Cuộc chạy đua kiểm soát công nghệ 5G giữa Trung Quốc và Mỹ

Trung Quốc và Mỹ đang chạy đua giành quyền kiểm soát công nghệ mạng không dây 5G không chỉ vì hàng tỉ đô la tiền bản quyền mà còn là ưu thế về an ninh quốc gia cũng như phát triển các công nghệ mới.

Xét trên một số phương diện, Trung Quốc đang dẫn trước Mỹ trong cuộc đua mạng 5G. Ảnh minh họa: Slack

Tầm quan trọng của mạng 5G

Theo tờ The Wall Street Journal, Trung Quốc và Mỹ đang lao vào cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát công nghệ 5G, hứa hẹn thay đổi toàn diện cách sử dụng mạng Internet.

Các hãng sản xuất thiết bị viễn thông và các nhà mạng viễn thông ở cả hai nước đang gấp rút thử nghiệm và triển khai mạng lưới 5G, có tốc độ nhanh gấp 100 lần so với mạng 4G. Chính phủ của hai nước cùng gia nhập nỗ lực này nhưng chính phủ Trung Quốc quyết liệt hơn.

Mạng 5G được kỳ vọng sẽ giúp vận hành xe tự lái cũng như giúp các bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật phức tạp từ xa. Mạng 5G cũng giúp nâng cao hiệu suất hoạt động các thiết bị kết nối Internet nhờ tốc độ xử lý nhanh hơn.

Các lợi ích kinh tế mà mạng 5G mang lại sẽ rất lớn. Các công ty sở hữu bản quyền về công nghệ 5G sẽ kiếm được hàng tỉ đô la tiền bản quyền. Các nước có mạng lưới 5G lớn và đáng tin cậy sẽ có lợi thế trong việc phát triển các công nghệ cần tốc độ xử lý dữ liệu nhanh.

Trong khi đó, các hãng cung cấp thiết bị mạng 5G, có vị thế thống lĩnh trên thị trường, có thể giúp các cơ quan tình báo và quân sự của nước họ chiếm ưu thế trong các hoạt động gián điệp hoặc phá hoại mạng viễn thông 5G của các nước đối thủ. Declan Ganley, Giám đốc điều hành công ty viễn thông Rivada Networks, nhận định mạng 5G có ý nghĩa chiến lược quan trọng hơn cả các tuyến đường biển hoặc việc kiểm soát không phận.

Xét trên một số phương diện, Trung Quốc đang dẫn trước Mỹ trong cuộc đua 5G. Kể từ năm 2013, một ủy ban do chính phủ Trung Quốc điều hành đã làm việc với nhiều nhà mạng viễn thông và hãng sản xuất thiết bị viễn thông để phát triển và thử nghiệm mạng 5G.

Sự dẫn dắt của nhà nước kết hợp với thị trường trong nước khổng lồ là những yếu tố bảo đảm rằng các hãng thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc như Huawei, ZTE sẽ bán được khối lượng lớn thiết bị 5G và thu được nhiều kinh nghiệm về công nghệ này trong quá trình triển khai nó.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ nhìn chung không tham gia điều phối các nỗ lực của khu vực tư nhân trong việc phát triển mạng 5G. Phần lớn các thử nghiệm mạng 5G ở Mỹ được thực hiện riêng rẽ bởi AT&T, Verizon, Samsung Electronics và Nokia. Ba nhà mạng viễn thông Mỹ gồm AT&T, T-Mobile và Verizon dự định triển khai dịch vụ mạng 5G ở một số thành phố Mỹ vào cuối năm nay.

Hồi đầu tháng này, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ thông báo kế hoạch giúp các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng 5G bằng cách lược bỏ một số quy định ở địa phương về quản lý và phí lắp đặt đối với bộ phát sóng di động nhỏ, một cấu thành quan trọng của hạ tầng mạng 5G.

Ngáng đường các công ty công nghệ của nhau

Cuộc chạy đua mạng 5G giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chứng kiến những động thái trả đũa lẫn nhau về mặt quản lý. Hồi đầu năm nay, theo đề xuất của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), Tổng thống Donald Trump đã ngăn chặn thương vụ hãng bán dẫn Broadcom có trụ sở ở Singapore thâu tóm hãng chip Qualcomm (Mỹ) với giá 117 tỉ đô vì lo ngại thương vụ này sẽ tạo cho Trung Quốc lợi thế về công nghệ 5G.

CFIUS lo sau khi thâu tóm Qualcomm, Broadcom sẽ cắt giảm ngân sách đầu tư nghiên cứu và phát triển của Qualcomm trong lĩnh vực 5G. Động thái này, trên giả thiết, sẽ tạo lợi thế cho Huawei và ZTE. Dù Broadcom không phải là công ty của Trung Quốc nhưng hãng bán dẫn này có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Huawei. Huawei đang sử dụng chip của Broadcom trong các thiết bị xây dựng mạng lưới viễn thông.

