúng cử vào Hạ viện và có tỷ lệ trúng cử cao thứ 2 chỉ sau Thủ tướng Abe. Nhân vật trong giới tinh hoa chính trị Nhật Bản này chiếm được thiện cảm lớn trong giới truyền thông và nhân dân Nhật Bản với hình ảnh là một người cải cách nhưng thận trọng.

Cũng trong danh sách nội các mới, 2 “cánh tay đắc lực” của Thủ tướng Abe - Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) là ông Koichi Hagiuda - quyền Tổng Thư ký điều hành LDP được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục; Phụ tá đặc biệt về đối ngoại Katsuyuki Kawai trở thành Bộ trưởng Tư pháp. Nỗ lực của Thủ tướng Abe trong chính sách trao quyền cho phụ nữ được thể hiện ở việc bổ nhiệm nữ Thượng nghị sĩ Seiko Hashimoto giữ chức Bộ trưởng phụ trách các thế vận hội Olympics và Paralympics Tokyo 2020.

Ngoài 19 vị trí nội các mới được công bố, quan chức tình báo cấp cao Shigeru Kitamura cũng được bổ nhiệm vào vị trí Cố vấn an ninh quốc gia.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuoc-cai-to-lon-nhat-trong-noi-cac-chinh-phu-nhat-ban/