Cuộc chạy đua mới tìm đồng minh

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ đang tận dụng những cuộc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Singapore từ ngày 13-15/11 và Diễn đàn APEC tại Port Mosesby, Papua New Guinea từ ngày 16-18/11 để tìm kiếm thêm đồng minh trong chiến tranh mậu dịch...

Trung Quốc không dễ tìm đồng minh

Trung Quốc đang “bở hơi tai” đương đầu với Mỹ trong cuộc thương chiến. Gã khổng lồ phải loay hoay với đồng nhân dân tệ (yuan) đang mất giá, lại vừa tranh thủ tìm mọi cách “níu kéo” những công ty muốn tháo chạy khỏi nước này để đến Mỹ, Ấn, Nhật, Hàn Quốc và Đông Nam Á.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cố gắng tận dụng những cuộc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Singapore để tìm kiếm sự ủng hộ của các nước châu Á. Một ngày trước khi các nhà lãnh đạo ASEAN họp, hôm 12/11 Trung Quốc và Singapore đã ký hiệp định thương mại tự do mở rộng cho phép Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào các ngành hàng không, giao nhận hàng hóa, môi trường và đầu tư của Singapore. Bên cạnh đó, hai bên cũng ký 10 bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về văn hóa, công nghệ mới, hành chánh công, quản trị đô thị, quản lý, quy hoạch và thông quan nhanh hàng hóa.

Thương mại hai chiều giữa Singapore và Trung Quốc đạt trên 100 tỷ USD trong năm 2017. Với các thỏa thuận vừa ký kết, nhật báo Straits Times của Singapore nói Trung Quốc có thể thông qua Singapore bước vào thị trường ASEAN tiềm năng với dân số 650 triệu người. Họ cần những nước láng giềng để tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới do các mâu thuẫn thương mại và chính trị với Mỹ gây ra.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể phải đối mặt với một số trở ngại ngoại giao liên quan đến vấn đề biển Đông và cái “bẫy nợ” mà nước này giương sẵn cho các nước muốn vay vốn cho cơ sở hạ tầng… trong khu vực dường như đẩy những quốc gia nhận tiền vay rơi vào “bẫy nợ”.

Hãng tin AFP của Pháp cũng nói rằng Trung Quốc cần chứng minh cho thế giới biết họ vẫn là “thị trường có giá trị và đối tác chiến lược đáng tin cậy”. Bắc Kinh phải xoa dịu các hoài nghi và lo ngại trong khu vực về năng lực kinh tế cũng như sức mạnh quân sự đang ngày một gia tăng.

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đầy tham vọng mà Bắc Kinh theo đuổi đang trở thành gánh nặng cho một số nước châu Á đã trót nhận những khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc. Các nước chưa nhận viện trợ của sáng kiến này lại lo ngại cái bẫy đang chờ chực mình.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, Thủ tướng Lý tiếp tục thay mặt Chủ tịch Tập Cận Bình dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea.

Nhưng liệu Thủ tướng Lý sẽ thành công trong sứ mạng mới khi cuộc chiến thương mại ngày càng khốc liệt và thế giới bất bình về hành xử của Trung Quốc trên các mặt kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng?

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ mở cửa nền kinh tế hơn nữa khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ. (Ảnh: AFP).

Phó Tổng thống Mike Pence cũng có một sứ mạng tương tự như ông Lý khi đại diện cho Tổng thống Donald Trump trong chuyến đi dài hơi từ ngày 11-18/11 thăm châu Á và dự các hội nghị ASEAN và APEC.

Ông Pence có giọng điệu mềm mỏng hơn, không chỉ trích trực diện Trung Quốc như các bài phát biểu gần đây. Ông nói với các nước Đông Nam Á rằng những khoản đầu tư từ lĩnh vực tư nhân của Mỹ, cộng với sự hỗ trợ của chính phủ Mỹ về quản trị và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ sẽ là một lựa chọn lành mạnh và bền vững hơn so với mô hình của Trung Quốc hiện tại. Công ty đầu tư tư nhân hải ngoại OPIC với ngân khoản 60 tỷ USD có thể đáp ứng nhu cầu vốn ở các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN.

Tờ South China Morning Post nói ông Pence cũng có các cuộc gặp bên lề với các đồng minh cũ như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật và tìm kiếm sự ủng hộ mới từ Ấn Độ nhằm lập tương quan kinh tế và chính trị mới với Trung Quốc.

Phó Tổng thống Mike Pence cho rằng Trung Quốc khó tìm đồng minh khi tham dự các cuộc họp cấp cao tại Singapore và Papua New Guinea. (Ảnh: SCMP).

Chuyến đi của Thủ tướng Lý Khắc Cường được xem là nước cờ “giải vây” cho Trung Quốc khi Mỹ đang tìm cách cô lập và “quật ngã” Trung Quốc trên mặt trận thương mại.

Phát biểu trước khi đến Singapore tham dự các cuộc họp với những nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định nước này sẽ mở cửa nền kinh tế hơn nữa khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Ông kêu gọi xây dựng một “nền kinh tế thế giới rộng mở” khi đối mặt với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang gia tăng. Tại Singapore, ông Lý tham dự các cuộc đối thoại cấp cao Trung Quốc - ASEAN lần thứ 21, Hội nghị Cấp cao ASEAN + 3 (giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) lần thứ 21 và Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 13…

Trung Quốc đang gửi đi thông điệp “bảo vệ cho chủ nghĩa đa phương và tự do mậu dịch”. Mỹ vẫn theo chủ trương “nước Mỹ trên hết” của ông Trump nhưng vẫn mở ra viễn cảnh hợp tác mới. Ai sẽ giành lợi thế trong cuộc chạy đua này?

Kim Thoa

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/cuoc-chay-dua-moi-tim-dong-minh-d72279.html