Hồi tháng 2-2018, cả hai công ty này thông báo vừa hoàn thành thử nghiệm một công nghệ giúp triển khai các dịch vụ di động 5G nhanh hơn. Chính phủ Mỹ lo ngại về sức mạnh ngày càng tăng của Huawei trong lĩnh vực 5G vì hãng này cùng với ZTE bị Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ xem là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Báo cáo của ủy ban này hồi năm 2012 cảnh báo các thiết bị của Huawei và ZTE có thể được sử dụng để do thám người Mỹ. Hồi tháng 8, Úc quyết định cấm sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE trong mạng 5G của nước này. Các đồng minh khác của Mỹ bao gồm Nhật Bản cũng đang cân nhắc lệnh cấm tương tự.

Trong khi đó, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không sử dụng các thiết bị của các công ty công nghệ Mỹ để lắp đặt mạng 5G vì lo ngại gián điệp. Hồi tháng 7, Trung Quốc đã không phê duyệt thương vụ Qualcomm thâu tóm hãng bán dẫn NXP Semiconductors (Hà Lan) với giá 44 tỉ đô, vốn hứa hẹn giúp Qualcomm kiếm lợi nhuận từ các khoản đầu tư mạng 5G trong các thị trường mới chẳng hạn xe kết nối.

Thương vụ này đã được 8/9 nước chấp thuận và Trung Quốc là nước duy nhất không phê duyệt. Dù Qualcomm và NXP Semiconductors không phải là các công ty của Trung Quốc nhưng sự hiện diện rộng lớn của họ ở Trung Quốc cho phép Bắc Kinh có tiếng nói quyết định số phận thương vụ thâu tóm này.

Trung Quốc xem phát triển mạng 5G là một ưu tiên hàng đầu sau khi không theo kịp các nước phương Tây trong việc phát triển các thế hệ mạng di động trước đây.

Theo một báo cáo mới đây của công ty tư vấn Deloitte Consulting, Mỹ đang đầu tư kém xa Trung Quốc trong nỗ lực xây dựng hạ tầng mạng 5G và có nguy cơ đánh mất các cơ hội kinh tế to lớn. Báo cáo cho biết kể từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng được 350.000 trạm thu phát sóng mạng di động 5G so với con số chưa đến 10.000 của Mỹ. Kể từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã đầu tư cho mạng 5G cao hơn 25 tỉ đô la so với mức đầu tư của Mỹ.

Trung Quốc đua tranh thiết lập tiêu chuẩn 5G toàn cầu

Một kỹ sư kiểm tra tốc độ đường truyền băng thông rộng tại một trạm gốc 5G tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Tham vọng kiểm soát mạng 5G trong tương lai của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ 5G để toàn thế giới áp dụng theo và phải trả phí bản quyền cũng như phí cấp phép sử dụng.

Các chuyên gia kỳ vọng Qualcomm và các công ty công nghệ phương Tây khác sẽ chiếm lĩnh phần lớn bản quyền thiết yếu đối với công nghệ 5G một khi các tiêu chuẩn công nghệ được thiết lập đầy đủ. Song Trung Quốc cũng đang có những tiến triển trong nỗ lực này.

Huawei, một công ty được cho là có quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc, đã dành nhiều nguồn lực và tâm huyết để phát triển công nghệ giao diện vô tuyến mã cực (polar coding), một phương pháp mới để sửa sai sót trong truyền dữ liệu được phát minh bởi nhà khoa học người Thổ Nhĩ Kỳ Erdal Arikan. Đây được xem là một phần quan trọng của mạng 5G. Hồi tháng 7, Huawei đã trao giải thưởng đặc biệt cho Arikan để ghi nhận sự đóng góp xuất sắc của ông cho sự phát triển công nghệ truyền thông.

Tại một hội nghị toàn cầu về thiết lập tiêu chuẩn công nghệ 5G ở bang Nevada, Mỹ hồi năm 2016, đại diện các công ty Trung Quốc đã đồng loạt bỏ phiếu cho công nghệ trên, dẫn đến một tranh luận căng thẳng kéo dài qua nửa đêm vì nhiều đại diện của các công ty phương Tây ủng hộ một công nghệ khác. Hội nghị kết thúc bằng một thỏa hiệp khi các bên chấp nhận công nghệ giao diện vô tuyến mã cực trở thành một phần của tiêu chuẩn công nghệ 5G.

Một minh chứng cho nỗ lực hỗ trợ phát triển mạng 5G của chính phủ Trung Quốc là một trung tâm thí nghiệm 5G do chính phủ quản lý ở phía bắc Bắc Kinh. Đây là nơi để các công ty công nghệ, các trường đại học và các viện nghiên cứu tiến hành các thử nghiệm công nghệ và thiết bị của mạng 5G dưới sự điều phối của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc.

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278513/cuoc-chay-dua-kiem-soat-cong-nghe-5g-giua-trung-quoc-va-my.html